TPHCM:

16 trường trung cấp kiến nghị tạm dừng thông tư về việc ngưng đào tạo trung cấp y

(Dân trí) - Hiệu trưởng của 16 trường trung cấp tại TP.HCM vừa đồng ký tên, đóng dấu vào bản kiến nghị gửi Văn phòng Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đề nghị “sửa lại và tạm ngừng thực hiện” thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ về việc ngưng đào tạo trung cấp nhóm ngành y tế.

Thông tư liên tịch chưa phù hợp với thực tế

Thông tư liên tịch số: 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật y quy định: “Từ ngày 1/1/2021 trở đi, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành hộ sinh; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật y hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật y”.

Do đó, từ năm 2018, các trường sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo, từ năm 2021 sẽ ngưng tuyển dụng hệ trung cấp Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật y học và từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế.

Sinh viên ngành điều dưỡng trường trung cấp Ánh Sáng trong buổi thi tốt nghiệp
Sinh viên ngành điều dưỡng trường trung cấp Ánh Sáng trong buổi thi tốt nghiệp

Trong bản kiến nghị, các trường cho rằng “việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực ngành y tế bắt đầu từ năm 2021 là một tín hiệu tốt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và hội nhập với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cần có lộ trình hợp lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa khâu tuyển dụng, sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực...”.

Theo các trường, “Quy định của Bộ Y tế ban hành một cách vội vàng, chưa đánh giá được tác động của nó, chưa có đánh giá phản biện của xã hội, ngay cả những người đang làm việc trong ngành y tế của các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến trung ương…

Thiết nghĩ, khi đưa ra một qui định có sức ảnh hưởng rộng lớn như vậy, đáng lẽ Bộ Y tế phải có nghiên cứu, tìm hiểu để đánh giá được đào tạo trình độ trung cấp của ta đang đào tạo những gì, so sánh với trình độ CĐ của các nước thì tương đương đến đâu”.

“Đáng lẽ trước khi ra qui định này, Bộ Y tế phải có một cuộc khảo sát, đánh giá diện rộng về nhu cầu nhân lực từ các cơ sở y tế tuyến thôn bản, xã trở lên, đánh giá khả năng, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo hiện nay và tương lai để xem khả năng đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trình độ CĐ như thế nào.

Chúng tôi cho rằng, đã không có một cuộc khảo sát đầy đủ, sâu rộng như vậy. Trong khi, Chính phủ đã kêu gọi phải xây dựng một nền hành chính minh bạch, kiến tạo, đặt lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư lên hàng đầu”, bản kiến nghị nêu rõ.

Bên cạnh đó, các trường cho rằng Thông tư đã tác động tâm lý đến hàng trăm nghìn học sinh đang theo học và ảnh hưởng đến chất lượng học tập và cơ hội việc làm. Đồng thời, qui định của ngành y tế tác động việc tuyển sinh năm nay của các trường. Người học sẽ không muốn vào học, trong khi “các trường đã bỏ kinh phí hàng chục tỉ để trang bị cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị khi mở ngành sức khỏe, giờ đây đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không thể tuyển sinh được do tác động tâm lý của qui định này”, các hiệu trưởng nêu.

Ba kiến nghị của các trường trung cấp

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT cần xem xét đổi tên trung cấp chuyên nghiệp thành CĐ hai năm cho phù hợp với qui chuẩn chung của quốc tế. Hiện nay Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và nhiều thị trường khác đang tuyển số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý nhưng họ đều yêu cầu trình độ tối thiểu là cao đẳng trở lên(theo tên gọi bậc học của họ). Việc đổi tên gọi ngoài đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, còn là mở rộng cơ hội làm việc ở nước ngoài. Muốn hội nhập thì phải đồng bộ, không chỉ hội nhập về qui định bằng cấp tuyển dụng mà còn cần có sự chuẩn bị cho các cơ sở đào tạo, chuẩn bị nguồn được đào tạo.

Thứ hai, Bộ Y tế cần sửa đổi lại và trước hết là tạm ngừng chưa thực hiện Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7/10/15 để phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi Bộ GD-ĐT chưa xây dựng xong khung trình độ quốc gia và các bộ ngành khác vội vàng trong việc áp chuẩn trong hội nhập ASEAN về trình độ lao động đã thực sự chưa chuẩn bị bước đệm cho chuyển đổi hoặc nâng cấp trình độ đào tạo của trong nước cho tương đương, phù hợp. Tránh thiệt hại và gây xáo trộn nhiều thành phần.

Thứ ba, trong khi Chính phủ đã kêu gọi phải xây dựng một nền hành chính minh bạch, kiến tạo, đặt lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư lên hàng đầu, nếu Bộ Y tế quyết tâm thực hiện Thông tư thì thiệt hại của các nhà đầu tư sẽ giải quyết như nào.

Việc nâng cao và chuẩn hóa trình độ nguồn nhân lực ngành y tế là một việc nên làm để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cả cho hội nhập. Tuy nhiên, lộ trình cần hợp lý, cần có bước chuẩn bị để không giết chết hoặc gây xáo trộn không đáng có cho nhiều đối tượng liên quan.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm