16 năm “gieo” chữ trên đôi nạng gỗ
(Dân trí) - “Các con chép bài tập vào vở theo cô…” Tay chống nạng, tay rướn người cẩn thận ghi từng con tính lớp 3 lên bảng, một ngày làm việc của cô giáo làng Huỳnh Thị Xinh cứ đều đặn bắt đầu và kết thúc như thế đã 16 năm nay…
Nhọc nhằn những vết chân tròn…
Mấy năm đi dân công tải đạn xuyên rừng đã để lại trên người thanh niên Huỳnh Đức Thơm cái gọi là chất độc màu da cam. Và cô Bảy Xinh, với đôi chân teo tóp ngay từ thuở lọt lòng đã trở thành đứa con duy nhất trong gia đình hứng trọn di chứng chiến tranh từ cha.
Ngày những đứa trẻ cùng trang lứa chập chững biết đi, Xinh chỉ biết lăn lóc nơi đầu giường. Lớn lên một chút, nhìn bạn bè trong xóm tung tăng cắp sách đi học, cô bé Xinh cũng háo hức xin mẹ tìm mua cho đôi nạng gỗ và tập vở làm hành trang đến lớp. “Đường làng ngày ấy toàn là đất cát lồi lõm chứ đâu được trơn láng bê tông như chừ. Người thường đi đã khó huống chi tàn tật như mình” - cô giáo Xinh bồi hồi nhớ lại. Biết là vậy, nhưng ngày lại ngày, bất kể mưa hay nắng, chiếc nạng gỗ vẫn nhọc nhằn theo Xinh in từng vệt lõm sâu trên cát mỗi buổi đến trường.
Thời chiến tranh tên bay đạn lạc, gia cảnh khó khăn, lại thêm mấy lần hai bàn chân sưng vù lên vì phải đi đứng nhiều, có lúc Xinh đã nghĩ đến chuyện thôi học. Nhưng ước mơ làm cô giáo làng từ hồi còn nhỏ xíu cứ hiện về thôi thúc cô bé tật nguyền đeo đuổi con chữ đến cùng.
Lên cấp 3, đường đến trường dài ra thêm 3-4 cây số, một mình Xinh không thể chống nạng đi, về; nhất là trong những ngày mưa hay giữa buổi trưa hè đổ lửa. Xinh quyết định ở lại nhà người quen ngay gần trường để tiện cho việc học, khỏi phiền đến cha mẹ đưa đón. Bạn bè biết được hoàn cảnh của Xinh, cứ đến cuối tuần lại tình nguyện chở cô bé về tận nhà sum vầy với gia đình.
Cuối năm lớp 12, Xinh đỗ tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Niềm vui chỉ đến ngắn ngủi khi Xinh hay tin mình không thể thi vào trường ĐHSP vì những quy định tuyển sinh ngặt nghèo khi ấy.
Muốn đeo đuổi ước mơ đến cùng, Xinh đã nghĩ đến chuyện vượt đèo ra Huế thi vào ngành Ngữ văn của trường ĐH Tổng hợp (bây giờ là ĐH Khoa học). Nhưng rồi, đàn gà và mảnh ruộng con con không đủ nuôi 10 miệng ăn huống gì cho con đi học xa, cha mẹ Xinh đành ngậm ngùi khuyên con thi vào ĐH Ngoại ngữ cho gần nhà.
Kì thi năm ấy Xinh không đỗ. Cánh cổng trường đại học khép lại, khép luôn cả ước mơ cháy bỏng của cô gái 20 tuổi tật nguyền…
Hành trình “đứng lớp” của cô giáo tật nguyền
Cô giáo Xinh cầm tay chỉ vẽ cho từng học trò nghèo “khát” chữ.
Một ngày cuối năm 1986, Xinh được Hội người khuyết tật của những kiều bào ở Mỹ tìm đến trao tặng xe lăn cùng 2 suất học Anh văn, vi tính miễn phí. Từ đây, đường đến lớp của cô gái khuyết tật đã bớt chút nhọc nhằn nhờ những vòng xe.
Đêm học, ngày giữ cháu phụ anh chị, hai năm sau, Xinh sung sướng cầm chứng chỉ Anh văn, vi tính trên tay mà không ngăn được dòng nước mắt. Ước mơ làm “người đưa đò” khi ấy lại trỗi dậy mãnh liệt trong lòng người con gái trẻ. Nhưng đôi chân tật nguyền lại kéo chị về với một thực tế: “Người lành lặn không có bằng cấp người ta còn không nhận huống gì mình…”
Gấp lại mảnh bằng phổ thông và đôi chứng chỉ, cô Bảy Xinh trở lại với nghiệp “giữ trẻ” phụ giúp gia đình, lòng vẫn không nguôi ấp ủ ước mơ. Trong những ngày tháng cơ cực ấy, người ta vẫn thấy trên xe lăn một cô gái tật nguyền tay bế em, tay lật từng trang sách ôn lại những kiến thức thời còn đi học. Thỉnh thoảng chị lại chỉ vẽ cho con cháu vài ba con tính, dăm bảy chữ tiếng Anh; dần dà kiêm luôn nhiệm vụ làm “gia sư” cho bọn trẻ trong nhà. Bà con chòm xóm thấy chị hay chữ, lại khéo dạy cũng đem con đến nhờ kèm cặp. Ngày đó, dù nhiều người nài nỉ, cô Xinh “gia sư” vẫn không chịu lấy một đồng, vì “bà con ở đây đều nghèo như mình cả, với lại mình cũng chẳng bằng cấp gì, dạy các em cũng là tranh thủ ôn lại mớ kiến thức lâu ngày không dùng đến”.
Qua tay chị, từ đứa “một chữ bẻ đôi không biết” đến những trò lớp 7, lớp 8 quanh năm “đội sổ” đều tiến bộ rõ rệt. “Tiếng lành đồn xa”, học trò kéo đến chị ngày một đông. Được người nhà động viên, chị lấy tạm một góc phòng khách nhà cha mẹ đẻ, kê thêm tấm bảng đen và đôi bộ bàn ghế làm nơi dạy học. Với con em những gia đình nghèo khó, chị dạy không lấy tiền hoặc giảm 50% số học phí vốn chỉ năm ba chục ngàn. Trò nào ngoan, học giỏi, chị cũng sẵn sàng miễn hẳn tiền học để khuyến khích các em.
Lớp học chị Xinh cứ thế đầy dần lên, kín hết “thời gian biểu” của chị, nhất là trong những ngày hè nắng rát. Rồi cũng đến lúc một góc nhỏ trong căn phòng chật hẹp không còn đủ cho đám học trò hiếu học ở miền quê nghèo làm nơi đèn sách...
Năm 2002, cha mẹ chị dành dụm được số tiền kha khá để sửa lại căn nhà cấp 4 vốn đã xập xệ từ nhiều năm trước. Thời gian ấy, Hội chữ thập đỏ của phường và quận cũng hỗ trợ 5 triệu đồng giúp chị góp thêm vào xây mới lớp học tình thưong ngay sát ngôi nhà cũ. Vậy là sau 10 năm mày mò đem con chữ đến với học trò nghèo trên mảnh đất quê hương, cô giáo tật nguyền, không bằng cấp đã có được một phòng học thật sự, tuy chưa được khang trang nhưng cũng đủ làm ấm lòng cả trò cả cô…
Đến nay, lớp học của cô giáo Xinh (ở Tổ 10, Xuân Thiều, Hòa Hiệp Nam, TP Đà Nẵng) mỗi ngày đón trên dưới 100 trò, “cao điểm” có thế lên đến 150 em, chủ yếu là trong ba tháng hè. Đứng lớp nhiều dưới cái nắng gay gắt của trời miền Trung, đôi bàn chân teo quắt của chị có lúc sưng tấy như thời còn chống nạng đi học. Thương con gái vất vả, mẹ chị đôi lần khuyên con nhận ít học sinh lại, nhưng “biết làm sao được, các em ham học mới tìm đến mình, mình không dạy các em biết dựa vào ai?”
Với chị, được chỉ dạy các em từng cái chữ, con toán là niềm vui, niềm mơ ước cả một đời. Dù không một ngày ngồi trên giảng đường sư phạm, nhưng với sự nhiệt tình và lòng yêu nghề, cô giáo Xinh vẫn ngày đêm đem kiến thức cùng những kinh nghiệm học hỏi từ những người bạn học - nay đã là giáo viên các trường - truyền dạy cho trẻ em nghèo.
16 năm đi “gieo” chữ, học trò của chị nay có người đã tốt nghiệp đại học, đi làm, thỉnh thoảng vẫn ghé về thăm hỏi người cô tật nguyền năm xưa, như một cách để tri ân…
Huỳnh Linh