15 năm giúp trẻ nghèo tìm con chữ
Cứ mỗi năm học mới, bà lại nhận nuôi từ 4 - 8 học sinh. Đó là việc làm thường niên của bà Zơ Râm Thị Nhoi (68 tuổi, ở tổ 9, thôn Dung, xã Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang ,Quảng Nam).
Người con Tà Riềng dũng cảm
Là người dân tộc Tà Riềng, năm 1962, lúc đó vừa tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà Nhoi rời xóm làng La La (nay là thôn Đắc Tờ Vâng, xã La Dê) để tham gia lực lượng thanh niên xung phong, rồi đi bộ đội.
Năm 1968, nhờ sự nhanh nhẹn và dũng cảm, bà được giao giữ chức Chính trị viên phó đơn vị C13, Tiểu đoàn Bình Sơn (Cục Hậu cần Quân khu 5). Trong một lần máy bay B52 Mỹ ném bom địa hình, bà cùng 6 đồng đội khác bị trúng bom: 3 hy sinh, 4 bị thương. Trong số đó, người yêu của bà là Zơ Râm Nghinh đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Khâm Đức, huyện Phước Sơn.
Với mong muốn tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cuối năm 1970, dù vẫn đang còn 4 mảnh đạn, bà Nhoi tình nguyện trở lại chiến trường miền Nam tiếp tục làm thanh niên xung phong tại Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng quê hương, bà chuyển về làm ở Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Giằng (nay là Nam Giang). Đến năm 1986 bà về nghỉ hưu.
Trở về địa phương, bà Nhoi tham gia Hội Cựu chiến binh huyện Nam Giang, cùng các hội viên hăng hái tham gia xây dựng đời sống kinh tế mới, cải thiện cuộc sống. Năm 1999, Trường cấp II, III trên địa bàn huyện được thành lập. Là người Tà Riềng, chứng kiến con cháu mình xuống huyện tìm cái chữ nhưng không có chỗ trọ, bà liền dọn dẹp căn nhà nhỏ để đón các cháu vào ăn, ở, học tập.
Thương các em chăm học, bà Nhoi dành dụm số tiền phụ cấp ít ỏi hàng tháng (hơn 2 triệu đồng) để chăm lo từng bữa cơm, sách vở, quần áo cho các cháu. Bà Nhoi sống độc thân, lấy niềm vui trong công việc và việc giúp đỡ lũ trẻ trong cuộc sống hằng ngày làm hạnh phúc cho riêng mình.
Lấy lương hưu nuôi các “con” ăn học
Trong căn nhà tình nghĩa do bưu điện tỉnh hỗ trợ xây dựng kê đến 4 cái giường, bà tâm sự: Khi lũ trẻ xuống trọ học, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ chỉ làm nương rẫy nên không đủ lo ăn cho con nên đòi đưa chúng về. Những lúc đó bà cam kết “còn sức thì tôi lo cho các cháu được bữa cơm, cuốn sách để học” để động viên gia đình các cháu yên tâm cho con học cái chữ.
Từ khi thành lập Trường cấp II và cấp III (nay là Trường THCS và THPT Nam Giang), mỗi năm bà Nhoi nuôi từ 4 - 8 đứa trẻ. |
Số tiền phụ cấp hàng tháng ít ỏi, để nuôi bản thân mình và các cháu, bà Nhoi phải sớm hôm lên nương tỉa ngô bẻ bắp, trồng nương lúa để có thêm nguồn thu. Nhiều người khuyên bà nghỉ ngơi, tội gì tự mang cực mang khổ vào thân để nuôi người thiên hạ, bà cười hiền: “Chỉ mong các cháu học tốt, mai này thành tài về giúp đỡ gia đình và quê hương”.
Xa nhà đi học nên những lúc các em đau ốm, một tay bà lại đôn đáo chạy chữa thuốc thang, cơm nước cho các em. Lứa trước chưa xong, lứa sau đã tới, giờ đây rất nhiều học sinh ngày trước trọ học ở nhà bà đã là bác sĩ, giáo viên… Hàng năm, họ vẫn về thăm bà hỏi han, lo lắng cho sức khỏe của bà. Đây chính là niềm động viên, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với bà - người con Tà Riềng.
Hiện tại bà Nhoi nuôi 2 em đang theo học đại học. Em Zơ Rum Thị Lành đang học năm thứ 3 Đại học Tây Nguyên, cho biết: “Mỗi tháng cô Nhoi gửi cho em từ 1 - 1,5 triệu. Em cố gắng học tốt để không phụ sự chăm sóc nuôi nấng của cô”.
Vậy là nhẩm tính, trong 15 năm qua, bà Nhoi đã nuôi gần 100 học sinh ăn ở tại nhà mình và học nên người.