13 năm đi nhờ trên đôi chân của bố

(Dân trí) - Tại ĐH Tây Nguyên năm nay xuất hiện một hình ảnh làm nhói lòng bao phụ huynh lẫn thí sinh đến trường thi: Em Trương Quang Việt, sinh năm 1989 ở xã Cư EaB Hốc, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc đã 13 năm “nhờ” đôi chân của cha mình đến trường thi.

Chiếc chân phải mới vừa phẫu thuật 3 tháng trước ngày thi, càng hành hạ em hơn. Bên cạnh đó, cũng nặng thêm cả mấy ký lô đè lên tấm lưng của người cha vốn gầy ốm.

 

Sinh ra đã bị tật bẩm sinh, cả hai chân teo riết lại làm Việt không thể tự mình nhấc người lên nổi. Giấc mơ đèn sách của cậu học trò nghèo xóm núi gửi cả vào tấm lưng trần của người cha làm “yên ngồi” cho mình được tới trường.
 
13 năm đi nhờ trên đôi chân của bố - 1

Cõng cả ước mơ bước đến giảng đường cùng con
 
Đã 13 năm nay, anh Trương Quang Điểm (51 tuổi, bố của Việt), luôn đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường đến lớp. Anh nhớ lại chặng đường gian khó đã qua, lúc nhà còn nghèo khổ, chưa có đến một phương tiện đi lại, ngày nào cũng quãng đường hơn chục cây số đi về, nắng mưa lội đường núi dốc, anh cõng con đuổi theo từng con chữ.

 

Có bữa, đường dốc mưa trơn, cả hai cha con cùng trượt ngã sõng soài, áo con trắng loang màu bùn đỏ nhớp lầy. Sau lần đó, thương con quá, anh bàn với vợ bán đi ang lúa, mấy bao cà phê mua được chiếc xe đạp cọc cạch, ngày ngày làm đôi chân giả cho con “cưỡi” trên lưng mình đến lớp.

 

Kỳ thi ĐH năm nay, cha con Việt cũng đã đủ tiền sắm chiếc xe máy cà tàng. Gần 50 cây số - quãng đường từ nhà đến địa điểm thi, trời vừa rạng sáng, cha con đã vội vàng khăn gói lên đường: “Cũng may trời mùa hè, đường sáng chứ không thì sẽ còn khốn khổ nữa”.

 

Việt không đi lại được, mọi sinh hoạt phải nhờ đến cha. Ở lại qua đêm, vệ sinh, đi lại sợ bất tiện nên hai cha con “thồ” nhau đi đi về về.

 

Biết khó khăn trong đi lại nên cả hai khối thi (khối A và B) Việt đều chọn thi vào ngành sư phạm - ĐH Tây Nguyên thi cho gần nhà. Ước mơ làm thầy giáo nuôi con chữ nơi các em khuyết tật cũng cảnh ngộ, càng thôi thúc một niềm cảm thông sâu sắc. Việt bắt mình phải “vượt vũ môn” thành công lần này. 

 

“Không thể “nhờ” đôi chân của cha mãi. Phải giải phóng đôi chân cho cha” - Việt chậm rãi. Ước mơ hãy còn tươi rói đầy quyết tâm hăm hở trên khuôn mặt cậu học trò xóm núi.
 

Giảng đường ĐH như mở ra gần hơn trước mắt với Việt, trên tấm lưng còng của cha…

 

Đỗ Lan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm