1/10 nam sinh Phần Lan muốn chọn nghề "nam tính" để... hấp dẫn hơn với các cô gái

(Dân trí) - Theo tờ Daily Finland, Phần Lan được coi là một đất nước kiểu mẫu về bình đẳng giới, tuy nhiên giới trẻ nước này vẫn chọn lựa ngành nghề dựa trên giới tính của họ nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác.

Học sinh tại Phần Lan phải đưa ra lựa chọn quan trọng trong năm học cuối tại trường phổ thông cơ sở. Trong các lớp học hướng nghiệp, học sinh được khám phá các ngành nghề khác nhau cũng như những điểm mạnh và sở thích riêng của mình.

Các em được gặp trực tiếp với người tư vấn, đồng thời có các buổi họp nhóm để tiếp xúc với cơ hội nghề nghiệp và chia sẻ về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Mục đích là để giúp những người trẻ có thể độc lập chọn con đường giáo dục phù hợp và thú vị nhất cho họ.


Nhiều học sinh Phần Lan đưa ra chọn nghề dựa vào giới tính (Ảnh minh họa: Freepik)

Nhiều học sinh Phần Lan đưa ra chọn nghề dựa vào giới tính (Ảnh minh họa: Freepik)

Một số người không có khó khăn gì trong việc đưa ra sự lựa chọn. Họ luôn biết họ muốn làm gì khi lớn lên: ví dụ, học nhiều môn toán và vật lý ở trường cấp hai và sau đó thi tuyển vào trường y hoặc theo học trường dạy nấu ăn để trở thành một đầu bếp.

Trong khi đó, một số học sinh lại tỏ ra vẫn lưỡng lự tìm ra ngành nghề mong muốn. Một số có thể đi theo con đường giống như bạn bè của họ chọn; một số sẽ theo bước chân của anh chị em hoặc chọn nơi mà họ cảm thấy thú vị nhất.

Trong số các sinh viên tham gia trả lời một cuộc khảo sát của tổ chức Thống kê Phần Lan mới đây, 1/3 số học sinh nam và 1/5 học sinh nữ tin rằng giới tính ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp của họ.

Cứ 10 nam sinh thì có 1 người tin rằng việc chọn một nghề nghiệp “thiếu nam tính” sẽ khiến họ kém hấp dẫn hơn với các cô gái.

Công việc mơ ước của cả nam và nữ phản ánh các khái niệm truyền thống về nghề nghiệp “nữ tính” và “nam tính”. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Phòng Thông tin Kinh tế (TAT), các cô gái bày tỏ sự quan tâm đến các ngành dịch vụ y tế và xã hội cũng như các ngành công nghiệp nhà hàng và khách sạn.

Trong khi đó, nam giới quan tâm nhiều hơn đến công nghệ, quốc phòng cũng như ngân hàng và tài chính. Trong số tất cả các sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội, 90% là nữ giới, nhưng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, 90% lại là nam giới.

Việc phân chia các lĩnh vực nghề nghiệp dưa trên giới tính bắt đầu sớm nhất ở trường trung học cơ sở, nơi các bé trai có nhiều khả năng hoàn thành các khóa học tùy chọn ở môn toán học và khoa học. Các bé gái, trong khi đó, nghiên cứu nhiều về ngôn ngữ hơn các bé trai.

Mặc dù Phần Lan được xem như một mô hình mẫu về bình đẳng giới, giới trẻ vẫn tiếp tục lựa chọn giáo dục theo giới tính hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu.

“Giới tính là quan trọng nhất khi xem xét lựa chọn nghề nghiệp của các cô gái có nguồn gốc nhập cư”, Mira Kalalahti, giáo sư xã hội học giáo dục từ Đại học Helsinki, nói. Bà đã nghiên cứu con đường giáo dục của những người trẻ từ năm 2015.

Nữ giáo sư cho biết: “Những cô gái nhập cư cảm thấy khó khăn hơn khi làm việc ở những lĩnh vực có xu hướng giới khác với giới tính của họ so với những người từ gia đình gốc Phần Lan. Đối với một số người trong số họ, kỳ vọng văn hóa và tôn giáo cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề”.

Những phụ nữ có nguồn gốc nhập cư cũng có nhiều khả năng lựa chọn nghề nghiệp "nữ tính", bởi vì trong các lĩnh vực đó, sự giáo dục đã được thích nghi với nhu cầu của họ. Ví dụ, sẽ có những lớp học bồi dưỡng bước đầu cho sinh viên theo đuổi nghề y tá.

Vì lý do tương tự, những sinh viên nam có nguồn gốc nhập cư cũng đang tìm kiếm nghề nghiệp trong các lĩnh vực y tế và xã hội. Bởi đối với họ, các trường dạy nghề Phần Lan theo truyền thống được cho là rất “nam tính” lại không có chỗ dành cho họ. Điều này được chỉ ra trong cuộc điều tra khi những học sinh nam đang học nghề có quan điểm đặc biệt tiêu cực về đa dạng văn hóa.

Thái Hằng

(Theo Daily Finland)