Vụ cô giáo đánh, kéo tai học trò: Cần nhìn nhận đa chiều

(Dân trí) - PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng Khoa các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, cần nhìn nhận đa chiều vụ cô giáo tiểu học tát, mắng, véo tai học sinh trong nhiều ngày và bị camera giấu kín ghi lại.

Gần đây, dư luận bức xúc với việc cô giáo N.H.H (giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP HCM) có hành vi bạo hành trẻ và bị camera bí mật ghi lại.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Thành Nam, cho rằng, ở trường hợp này, cô giáo có lẽ đã nghĩ rằng những hành vi bạo lực đó là sai nhưng khi thử bằng cách khác thì lại không có hiệu quả.

Nếu muốn kỷ luật mang tính tích cực với học sinh, phải dựa trên mối quan hệ. Tức, mối quan hệ giữa cô trò gần gũi nhau thì khi cô phạt học sinh nhẹ nhàng, các em sẵn sàng nghe lời. Cô phải giống như “ông chủ tốt” của trò thì trò mới nể và nghe theo.

Vụ cô giáo đánh, kéo tai học trò: Cần nhìn nhận đa chiều - 1

PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng Khoa các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). 

Mặt khác, các thầy cô chỉ được tuyên truyền những điều được làm/không được làm thế này/thế kia khi có sự việc xảy ra. Thực tế, ta cần phải hướng dẫn các thầy cô làm như thế nào để quản lý những hành vi sai của học sinh sao phù hợp nhất. Xử lý tình huống phát sinh sao cho vẫn bảo vệ được cô giáo và không gây tổn thương cho học sinh.

Ông Nam cũng nhấn mạnh, hành vi của cô cần được nhìn trong cả một quá trình. Việc kiểm soát cảm xúc của giáo viên là rất quan trọng vì có thể dẫn tới hành vi sai.

Các thầy cô thường có suy nghĩ, muốn cho học sinh nghe theo lời mình thì phải khiến các em sợ hoặc xấu hổ. Các cô chưa được trải nghiệm với cái mới nên niềm tin không thay đổi. Cô giáo chỉ cố gắng thay đổi về mặt hành vi là vì cô sợ, chứ không tự giác.

Muốn giáo dục một đứa trẻ cần phải làm cho các em cảm thấy nếu mình ứng xử sai thì sẽ bị tước mất cơ hội, quyền lợi. Còn nếu giữ nguyên theo cách dạy học sinh/dạy con theo kiểu cũ thì không thể thay đổi được niềm tin.

Chung quy lại, người thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ. Tất cả những bài học về tình yêu thương chúng được học trên lớp nhưng bản thân cô giáo, bố mẹ hay ngoài xã hội lại diễn ra theo những hướng khác.

Vụ cô giáo đánh, kéo tai học trò: Cần nhìn nhận đa chiều - 2

Camera bí mật ghi lại cảnh cô giáo tát mắng học sinh ở TP Hồ Chí Minh. 

Khi ấy nếu có giáo dục về hành vi lối sống trên lớp cũng chỉ là hình thức. Nó chỉ được áp dụng ở trong một phạm vi nào đó mà có sự giám sát chặt chẽ, mọi người sợ bị vi phạm, sợ bị phạt nên cố gắng ứng xử với nhau theo nguyên tắc. Sau này khi lớn lên, đứa trẻ có thể sẽ có những hành vi “siêu giả vờ”, ở trong môi trường nào thì ứng xử như thế.

Ví dụ, khi đi trên đường mà cứ thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông thì mới nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông, còn nếu không thì lại vô tư vượt đèn đỏ, không có tính tự giác. Hành vi đạo đức, phẩm chất lối sống của con người phải hình thành dựa trên tính tự giác.

“Qua câu chuyện này, chúng ta nên nhìn nhận đây là vấn đề của cả hệ thống. Rõ ràng, an ninh an toàn trường học đang thực sự có vấn đề.

Trước đó, vào ngày 23/8, nhiều em học sinh lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Tân Phú, TP HCM) về nhà nói với bố mẹ bị giáo viên chủ nhiệm là cô N.H.H. đánh, véo tai liên tục, quát mắng học sinh. Camera được bí mật lắp ở lớp học 4 ngày liên tiếp từ 27 đến 30/8 và ghi được hình ảnh cô giáo có các hành vi bạo hành học sinh.

Hiện tại, Thanh tra quận Tân Phú đã lập đoàn thành tra để tìm hiểu nguyên nhân của sự việc. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM, hành vi của cô giáo là phản giáo dục và không thể chấp nhận được, cần phải đưa ra khỏi ngành giáo dục. Hiện tại, cô giáo H. đang bị tạm đình chỉ đứng lớp.

Đan Lê