Tuyển giáo viên ngoại tỉnh: Dễ tuyển, khó giữ chân!

(Dân trí) - Ngành Giáo dục TPHCM bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng để "hút" nhân tài trong cả nước. Tuyển không khó nhưng giữ chân được giáo viên ngoại tỉnh là vấn đề nan giải.

Dễ nghỉ việc vì thu nhập không đủ sống

Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức tuyển dụng hơn 530 giáo viên (GV), nhân viên để bổ sung nhu cầu cho các trường THPT, trung tâm GDTX và các đơn vụ trực thuộc Sở chưa được phân cấp tuyển dụng. Có trên 1.700 ứng viên trong cả nước tham gia tuyển dụng. 

Tuyển giáo viên ngoại tỉnh: Dễ tuyển, khó giữ chân! - 1

Đây là năm thứ hai thành phố chính thức bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng, mở rộng đối tượng tuyển cả các ứng viên ngoại tỉnh. Tuy nhiên, việc tuyển là một chuyện, giữ được chân GV ngoại tỉnh lại là phạm trù khác. 

Ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, việc bỏ hộ khẩu giúp nguồn tuyển được mở rộng, tuyển được nhiều vị trí việc làm, cơ hội tuyển được người giỏi... Kết quả tuyển dụng nâm học 2018-2019, có khoảng 40% ứng viên không có hộ khẩu ở TPHCM.

Tuy nhiên, ông Long thừa nhận, việc tuyển dụng GV không hộ khẩu TP cũng khó khăn và thiếu sự ổn định. Điều kiện, hoàn cảnh khó khăn khi công tác xa nhà, có người chọn được việc khác ở thành phố họ ưng ý hơn... 

Có người vừa ứng tuyển ở TPHCM, đồng thời tham gia ứng tuyển tại địa phương nơi họ sinh sống. Khi trúng tuyển ở hai nơi thì họ có xu hướng chọn nơi gần nhà.

Ông Long cho biết, trong năm qua, tuy chỉ có 10 trường hợp nghỉ việc vì các lý do trên nhưng cũng là một vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý cần đề ra giải pháp ổn định cho đội ngũ. 

Ở phân cấp quận huyện, nhiều đơn vị giáo dục thừa nhận, bỏ hộ khẩu, có thêm cơ hội tuyển dụng nhưng cũng dễ gây xáo trộn. Lương khởi điểm của GV chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng, GV ở tỉnh phải thuê nhà trọ o ép lắm cũng phải 1,5 - 2 triệu đồng, rồi các chi tiêu khác, mức lương không đủ sinh hoạt cơ bản. 

"Nếu không có sự trợ giúp kinh tế, họ không thể nào trụ nổi. Nên khi có cơ hội việc làm ở quê hoặc việc khác thu nhập ổn hơn ở thành phố là họ nghĩ đến nghỉ việc. Bỏ hộ khẩu có thể tuyển được người nhưng không đồng nghĩa với việc giữ được chân nhân sự", Trưởng phòng GD-ĐT một quận cho hay. 

Hỗ trợ giáo viên không hộ khẩu 

Có những ý kiến lo ngại chất lượng GV khi bỏ hộ khẩu. Tuy nhiên, dù GV ở đâu, đều trải qua quá trình xét tuyển, thi tuyển đầu vào như nhau.

Ông Nguyễn Huỳnh Long thông tin, GV ngoại tỉnh chủ yếu được đào tạo từ hai nguồn là Trường ĐH Sư phạm và ĐH Sài Gòn hoặc từ trường khác có chứng chỉ Sư phạm. Có khoảng 70% ứng viên đến từ các trường ĐH chuyên ngành. 

Tuyển giáo viên ngoại tỉnh: Dễ tuyển, khó giữ chân! - 2

Ứng viên trong cả nước tham gia thi tuyển giáo viên vào công tác tại đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT TPHCM 

Khi tham gia ứng tuyển, các ứng viên phải đảm bảo chuẩn theo quy định như ngoại ngữ, tin học, sức khỏe, sau đó phải qua phần thực hành kiểm tra năng lực. 

Quá trình tuyển dụng này đảm bảo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ Sư phạm nên không lo về chất lượng chuyên môn. 

Để giữ chân và hỗ trợ GV có cuộc sống ổn định, yên tâm làm việc Sở GD-ĐT TPHCM triển khai chương trình nhà ở để GV trong ngành được tiếp cận cơ hội nhà ở. Đối tượng chính là GV ngoại tỉnh, GV trẻ, GV có hoàn cảnh khó khăn.

Theo chương trình, GV được vay ngân hàng ưu đãi lên đến 20 năm với các dự án nhà ở, GV được vay 20 - 30% giá trị căn nhà với lãi suất thấp. Gói hỗ trợ tài chính cho GV vay 15 năm với lãi suất lãi suất không quá 6%/năm, ân hạn thêm 5 năm, miễn phí khi trả nợ trước thời hạn.

Ngoài ra, GV có thể được vay nguồn quỹ xã hội để mua nhà, mức vay lên đến 900 triệu đồng theo quyết định 19/2019 của UBND TPHCM. 

Hoài Nam