TS. Lý Quí Trung: Ứng phó linh hoạt để Giải cứu giấc mơ du học

(Dân trí) - TS. Lý Quí Trung chia sẻ, ông thích chiến dịch Giải cứu giấc mơ du học nhưng cho rằng, có thể hiểu đây là một loạt những giải pháp ứng phó trước đại dịch chứ không nặng nề như một cuộc giải cứu.

Được biết đến với tư cách là doanh nhân đồng sáng lập chuỗi nhà hàng Phở 24, ông Trung đã có buổi trò chuyện trực tuyến đầy cảm hứng với các bạn trẻ trong khuôn khổ webinar “Giải cứu giấc mơ du học” do Viện ISB – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức.

Ứng phó với đại dịch: Cần tiếp tục nuôi dưỡng khao khát du học

TS. Trung nhấn mạnh, việc du học bị chi phối bởi đại dịch Covid-19 buộc những ai quan tâm phải có cách ứng phó thích ứng. “Đại dịch không chỉ tác động đến người trẻ có khao khát du học, mà còn liên quan đến các bậc phụ huynh, cần chuẩn bị từ cả bên ngoài lẫn bên trong để ứng phó với nó. Bên ngoài có thể hiểu là những quyết định, những tính toán cần thiết trước mắt. Bên trong là những suy nghĩ của mình”, ông Trung chia sẻ.

Theo ông Trung, cái “bên trong” đó chính là suy nghĩ của mỗi người trước khi đưa ra quyết định. Nếu suy nghĩ tiêu cực, người ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi kế hoạch không được như ý. “Trong khó khăn phải nhìn thấy cơ hội, chính suy nghĩ này sẽ dẫn mình ra khỏi sự bi quan và biến hoàn cảnh bị động thành chủ động”, TS. Trung nhấn mạnh.

TS. Lý Quí Trung: Ứng phó linh hoạt để Giải cứu giấc mơ du học - 1

TS. Lý Quí Trung – Đồng sáng lập Phở 24, Cố vấn cấp cao Đại học Western Sydney

Ông Trung kể rằng, những năm ông qua Úc du học ông đã không được chuẩn bị tốt, khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn. “Ngoại ngữ rất quan trọng. Người ta đọc lướt một cuốn sách 2-3 tiếng đồng hồ có thể xong, mình đọc 5 ngày đến tuần lễ. Như thế thì mình chỉ đi xe đạp trong khi người bản xứ đi bằng xe hơi. Bấy nhiêu đó đã thấy mình thiệt thòi, bất lợi. Cho nên, tranh thủ khoảng thời gian này trau dồi ngoại ngữ là cách chuẩn bị khôn ngoan nhất”, ông Trung nói.

Nội dung thứ hai cần chuẩn bị nhân “khoảng lặng” do đại dịch là tranh thủ tìm hiểu kiến thức chuyên môn của ngành mình học bằng cách tìm kiếm tài liệu, tư liệu trên Internet. Phương pháp này giúp người học đi trước một bước, có đủ thời gian tiêu hóa kiến thức.

Nội dung thứ ba mà ông Trung đề nghị là người trẻ nên tận dụng thời gian này để bổ túc thêm kiến thức về xã hội, kinh tế, thời cuộc, thời sự và lịch sử thế giới. Theo ông Trung, sinh lớp 12 của Úc có kiến thức tổng quát tốt hơn học sinh Việt cùng trang lứa do phương pháp giáo dục hiện đại của họ. Chính sự khác biệt này sẽ khiến nhiều du học sinh Việt có mặc cảm thua kém hơn so với bạn học trong các buổi thảo luận nhóm với nội dung thiên về kinh tế, chính trị xã hội nếu không chuẩn bị tốt.

Dĩ nhiên, việc rèn luyện thêm các kỹ năng mềm cho câu chuyện du học cũng được xem là cần thiết trong khoảng thời gian chờ hết dịch này, như một cách chủ động để nuôi dưỡng giấc mơ du học.

Để không đứt mạch học tập: Du học bán phần rất đáng để chọn lựa

Trong quan điểm của mình, TS. Lý Quí Trung xem chuyện học không chỉ là học ở trường lớp. “Chơi cũng là một cách học, và học chơi khó hơn học chữ. Học từ trường, học từ chữ, từ thầy cô, theo tôi, chỉ cho mình 50% kiến thức. Phần còn lại là học từ môi trường sống. Đi du học, cũng như con ong đi hút nhụy, những cái nhụy tốt, đẹp, lạ mình phải hút. Mà có nhiều thứ tốt đẹp ở môi trường bên ngoài giảng đường đại học”, ông Trung chia sẻ.

“Chơi”, dĩ nhiên, là “chơi” theo nghĩa đẹp nhất của khái niệm “chơi”, là đi bảo tàng, xem triển lãm, chơi thể thao, đi dã ngoại, đi nghe hòa nhạc, ca nhạc, khiêu vũ… Cách “chơi” này sẽ giúp cho cuộc sống phong phú hơn, phát triển tối đa kĩ năng mềm cho mỗi cá nhân.

Ông Trung phân tích: “Đại dịch Covid-19 đúng là vấn đề đau đầu cho tất cả chúng ta. Nhiều kế hoạch bị gãy đổ, nhưng đừng để nó đánh bại mình. Cần phải suy nghĩ tích cực, trong đó việc tận dụng thời gian để chuẩn bị là rất quan trọng. Thậm chí nếu cần, các bạn có thể nghỉ xả hơi một năm như thói quen Gap year của giới trẻ phương Tây. Du lịch, dã ngoại, kiếm tiền… đều tốt, và đều là cách để học bên ngoài giảng đường đại học.”

TS. Lý Quí Trung: Ứng phó linh hoạt để Giải cứu giấc mơ du học - 2
Sinh viên học tập chương trình Cử nhân Kinh doanh-Du học bán phần UEH-ISB Pathway BBus

Với những bạn trẻ không muốn… giải lao, ông Trung đề nghị nên lựa chọn các chương trình du học bán phần, có thể học trước ở Việt Nam sau đó chuyển tiếp sang Úc, Mỹ hay châu Ấu chẳng hạn. Ông Trung lạc quan: “Dịch rồi cũng sẽ hết, và khi mở cửa lại mình có thể linh động đi ngay. Ngay cả nếu bạn đã lên sẵn một kế hoạch du học toàn phần mà không muốn chờ đợi thì du học bán phần là lựa chọn tối ưu. Nó cũng như thức ăn dự trữ trong tủ lạnh, khi không thể mua đồ tươi sống thì phải tìm cách rã đông để chế biến sao cho ngon nhất”.

Chuyển tiếp du học sẽ cho mình nhiều lựa chọn. Các chương trình hợp tác giữa Đại học Western Sydney và Viện ISB – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) là một thí dụ rất hay. Biết đâu đó, ta sẽ trúng cái món ngon nhất trong tủ lạnh, nấu ăn sẽ nêm nếm tốt hơn và ăn ngon hơn”.

Với câu hỏi liệu du học tại chỗ, học toàn phần trong nước có phải là một lựa chọn tốt? Ông Trung nói rằng, đó là một lựa chọn không tệ trong những điều kiện cá biệt. “Nhưng tôi vẫn mong muốn các bạn phải có thời gian trải nghiệm ở nước ngoài. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Dù chỉ du học 6 tháng, thì cách nhìn của bạn về thế giới, về con người sẽ thay đổi theo hướng cởi mở hơn rất nhiều, giúp ta trưởng thành hơn”, ông Trung nhấn mạnh như lời kết.

Cử nhân Kinh doanh - Du học bán phần UEH-ISB Pathway BBus là chương trình chuyển tiếp du học 2+1 dựa trên thỏa thuận hợp tác liên thông giữa Viện ISB - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) với 4 trường Đại học hàng đầu ở Úc và New Zealand. Chương trình gồm 2 giai đoạn đào tạo:

- Giai đoạn 1: Học 2 năm tại Việt Nam. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng và nâng cao ngành Kinh doanh, đồng thời rèn luyện kỹ năng tiếng Anh và học thuật trong môi trường đại học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

- Giai đoạn 2: Học ít nhất 1 năm tại nước ngoài. Sinh viên chọn 1 trong 4 trường Đại học và chuyên ngành đào tạo tương ứng để chuyển tiếp:

- Đại học Macquarie, Úc: 13 chuyên ngành đào tạo

- Đại học Western Sydney, Úc: 10 chuyên ngành đào tạo

- Đại học Wollongong, Úc: 11 chuyên ngành đào tạo

- Đại học Waikato, New Zealand: 10 chuyên ngành đào tạo

Xem thêm chi tiết chương trình Cử nhân Kinh doanh-Du học bán phần UEH-ISB Pathway BBus tại: https://isb.edu.vn/du-hoc-ban-phan/

Trường Thịnh