Trường Cao đẳng lo tự chủ sẽ không tuyển sinh được

(Dân trí) - “Các trường cao đẳng công lập hiện nay đang đứng trước một số khó khăn, bất cập khi thực hiện việc xây dựng phương án tự chủ. Nguyên nhân là các trường lo lắng việc tự chủ rất có thể dẫn đến nguy cơ không tuyển sinh được”.

Đó là nhận định của Ths Nguyễn Tấn Danh, giảng viên trường CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM chia sẻ tại hội thảo “Hình thức tự chủ và giải pháp thực hiện tại các trường cao đẳng, trung cấp” tổ chức tại TPHCM mới đây.

Theo Ths Nguyễn Tấn Danh, các trường lo lắng việc tự chủ rất có thể dẫn đến nguy cơ không tuyển sinh được, khi tâm lý của cả xã hội không muốn học nghề mà chú ý đến đại học nhiều hơn; nguồn thu học phí thấp, nếu thu cao sẽ không có người vào học nghề. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý về quyền tự chủ chưa được thống nhất, nhất quán giữa các văn bản với nhau và chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

TS Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II (một trong 3 cơ sở giáo dục của cả nước đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ) cho hay, về thuận lợi trường được một số cơ chế tự chủ về quản lý như chỉ tiêu đào tạo, chương trình, tài chính, đội ngũ chỉ có cơ cấu tổ chức bộ máy là chưa tự chủ. Nhờ tự chủ nên trường chủ động làm và không còn phải đi xin, tốn thời gian thẩm định.

Sinh viên học tại trường CĐ nghề Lilama2 -một trong 3 trường CĐ được thí điểm tự chủ
Sinh viên học tại trường CĐ nghề Lilama2 -một trong 3 trường CĐ được thí điểm tự chủ

Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho biết thực tế việc thực hiện cơ chế tự chủ ở nhà trường cũng gặp nhiều thách thức, đầu tiên là vấn đề nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. Tiếp đến trường cũng gặp tuyển sinh khó khăn, học phí tăng lên gấp đôi nên học sinh giảm đi tới 50% so với mọi năm. “Mọi năm trường tuyển được hơn 2.000 sinh viên bây giờ học phí tăng gấp đôi là 16 triệu đồng thì đầu vào giảm sút vì trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cạnh bên thu học phí chỉ 9-10 triệu đồng/năm. Trường mình cao đẳng mà thu tới 16 triệu thì khó khăn trong thu hút đầu vào”, bà Hằng cho biết.

Trong khi đó, TS Phạm Xuân Thu, trưởng khoa Quản trị Kinh doanh của trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM cũng nêu ý kiến rằng: khi ngân sách đầu tư của nhà nước cho các trường công bị giảm, xu thế chính của các trường sẽ gia tăng học phí. Mức học phí tăng trung bình cho các sinh viên tốt nghiệp tại các trường công lập là khoảng 10%-20%/năm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự gia tăng học phí và lệ phí tại các trường công đã dẫn đến sự giảm sút về số lượng học viên tham gia xét tuyển đầu vào tại các trường CĐ vì tính hấp dẫn của chi phí thấp đã không còn. Các trường CĐ công sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng học phí trong những năm tới, đặc biệt, dự báo học phí của các trường sẽ tăng mạnh sau khi phải tự chủ tài chính tại thời điểm sau năm 2018. Việc gia tăng học phí sẽ khiến cho việc thu hút học viên vào các trường CĐ sẽ trở nên khó khăn hơn.

Ngoài yếu tố về học phí, chính sách xét tuyển không cần thi tuyển đầu vào tạo cơ hội rất lớn cho các trường ĐH nhưng lại làm giảm mạnh nhu cầu lựa chọn các trường CĐ của học sinh. Điều đó khiến tình hình tuyển sinh của các trường CĐ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguồn thu sụt giảm, khả năng duy trì và vận hành các trường nói chung và trường CĐ công ngày càng khó khăn hơn. Ông Thu cho rằng, “trước bối cảnh đó, cần tìm kiếm một mô hình tài chính mới để đảm bảo cho sự duy trì và phát triển của các trường CĐ trong thời gian sắp tới là một bài toán”.

Ông Trần Nguyễn Minh Nhựt, Phòng Thanh tra và đảm bảo chất lượng của trường CĐ Kinh tế TPHCM cũng nhấn mạnh rằng tự chủ tài chính là bài toán cần phải giải quyết một cách cấp bách bởi vì tài chính là một nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển. Chỉ có nguồn lực tài chính các trường mới có những điều kiện để phát triển cơ sở vật chất, đầu tư cho con người… những yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục.

TS Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường CĐ Kỹ nghệ II cũng cho rằng việc giao tự chủ cho các trường là một việc phát triển đúng quy luật chung của xã hội. Trong bối cảnh dạy nghề hiện gặp nhiều khó khăn, các trường gần như bế tắc về tuyển sinh, chương trình, giáo trình, giáo viên, cơ sở vật chất… Trong 5 vấn đề trụ cột trong nhà trường thì chúng ta đều thiếu hết nên việc tự chủ ngay cũng nhận được những ý kiến chưa đồng thuận. Do đó, phải nâng cao nhận thức mới tiến hành tự chủ được.

Thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp có gần 2.000 cơ sở đào tạo, gồm trên 400 trường CĐ, trên 580 trường trung cấp và gần 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trong số này có hơn 300 trường CĐ công lập. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chỉ mới ký quyết định thí điểm cơ chế tự chủ cho 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập gồm: Trường CĐ Kỹ nghệ II (TPHCM), Trường CĐ nghề Quy Nhơn (Bình Định) và Trường CĐ nghề LILAMA2 (Đồng Nai).

Lê Phương