Tỉnh vùng cao cần tích cực chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Đó là quán triệt của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trong hội nghị giao ban vùng thi đua số 1 diễn ra tại thành phố Cao Bằng ngày 29/5. Tại hội nghị, Thứ trưởng Hiển cũng giải đáp lo lắng của các địa phương vùng khó về đề thi THPT quốc gia.

Báo cáo tại hội nghị giao ban, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, Trưởng cụm vùng thi đua số 1 cho biết: Trong năm học 2014 - 2015, 15 sở GD-ĐT vùng thi đua số 1 đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và tạo ra sự chuyển biến tích cực trong các hoạt động giáo dục.

Hệ thống mạng lưới trường, lớp học từng bước phát triển ở các cấp học, ngành học, thu hút học sinh trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ cao. Hiện toàn vùng có 3.021 trường mầm non, 3.157 trường tiểu học, 2.788 trường THCS và 490 trường THPT phủ khắp, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân các địa phương.

So với năm học trước, tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học đã giảm nhiều. Theo tổng hợp của toàn vùng năm học 2014 - 2015, tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học so với đầu năm là 6.468 học sinh (chiếm 0,32%) giảm 0,4% so với năm học trước. Trong đó, 6 tỉnh: Bắc Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang không có học sinh cấp 1 bỏ học.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được bổ sung, đảm bảo phát triển qui mô, được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các trường học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, HS-SV. Tích cực đầu tư cải thiện cơ sở vật chất trường, lớp và các điều kiện phục vụ dạy và học cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và chăm lo tổ chức đời sống cho học sinh bán trú...

Ông Đức cũng khẳng định, sở dĩ có thành quả trên là do tất cả các sở GD-ĐT đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thời gian năm học và chỉ thị nhiệm vụ năm học phù hợp với tình hình địa phương. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu, đề án, dự án, các giải pháp nhằm ổn định và phát triển giáo dục.

Các đại biểu đến từ các Sở GD-ĐT vùng 1 bày tỏ những băn khoăn, lo 
Các đại biểu đến từ các Sở GD-ĐT vùng 1 bày tỏ những băn khoăn, lo lắng về công tác phát triển giáo dục vùng cao.

Sau khi nghe tổng kết, đánh giá, hội nghị cũng đã lắng nghe các ý kiến từ các tỉnh, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị nhằm nghiên cứu bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Giải đáp băn khoăn cho giáo dục vùng cao

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở GD-ĐT vùng 1 cũng đã báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức kì thi THPT quốc gia. Trước việc nhiều địa phương bày tỏ lo lắng về đề thi chung cho cả 2 đối tượng thi tại cụm thi do ĐH chủ trì và cụm địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì sẽ khiến cho nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp với lực học trung bình khó đạt được điểm 5, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Hiện tại Bộ GD-ĐT đã tiếp thu và quyết định sẽ không trộn lẫn câu hỏi dễ, khó trong đề thi mà tập trung các câu hỏi thuộc phần cơ bản ở phần đầu đề thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh”.

Trong thời gian tới đây để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Thứ trưởng Hiển cũng đề nghị các Sở GD-ĐT cần phải làm tốt công tác phối hợp với các trường Đại học được giao cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì.

“Hiện nhiều trường ĐH, CĐ đã có phương án lấy kết quả thi của học sinh ở cụm thi tại tỉnh làm căn cứ tuyển sinh đầu vào nên công tác phối hợp lại càng phải làm tốt hơn để các trường vững tin vào kết quả thi tại những cụm thi này” - Thứ trưởng Hiển nói.

Về công tác ôn thi cho học sinh, Thứ trưởng Hiển yêu cầu các Sở hướng dẫn các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên làm tốt công tác ôn thi trên cơ sở tự nguyện, không ép buộc học sinh. Đồng thời tích cực tham mưu cho tỉnh có cơ chế hỗ trợ thí sinh thuộc diện chính sách.

Ngoài việc tập trung cho việc tổ chức kì thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Hiển cũng yêu cầu: Trong đổi mới công tác quản lý, các Sở cần phải tách bạch quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn để nhà trường, giáo viên chủ động, tự tin xây dựng triển khai kế hoạch, phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục với cái đích cuối cùng là chất lượng học sinh. Trách nhiệm cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp là kiểm tra kế hoạch, phương pháp của nhà trường để phát huy tính sáng tạo của các trường, các giáo viên.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải đáp các băn khoăn và đề nghị các 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải đáp các băn khoăn và đề nghị các Sở GD-ĐT tập trung về công tác tổ chức kì thi THPT quốc gia 

“Chúng tôi rất biểu dương các tỉnh đã có cách làm sáng tạo như Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu trong phân cấp quản lý. Gần đây Bộ đã cụ thể hóa chủ trương này bằng việc bỏ thi tuyển vào lớp 6, để các tỉnh, thành phố chủ động lựa chọn cách thức tổ chức tuyển sinh” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ.

Liên quan đến việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) ở bậc THCS đã có 3 tỉnh trong vùng 1 tham gia, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá: Việc thực hiện ở bậc học này có những khó khăn đặc thù, các địa phương nên tham khảo kinh nghiệm để triển khai. Phải thận trọng trong việc chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân để tạo sự gắn kết cộng đồng với nhà trường trong việc triển khai mô hình VNEN.

Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng đã có những gợi ý cho các lãnh đạo các Sở GD-ĐT tham mưu cho tỉnh trong triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách liên quan đến liên Bộ như Thông tư 47, Nghị định 115, việc sát nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp, vị trí việc làm trong các nhà trường, biên chế giáo viên.
 

Đắk Lắk: Trên 25.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia

 

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk có 2 cụm thi: Cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì và cụm thi do hội đồng thi ĐH Tây Nguyên tổ chức với tổng cộng trên 25.000 thí sinh đăng ký dự thi.

Theo đó, tại cụm thi do Sở chủ trì dành cho thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT có tổng cộng 6.249 hồ sơ đăng ký dự thi sẽ do trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh sẽ giám sát hội đồng thi này; tại cụm thi ĐH Tây Nguyên tổ chức dành cho thí sinh có đăng ký xét tuyển ĐH và CĐ gồm 19.235 thí sinh đăng ký dự thi.

Với số lượng thí sinh trên 25.000 thí sinh, tỉnh Đắk Lắk dự tính sẽ bố trí với 1.061 phòng thi, với trên 3.000 cán bộ coi thi tại 40 điểm trên toàn tỉnh.

Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết vừa qua đã tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để phổ biến quy chế mới trong kỳ thi năm nay. Đồng thời, sắp tới sẽ tổ chức các cuộc họp trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Trương Nguyễn

Thúy Hằng