Tiếp nối tâm nguyện của người thầy đã mất

(Dân trí) - Hơn 18 năm trước, thầy Nguyễn Phúc Vĩnh Thiều (giảng viên khoa Vật Lý Trường ĐH Khoa học Huế) đã mở lớp học tình hương với mục đích xóa mù chữ cho các em, nhưng không may, 3 năm sau thì thầy mất. Để tâm huyết của chồng không bị dang dở, cô Huỳnh Ái Dung đã cố gắng duy trì lớp học với sự giúp đỡ của nhiều học trò đã từng được thầy Thiều cưu mang giúp đỡ.

Một người thầy tận tâm với nghề

Khoảng 6h tối, ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Tô Hiến Thành (phường Phú Cát, TP Huế) lại sáng đèn. Lớp học miễn phí này được mở ra dành cho các trẻ em xóm vãn đò và những trẻ em vô gia cư. Các em nhỏ đa phần có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ là lao động nghèo, không có điều kiện đến trường.

Cô Huỳnh Ái Dung (65 tuổi, vợ thầy Thiều) tâm sự: “Lớp học mở ra đã được 18 năm. Ban đầu không có người dạy học cho các em, cô đã thuê một giáo viên đến kèm cặp cho tụi nhỏ, nhưng chỉ duy trì được một thời gian vì kinh phí của cô hạn hẹp. May nhờ có các em sinh viên tình nguyện đứng ra giúp đỡ, giúp cho tâm nguyện của chồng cô được hoàn thành.”

Qua tìm hiểu một số thông tin về lớp học của thầy Vĩnh Thiều, Hội Sinh viên khoa Tin học, Trường ĐH Sư phạm Huế do bạn Nguyễn Thành Tài làm chủ nhiệm đã quyết định thành lập CLB Lớp học tình thương Phú Cát để tiếp tục duy trì việc dạy học, giúp đỡ một phần cho các em nhỏ nghèo khổ. Cho đến nay CLB đã đảm nhiệm lớp học được hơn 8 năm.

Vậy là 8 năm qua, cứ sau giờ học là các bạn sinh viên khoa Tin học, trường ĐH Sư phạm Huế lại cùng nhau “đưa con chữ” tới với lớp học tình thương dành cho trẻ em nghèo.

Lớp học nghèo hăng say tìm con chữ.
Lớp học nghèo hăng say tìm con chữ.

Giúp học sinh nghèo vượt khó

CLB có gần 20 bạn tình nguyện viên thay nhau đứng lớp trong các buổi học, mỗi buổi học có từ 3-5 bạn dạy cho các em. Hiện nay, các em nhỏ ở đây hầu hết đã có thể đến trường nhưng không có điều kiện đi học thêm. Một số em ở xa được các bạn sinh viên đưa đón, cũng có một số em được bố mẹ chở đến.

Bạn Phan Thị Hồng Nhạn (SV năm 1 khoa Tin học, ĐH Sư phạm Huế) vui vẻ: “Mình tham gia dạy học cho các em ngay từ khi mới nhập học. Mặc dù việc dạy học còn nhiều bỡ ngỡ nhưng mình cảm thấy rất vui vì đã giúp được một phần cho các em, các em cũng rất ngoan và nghe lời chúng mình!”.

Bạn Hồng Nhạn say sưa giảng bài cho các em.
Bạn Hồng Nhạn say sưa giảng bài cho các em.

Trong lớp có khoảng 35 em, đầy đủ lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 9, các em được các bạn tình nguyện viên chia ra từng nhóm nhỏ để kèm theo nhóm. Mỗi buổi học kéo dài gần 2 tiếng.Trước buổi học các bạn sinh viên đều họp nhau lại để chuẩn bị giáo án lên lớp cho các em. Sách vở của các em do các bạn sinh viên quyên góp được. Mới đây, nhà sách Alphabook ở Hà Nội cũng đã tài trợ cho các em mỗi người một bộ sách giáo khoa.

Cô Hồ Thị Nhung, mẹ của hai bé Ngọc Vân Và Ngọc Phương tỏ vẻ biết ơn: “Hai cháu học ở đây cũng gần 3 năm rồi. Nhờ các bạn sinh viên mà các con tôi cũng biết chữ. Sau này tôi cho cháu tới trường thì cũng theo kịp các bạn”.

Ngoài hoạt động dạy học, các bạn sinh viên cũng đã tổ chức cho các em nhỏ nhiều chương trình vui và bổ ích như “Xuân yêu thương”, chương trình Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Căn phòng vẻn vẹn chưa đầy 4m2, được dựng lên từ mái hiên của nhà thầy. Mỗi khi mưa gió lạnh ùa vào là lạnh hay ướt cả sách vở. Nhưng tính hiếu học và sự ân cần của các cô giáo trẻ đã phần nào “đốt cháy” lên ngọn lửa hiếu học trong lòng các học trò nghèo. Trong lớp các cô luôn ân cần chỉ từng con chữ, nếu tan học muộn quá sợ các em về nhà không an toàn thì mỗi người lại chia nhau đưa một vài em nhỏ đi về.

Đam mê học chữ của các học sinh nghèo.
Đam mê học chữ của các học sinh nghèo.

“Hiện nay cơ sở vật chất ở lớp học còn rất thiếu thốn. Nhiều em xin vào học nhưng không đủ bàn ghế nên mình không thể nhận thêm. Trời mưa cô trò chúng mình lại phải ngồi nép vào một góc vì bị mưa tạt ướt hết cả”, chia sẻ của bạn Trần Thị Thu (SV năm 3 khoa Tin học, ĐH Sư phạm Huế).

Mô hình lớp học miễn phí này đang được đẩy mạnh, nhằm giúp cho những trẻ em nghèo có cơ hội tới trường. Mặc dù những khó khăn về vật chất nhưng lớp học vẫn được duy trì đều đặn, đã có rất nhiều học sinh thành tài từ lớp học miễn phí cho học trò nghèo này.

Vy Anh