Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục báo cáo, xử lý thông tin gian lận điểm thi mà báo chí nêu

(Dân trí) - Ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT yêu cầu nghiên cứu, xử lý thông tin báo chí nêu về gian lận điểm thi và báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục báo cáo, xử lý thông tin gian lận điểm thi mà báo chí nêu - 1

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý một số thông tin báo chí phản ánh.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xử lý nội dung báo Lao động điện tử ngày 11/4/2019 nêu: "28 sinh viên Hòa Bình gian lận điểm thi bị trả về: Thí sinh Hà Giang xử lý sao?", báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, nội dung bài đăng trên Tuổi trẻ điện tử ngày 11/4/2019 liên quan đến việc tu bổ di tích kinh thành Huế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

222 thí sinh gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh bị phát hiện gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là 222 thí sinh, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang; 64 thí sinh ở Hòa Bình (một thí sinh của năm 2017) và 44 thí sinh ở Sơn La.

Vừa qua, các trường đại học thuộc khối Công an đã huỷ kết quả trúng tuyển, trả về địa phương 53 thí sinh được nâng điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La. 

Các trường khối dân sự cũng huỷ kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh Hòa Bình, Sơn La có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn. Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học.

Trước đó, đối với 114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang, cơ quan công an điều tra xác định và trả về điểm thật trước thời gian Bộ GD-ĐT quy định xét tuyển ĐH năm 2018. Do đó, nếu có, các thí sinh này chỉ bị xử lý vi phạm tại địa phương.

Câu hỏi mà báo chí đặt ra là: Những thí sinh tại Hà Giang tại sao gian lận điểm thi vẫn chưa bị xử lý? 

 Thống kê sai phạm sửa, nâng điểm thi ở 3 tỉnh như sau:

Tại tỉnh Hà Giang, kết quả rà soát, chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cho thấy 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ 1 đến 20 điểm so với điểm chấm lần đầu. Cá biệt có những thí sinh được tăng lên 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định.

Tại Sơn La, dựa trên kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định, Bộ GD&ĐT,  có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 02 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.

Tại tỉnh Hòa Bình, kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định điểm thi của 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố. Trong đó, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi. Thậm chí, có thí sinh điểm thi ba môn xét tuyển đại học được tăng lên tới 26,45.

Hiện tại, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau liên quan tới vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh thành, trong đó Sơn La có 8 người, Hòa Bình có 3 người và Hà Giang có 5 người.

Ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vị phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch.

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình.

“Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những cán bộ này” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm