Thầm lặng cõng con chữ lên non

Mấy ai được có dịp chứng kiến nỗi vất vả gian truân của các thầy cô giáo “cắm bản” ở vùng sâu vùng xa mà không rơi nước mắt vì xót xa.

Những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận giáo dục

Cũng làm nghề giáo viên, cũng ngày ngày lên lớp, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều đồng nghiệp vì điều kiện vật chất không đầy đủ, vậy mà đến ngày kỉ niệm nghề nghiệp các giáo viên “cắm bản” cũng không được bằng bạn bằng bè.

“Học trò nghèo lắm, lấy đâu ra tiền mua hoa tặng cô. Nhiều gia đình còn không cho con đi học vì kinh tế khó khăn quá…”, cô giáo Vàng Thị Gếnh, trường Mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai chia sẻ.

Cô giáo Vàng Thị Gếnh chăm lo cho giấc ngủ của học trò
Cô giáo Vàng Thị Gếnh chăm lo cho giấc ngủ của học trò

Nhiều ngày trước khi lên lớp, cô Gếnh phải đến tận nhà phụ huynh động viên cho con em đi học. Mỗi khi có học sinh bị ốm, cô giáo không ngại đón trò tới lớp chăm sóc vì bố mẹ trò còn bận đi làm không thể mang theo con ốm.

Cùng một lòng thương học trò như cô Gếnh, cô Lê Thị Hằng, GV Trường Tiểu học Đồng Lương (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) luôn mang theo vài loại thuốc kháng sinh khi lên lớp để kiêm nhiệm vai trò bác sĩ chăm sóc học trò.

Cô Hằng cho biết rằng, người dân ở huyện Lang Chánh còn nghèo nàn lạc hậu. Học sinh không có tiền mua bút, vở. Năm nay cô Hằng đã 54 tuổi, chỉ còn 1 năm nữa sẽ về hưu nhưng vẫn trăn trở với nghề.

Ngày 20/11, cô Hằng không mong ước gì cho cá nhân mà bày tỏ nguyện vọng rằng: lớp học sớm có điện, có con đường và bản làng có trạm y tế để học sinh và người dân bớt khổ. Hiện nay, ở điểm trường nơi cô Hằng công tác, mọi vật dụng sinh hoạt hàng ngày và thức ăn đều phải gồng gánh qua những con đường hiểm trở mới đến được nhà dân.

Ấm lòng giáo viên “cắm bản”

Để tri ân các thầy cô giáo “cắm bản” vùng cao nhân ngày 20/11, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã được Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục & đào tạo, cùng với Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Ngày 12/11 vừa qua, lễ tuyên dương “Chia sẻ cùng thầy cô” đã vinh danh 64 tấm gương giáo viên “cắm bản” nhiệt huyết và có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy.

Về với Thủ đô Hà Nội nhận bằng khen, các giáo viên cắm bản đã xúc động trước tình cảm mà người dân, các cấp lãnh đạo và doanh nghiệp dành cho mình. Trong buổi giao lưu với các thầy cô, cô giáo Nguyễn Thị Thêu - chủ nhiệm lớp 1, điểm trường Sảng Pả, trường Tiểu học Phố Cáo, huyện Đồng Văn, Hà Giang không cầm được nước mắt. Cô Thêu kể về những tháng ngày vượt qua hoàn cảnh riêng là con trai bị bệnh để tiếp tục bám bản vùng cao khiến nhiều người khâm phục. Cô chỉ kịp nhận ra mình đã gắn bó rất lâu với mảnh đất Hà Giang khi nhẩm tính lại đã 19 năm rồi…

Câu chuyện của cô Thêu chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện của các giáo viên lên miền xuôi lên Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… để làm việc khi tuổi đời còn rất trẻ, mang theo lí tưởng gieo con chữ cho học trò vùng cao. Họ đều đã hi sinh bản thân vì một niềm tin son sắt, bám trụ với học trò, trải qua cuộc sống thiếu thốn về vật chất trong nhiều năm ròng.

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long – BTC chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tặng quà động viên cô Vàng Thị Gếnh
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long – BTC chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tặng quà động viên cô Vàng Thị Gếnh

Tận mắt chứng kiến nỗi vất vả của các thầy cô giáo vùng núi, Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long – BTC chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” bày tỏ: “Tôi xuất thân cũng là một giáo viên, giờ đây chứng kiến lòng nhiệt huyết, sự gắn bó của thầy cô dành cho việc dạy dỗ cũng như tình thương yêu đối với học sinh, tôi thực sự khâm phục họ.

Nhiều thầy cô giáo đang hy sinh tuổi trẻ cho việc cõng chữ lên vùng cao. Vì hiện thực đó, chúng tôi muốn đi đầu trong phong trào chung tay giúp đỡ thầy cô giáo vùng sâu vùng xa có cuộc sống và điều kiện giảng dạy tốt hơn, để từ đó họ sẽ toàn tâm toàn ý mang tri thức đến với học sinh.

Tôi tin rằng mỗi người cùng với cả cộng đồng cùng chia sẻ cùng thầy cô giáo “cắm bản” thì dần dần trong tương lai sẽ có những ý tưởng, kế hoạch lớn nhằm chăm lo cho đời sống của thầy cô ngày một tốt hơn, đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà ngày một bền vững”.

Mai Châm