Sách giáo khoa lỗ, bộ GD&ĐT giải trình tiền chiết khấu 250 tỷ đồng đi đâu?

(Dân trí) - Chiều 1/10, Bộ GD&ĐT có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK). Theo đó, Bộ lý giải, mức chiết khấu 250 tỷ đồng ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lí trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng.

NXB Giáo dục phải vay ngân hàng để kinh doanh

Dẫn báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT cho biết, do tính chất đặc thù của việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa nên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không được tự quyết định giá bìa sách giáo khoa. Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa là mặt hàng được quản lí giá bởi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).

Từ năm 2011 đến nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều nhưng giá sách giáo khoa vẫn giữ nguyên.

Việc Nhà xuất bản tổ chức đấu thầu để lựa chọn các công ty in, phát hành sách giáo khoa thông qua các công ty cổ phần về thực chất là lựa chọn những công ty đủ mạnh, có khả năng in sách giáo khoa với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát hành sách giáo khoa ở các địa phương để giảm chi phí vận chuyển.

Sách in ở khu vực nào cung cấp cho khu vực đó, không phải "chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương" như được phản ánh, bảo đảm không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường nhưng giá sách giáo khoa không thay đổi.

Theo Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Mỹ Hà).
Theo Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Mỹ Hà).

Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện nay lỗ khoảng 40 tỷ đồng một năm.

Về việc chiết khấu phát hành sách giáo khoa, theo báo cáo của Nhà xuất bản Việt Nam, việc phát hành sách giáo khoa thông qua hệ thống các Công ty Sách-Thiết bị trường học, các đối tác phát hành thuộc các tỉnh, thành trong cả nước.

Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này. Bên cạnh đó Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.

Cũng như vậy, toàn bộ các Công ty Sách-Thiết bị trương học, các đối tác phát hành, các đại lí, cửa hàng bán lẻ... trong kênh phân phối sách giao khoa đều hoạt động theo luật doanh nghiệp và chịu tác động của các quy luật của thị trường. Các cấp đại lí (bán hàng) phải tự hạch toán, tự cân đối... không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong việc phát hành sách giáo khoa.

Theo Bộ GD&ĐT, mức chiết khấu đối với SGK hiện nay là 18%- 20%, rất thấp so với mặt bằng chiết khấu sách nói chung của các nhà xuất bản (35%- 40%). (Ảnh: Mỹ Hà).
Theo Bộ GD&ĐT, mức chiết khấu đối với SGK hiện nay là 18%- 20%, rất thấp so với mặt bằng chiết khấu sách nói chung của các nhà xuất bản (35%- 40%). (Ảnh: Mỹ Hà).

250 tỷ đồng chiết khấu đi đâu?

Lý giải về mức chiết khấu đang khiến dư luận xôn xao, Bộ GD&ĐT cho rằng, SGK cũng như mọi hàng hóa khác, để tới được tay học sinh trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lí trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng.

Cụ thể, chiết khấu bán hàng dành cho các công ty sách - thiết bị trường học, đối tác phát hành là 20% (đối tác chiến lược) và 18% (đối tác phát hành).

Phần phí này ngoài việc các đối tác dùng để chiết khấu lại cho các đại lí cấp dưới thì còn chi trả cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lí, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lí... thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phần phí phát hành này được dùng để chi trả cho chi phí mặt bằng (thuê địa điểm), chi phí vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, chi phí nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.

Để giảm chi phí vận chuyển, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia thị trường phát hành thành 4 khu vực và giao cho các đơn vị Công ty Sách - thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) làm đầu mối tập kết, cung ứng sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu tại từng khu vực. Mức chiết khấu bán hàng dành cho các đơn vị này là 5%.

Theo Bộ GD&ĐT, mức chiết khấu đối với SGK hiện nay là 18%- 20%, rất thấp so với mặt bằng chiết khấu sách nói chung của các nhà xuất bản (35%- 40%). Hơn nữa, giá SGK hiện ở mức thấp, chỉ bằng 30%- 40% đối với giá của các loại sách khác nên giá trị thu được sau khi phát hành càng nhỏ. Nhiều đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng.

"Để kìm giữ được giá SGK như hiện nay, đồng thời giảm bớt việc phải bù đắp khoản lỗ trong việc in và phát hành, trong 16 năm qua, NXB Giáo dục Việt Nam Việt Nam đã nỗ lực tìm phương án thuyết phục các công ty sách - thiết bị trường học đồng thuận, cùng chia sẻ để giảm dần chiết khấu đối với SGK", trích báo cáo của Bộ GD&ĐT.

Các đối tác phát hành đã nhiều lần kiến nghị hoặc gửi văn bản đề nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển SGK (Ảnh: Minh họa).
Các đối tác phát hành đã nhiều lần kiến nghị hoặc gửi văn bản đề nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển SGK (Ảnh: Minh họa).

Nhiều lần đề nghị tăng phí phát hành

Cũng theo báo báo của Bộ GD&ĐT, trước năm 2008, mức chiết khấu sách giáo khoa được áp dụng từ 21% đến 34% tùy theo địa bàn và mức độ kinh tế.

Năm 2008, tại văn bản số 414/CV-NXBGD ngày 06/3/2008, NXBGD ngoài việc đề nghị các nhà in giữ không tăng giá công in SGK đã đề nghị các công ty Sách TBTH chia sẻ với NXBGDVN một phần khó khăn bằng việc điều chỉnh chiếu khấu phát hành SGK xuống từ 20% đến 27%.

Năm 2010, tại văn bản số 1983/CV-NXBGDVN, trước bối cảnh giá vật tư (giấy in) và công in tăng cao, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã buộc phải đề nghị các công ty Sách TBTH tiếp tục đồng thuận, chia sẻ áp dụng chung mức chiết khấu chung (20%) đối với tất cả các đối tác.

Mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa (18-20%) như hiện nay là một khó khăn rất lớn đối với các Công ty Sách TBTH đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo. Các đối tác phát hành, các Câu lạc bộ Công ty Sách TBTH ở các miền đã nhiều lần kiến nghị hoặc gửi văn bản đề nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển.

Mặc dù vậy, Bộ GD&ĐT cho rằng, nhiều năm qua, NXB Giáo dục Việt Nam luôn cung ứng đầy đủ đồng bộ kịp thời những cuốn sách giáo khoa với giá bán thấp nhất tới học sinh trên mọi vùng miền của tổ quốc, không để học sinh phải bỏ học vì thiếu sách giáo khoa.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm