Ông giáo dành cả đời làm bếp nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018

(Dân trí) - Xuất phát từ sự lo sợ vấn nạn tàn phá rừng bừa bãi và tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở vùng núi tỉnh Phú Thọ, ông giáo Lê Hồng đã dành hơn 30 năm để sáng chế, phát triển và sản xuất bếp siêu tiết kiệm TK90 với ưu điểm vượt trội, tiết kiệm được 70% chất đốt và giảm thiểu được 50% thời gian đun nấu.

Làm bếp TK90 vì người nghèo

Đó là lời khẳng định của ông Lê Hồng, tác giả của đề án “Chế tạo, phát triển bếp đun cải tiến TK90 tiết kiệm năng lượng” được nhận “Giải thưởng khuyến học- Tự học thành tài” của Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2018.

Là người dân sinh ra và lớn lên ở vùng cao của huyện Thanh Ba, Phú Thọ, hơn ai hết ông Hồng hiểu được nạn phá rừng bừa bãi để lấy chất đốt và tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng báo động. Xuất phát từ những thực tế đó cộng với kinh nghiệm 23 năm giảng dạy ở các trường dạy nghề Trung cấp Cơ khí động lực (Cơ khí 2), Trường Quản lí xí nghiệp 1 bên tổng cục Hậu cần, Trường Công nhân kĩ thuật Việt Đức, Kĩ thuật 1... đã thôi thúc ông nghiên cứu để sáng chế ra bếp TK90 với những ưu điểm vượt trội.

Chiếc bếp siêu tiết kiệm TK90.
Chiếc bếp siêu tiết kiệm TK90.

Bếp được thiết kế và chế tạo mô phỏng trên cơ sở lý thuyết nhiệt của động cơ đốt trong với hiệu suất nhiệt của bếp từ 34 – 36% (bếp kiềng truyền thống 11 – 12%). So với bếp kiềng bếp TK90 tiết kiệm được 60 -70% lượng chất đốt, 50% thời gian đun nấu và giảm 70% lượng khí thải độc hại CO, CO2, khói bụi vào môi trường, góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính do đun nấu gây ra.

Công nghệ sản xuất Bếp TK90 là 1 công nghệ hoàn toàn sạch, không qua nung, rất thân thiện với môi trường. Tác giả đã nghiên cứu được công thức pha chế nguyên vật liệu chịu nhiệt mà có thể khai thác 80% tại địa phương. Bếp sử dụng được tất cả các phụ phẩm nông, lâm nghiệp: củi, cành cây, lá cây, rơm rạ, trấu, mùn cưa, lõi ngô, cây ngô,… rất hiệu quả. Bếp có độ bền cao, giá thành phù hợp với những hộ nghèo, rất dễ sử dụng. Nhân lực để sản xuất bếp thường xuyên có 6 -8 lao động là con cháu trong nhà, lương trung bình từ 4 – 5 triệu / tháng.

Khảo sát 1 hộ gia đình nghèo có 4 người, nuôi 1 con lợn thì 1 tháng dùng bếp kiềng có thể sử dụng hết 1m3 củi. Khi sử dụng bếp TK90 chỉ hết 0,4 m3 củi/ tháng. Vậy 1 tháng gia đình này có thể tiết kiệm được 0,6 m3 củi, giá củi khi khảo sát : 200.000đ/m3 thì gia đình đó tiết kiệm được 120.000đ, 1 năm tiết kiệm được 1.440.000đ và 7,2 m3 củi không bị chặt phá. Nếu có 10.000 bếp TK90 sử dụng 1 năm tiết kiệm được 14,4 tỉ đồng và có 70.000 m3 củi k bị chặt phá, hàng trăm ha rừng được bảo vệ.

Trong nhiều năm qua bếp TK90 đã phối hợp với 1 số tổ chức phi chính phủ như : SNV của Hà Lan, CSIP Việt Nam, ADRA của Mỹ, JiCa của Nhật Bản…Họ đã mua hàng ngàn Bếp TK90 với giá ưu đãi để hỗ trợ 100% hoặc 50% giá, phân phối cho bà con dân tộc ở Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Cao Bằng,… và được bà con rất ủng hộ.

Ông Hồng giới thiệu mô hình bếp TK90 với đoàn đi thẩm định, chấm giải Nhân Tài Đất Việt.
Ông Hồng giới thiệu mô hình bếp TK90 với đoàn đi thẩm định, chấm giải Nhân Tài Đất Việt.

Vì đối tượng hướng đến phục vụ là những người có hoàn cảnh còn khó khăn, đặc biệt là bà con ở vùng cao nên giá thành bếp giao động từ 150.000 đồng – 500.000 đồng (tùy từng loại). Trừ tất cả các chi phí đầu vào : nguyên vật liệu, khấu hao tài sản, thuế, tiền công,… lợi nhuận của mỗi sản phẩm trong khoảng 7 – 10% chỉ đủ mua sắm các trang thiết bị có giá trị nhỏ, những trang thiết bị có giá trị lớn cơ sở sản xuất vẫn vay ngân hàng với lãi xuất thỏa thuận. Là một sản phẩm phục vụ người nghèo nên cơ sở sản xuất đã đặt lợi ích xã hội lên trên lợi nhuận.

Đau đáu nỗi trăn trở “Bếp bán rẻ nhưng nhiều người vẫn chưa được sử dụng”

Với những tính năng ưu việt của bếp TK90, nhiều năm qua cơ sở sản xuất của ông đã cho ra 6000 bếp/ năm để phục vụ bà con ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hòa Bình,… Nhưng nhu cầu vẫn tăng cao mà ông không thể đáp ứng bởi nhiều nguyên nhân. Đó là điều khiến ông luôn đau đáu, suy nghĩ và tìm lời giải.

“Nhiều bà con trong trong vùng Gia Lai, Kon Tum, HCM… gọi điện, gửi thư ra cả ngoài này cho tôi với mong muốn được sử dụng bếp TK90 nhưng vì bếp làm bằng đất chịu nhiệt, vận chuyển xa rất khó khăn và đội chi phí lên cao, rồi còn phải đảm bảo về kĩ thuật nữa nên tôi phải từ chối nhiều đơn hàng”.

Nói rõ hơn về điều này, ông Hồng kể chuyện trước đây cũng đã từng hợp tác với 1 tư nhân mở xưởng sản xuất Bếp TK90, trong quá trình hợp tác sản phẩm Bếp TK90 không đạt chất lượng, đưa ra giá thành không phù hợp với người nghèo, sản phẩm tiêu thụ chậm nên đã dừng sản xuất.

Ước muốn của ông là có nhiều thêm các đại lí ở khu vực miền Trung, miền Nam và khu vực Tây Nguyên để nhiều bà con được sử dụng bếp TK90. Ông sẵn sàng vào các địa điểm đó để mở rộng quy mô sản xuất, dạy nghề cho đội ngũ thợ để đảm bảo sản phẩm bếp hoàn chỉnh nhất mà vẫn có được chi phí thấp đến tay người tiêu dùng.

Các giải thưởng đã đạt được mà ông giáo Lê Hồng đã được nhận:

- Giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 1990

- Giải nhì cuộc thi: Phát hiện các sáng kiến bảo vệ môi trường năm 2005 -2006” – Do bộ Tài Nguyên và Môi Trường và Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức.

- Bằng khen: Tuyên dương toàn quốc về bảo vệ môi trường năm 2010

- Bằng khen về lao động sáng tạo của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

- Giải thưởng WIPO của tổ chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới.

- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích do Cục Sở Hữu trí tuệ Việt Nam cấp.

Phạm Oanh