Niềm vui của cô giáo vùng cao trên những công trình phòng học mang tên Dân trí

(Dân trí) - Tôi hỏi cô giáo, ngày 20/11 có mơ ước gì, cô chỉ nói vẻn vẹn một câu: “Chỉ được nghe tiếng con gọi mẹ qua điện thoại, thấy hình con qua Facebook”. Cái ước mơ tưởng như bình dị, đơn giản như vậy, nhưng với cô giáo ở trên đỉnh núi quanh năm mây ngàn này, nhiều khi cũng là điều xa xỉ.

Một ngày theo chân cô giáo vùng cao "trèo đèo, lội suối" dạy học

1. Cô giáo mà tôi đề cập là cô Lục Thị Lý (sinh năm 1989), hiện là giáo viên điểm trường Lũng Kim, Trường mầm non Nà Kiềng, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

“Năm nay ngày nhà giáo Việt Nam thực sự là ngày có ý nghĩa với em, vì đây là năm đầu tiên em được vào biên chế”, Lý thật thà chia sẻ. Thực ra, 4 năm trước, cô Lý đã là giáo viên hợp đồng dạy ở huyện Nguyên Bình. Năm học này cô thi đỗ vào biên chế và được điều động dạy tại điểm trường Lũng Kim thuộc huyện Bảo Lâm.


Đường đến điểm trường của cô Lục Thị Lý phải vượt qua những đoạn suối sâu, trên những chiếc cầu tre tạm bợ rất nguy hiểm

Đường đến điểm trường của cô Lục Thị Lý phải vượt qua những đoạn suối sâu, trên những chiếc cầu tre tạm bợ rất nguy hiểm

Niềm vui của cô giáo vùng cao trên những công trình phòng học mang tên Dân trí - 2


Điểm trường Lũng Kim, Trường mầm non Nà Kiềng (xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), nơi cô giáo Lục Thị Lý vừa nhận công tác là phòng học thưng bằng gỗ, mái lợp bờ rô

Điểm trường Lũng Kim, Trường mầm non Nà Kiềng (xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), nơi cô giáo Lục Thị Lý vừa nhận công tác là phòng học thưng bằng gỗ, mái lợp bờ rô

Niềm vui vào biên chế của cô Lý nhưng cũng là sự đánh đổi rất nhiều, khi điểm trường cô dạy rất xa, cách nhà hơn 200km.

Tôi cũng từng theo chân cô Lý lên thăm điểm trường Lũng Kim, nơi được báo Dân trí chọn để xây dựng công trình phòng học để thay cho phòng học tạm bợ, xuống cấp trên đỉnh núi.

Đó là điểm trường chỉ có thể đi bộ, để leo từ chân núi lên đỉnh núi phải “vượt suối sâu, leo non cao” mất hơn 2,5 tiếng đồng hồ, đi xuống nhanh hơn cũng hơn 1,5 tiếng đồng hồ. Đặc biệt điểm trường còn không có cả sóng điện thoại, không điện, không nước.

Zalo, Facebook trên này lại càng không có, nên để liên lạc với chồng con, cô Lý cuối tuần phải đi xuống trung tâm xã để “xin tý điện sạc điện thoại, có tý sóng để cập nhật thông tin hàng ngày".


Không có sóng điện thoại, không có điện, không có nước, phòng học kiêm luôn nhà công vụ không cản được tình yêu thương của cô giáo với học trò

Không có sóng điện thoại, không có điện, không có nước, phòng học kiêm luôn nhà công vụ không cản được tình yêu thương của cô giáo với học trò


Những đứa trẻ vùng cao đáng yêu và đáng thương là động lực để cô Lục Thị Lý bám trường, bám lớp dạy học

Những đứa trẻ vùng cao đáng yêu và đáng thương là động lực để cô Lục Thị Lý bám trường, bám lớp dạy học

“Nhưng em không buồn đâu, em có vất vả, khổ cực tý nhưng dù sao cũng giúp các em học sinh trên này được tốt hơn.

Em coi bọn trẻ trên núi này cũng như con của mình ở nhà vậy. Đứa nào cũng nhem nhuốc, khổ cực nhưng đều đáng thương và đáng yêu.

Năm nay em càng vui hơn khi sắp được báo Dân trí xây phòng học mới cho cô và trò. Đó mới là tình cảm của mọi người dành cho nghề giáo của bọn em chứ không phải chỉ dành cho trong ngày 20/11”, cô Lục Thị Lý nói.

2. Không phải trèo đèo lội suối như cô Lý, thậm chí ô tô có thể đỗ tận cửa, nhưng sự vất vả, khó khăn của các giáo viên ở trường mầm non Tà Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng khiến chúng tôi cảm phục, thương cảm không kém.

Bao năm nay các giáo viên ở đây vẫn đang ở trọ trong căn phòng công vụ tạm bợ, cũng xa chồng xa con, cũng thiếu thốn trăm bề.


Dãy phòng học ngập ngụa trong bùn đất do lũ quét hồi tháng 9/2018 ở Trường tiểu học Tà Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Dãy phòng học ngập ngụa trong bùn đất do lũ quét hồi tháng 9/2018 ở Trường tiểu học Tà Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Hôm chúng tôi gặp các cô giáo, hỏi mong ước lớn nhất của các cô là gì, ai cũng thẹn thùng mà nói rằng: “Chúng em chỉ mong có một cái nhà tắm không bị… nhìn trộm”.

Thế rồi cô dẫn chúng tôi đi tham quan khi tắm rửa, vệ sinh. Phòng tắm nằm sát sau khu bếp, chỉ tầm 2m2. Cửa làm tạm bợ, vách thấp nên gió cứ lùa vào. Nước máy không có nên các cô phải gánh nước để tắm.


Nhà bếp nấu ăn của các giáo viên Trường tiểu học Tà Hộc

Nhà bếp nấu ăn của các giáo viên Trường tiểu học Tà Hộc


Nhà tắm quây tạm mấy bức tường thông thống gió, mỗi lần đi tắm thì phải có người canh bên ngoài tránh bị nhìn trộm

Nhà tắm quây tạm mấy bức tường thông thống gió, mỗi lần đi tắm thì phải có người canh bên ngoài tránh bị nhìn trộm

“Trường tiểu học nằm sát cạnh trường cấp 2. Các em học sinh cấp 2 đã lớn nên nhiều em tò mò, thấy giáo viên tắm thì cũng hay nhìn trộm nên giáo viên chúng tôi một người tắm thì một người đứng ngoài canh”, cô Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng trường tiểu học Tà Hộc chia sẻ tình cảnh của các giáo viên và của cả bản thân mình.

Rồi cô lại chỉ cái nhà vệ sinh cách đó 5m. Mang tiếng là nhà vệ sinh nhưng không ai dám vào vì mùi hôi thối nồng nặc ở trong đó.

“Phòng vệ sinh không đúng quy chuẩn nên không tiêu được, lại không xịt nước được, bẩn lắm. Giáo viên ở đây dạy trên này là bám trường bám lớp từ đầu tuần đến cuối tuần, nên việc không có nhà tắm, nhà vệ sinh thực là một khổ cực mà không biết tỏ bày cùng ai”.


Niềm vui của các giáo viên trường tiểu học Tà Hộc khi được bạn đọc hỗ trợ tivi, máy tính, đặc biệt là xây mới nhà tắm và nhà vệ sinh đảm bảo quy chuẩn

Niềm vui của các giáo viên trường tiểu học Tà Hộc khi được bạn đọc hỗ trợ tivi, máy tính, đặc biệt là xây mới nhà tắm và nhà vệ sinh đảm bảo quy chuẩn

Trước tình cảnh của các cô giáo, từ nguồn ủng hộ của bạn đọc Dân trí, PV Dân trí đã trao 75 triệu đồng để hỗ trợ Trường tiểu học Tà Hộc xây dựng nhà tắm và nhà vệ sinh đạt quy chuẩn, ngoài ra còn tài trợ thêm 1 tivi 50inch để các cô giáo sinh hoạt buổi tối, cập nhật tin tức thời sự cùng 2 bộ máy vi tính phục vụ cho giảng dạy học tập (trước đó máy tính, máy in của nhà trường đã bị hỏng do đợt lũ quét hồi đầu tháng 9/2018 – PV).

3. "20/11 năm nay, lần đầu tiên giáo viên chúng em không phải đi ở trọ mà được ở nhà công vụ đàng hoàng do báo Dân trí cùng Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái tài trợ, đó là niềm vui không gì diễn tả hết bằng lời”, cô Hoàng Thị Trưởng, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Dụ Thượng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ cùng PV Dân trí.


Đường đến trường dạy học của giáo viên trường mầm non Phong Dụ Thượng (xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) phải vượt qua những con đường lầy lội, trơn trượt

Đường đến trường dạy học của giáo viên trường mầm non Phong Dụ Thượng (xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) phải vượt qua những con đường lầy lội, trơn trượt


Hoặc là vượt sông trên những chiếc bè tạm hết sức nguy hiểm

Hoặc là vượt sông trên những chiếc bè tạm hết sức nguy hiểm

Cách đây hơn 1 năm, chúng tôi đã có dịp ghé thăm điểm trường của cô Trưởng và chứng kiến cung đường kinh hoàng mà giáo viên vẫn hàng ngày trải qua trên đường đến trường. Đó là con đường lầy lội, trơn trượt, nhiều đoạn còn phải vượt sông trên những chiếc bè tạm hết sức nguy hiểm.

Các cô giáo ở đây cũng đều xa nhà, một tuần hay thậm chí một tháng mới một lần về thăm chồng, thăm con. Trường không có nhà công vu nên các cô giáo hầu như phải đi thuê trọ nhà dân, vì vậy đồng lương tích góp chẳng được là bao.

Cũng chính từ những vất vả của cô, thông qua Quỹ Nhân ái, bạn đọc Dân trí đã sẻ chia để hỗ trợ xây cho các giáo viên 6 phòng công vụ với tổng mức đầu tư 350 triệu đồng.


Nhà công vụ do báo Dân trí xây dựng gồm 6 phòng học vừa kịp bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 20/11

Nhà công vụ do báo Dân trí xây dựng gồm 6 phòng học vừa kịp bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 20/11


Các phòng học sạch sẽ, khang trang đã tiếp thêm động lực cho các thầy cô giáo gieo chữ vùng cao

Các phòng học sạch sẽ, khang trang đã tiếp thêm động lực cho các thầy cô giáo "gieo chữ vùng cao"

Niềm vui của cô giáo vùng cao trên những công trình phòng học mang tên Dân trí - 14

Công trình kịp hoàn thành trước 20/11, thực sự đem lại hạnh phúc lớn lao cho các cô giáo nơi đây. “Chúng em biết rằng, tấm lòng của mọi người dành cho chính là sự tiếp sức to lớn về mặt tinh thần để chúng em dạy tốt hơn, yên tâm bám trường bám lớp để vì sự nghiệp trồng người, gieo con chữ ở vùng cao”, cô Trưởng hạnh phúc chia sẻ.

Thế Nam