Người lớn xin lỗi một đứa trẻ: Quá khó khăn vậy sao?

(Dân trí) - Hàng ngày, người lớn luôn nhắc trẻ phải xin lỗi khi làm sai. Thế nhưng, người lớn lại quá khó khăn để nói lời xin lỗi đứa trẻ khi họ làm sai, gây tổn thương đứa trẻ.

Sự việc xảy ra hơn hai năm trước ở một trường tư thục tại quận 2, TPHCM. Một bạn học sinh nữ bị mất Macbook, thời điểm đó có một cậu học trò đi qua lớp học này.

Cô giáo dạy Văn nghi ngờ em và vào giờ học buổi chiều, cô hỏi trước lớp: "T. có qua lục đồ và lấy máy của bạn không?". Cậu học trò chết đứng người, không biết trả lời sao trước bao ánh mắt nghi ngại của bạn bè.

Cháu ấm ức về kể với mẹ, người mẹ động viên "Cây ngay không sợ chết đứng, con không lấy thì không gì phải sợ". Chị dự định khi đi công tác về, nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết, chị sẽ lên gặp cô giáo.

Ngay sau đó, một nam lao công của trường đột ngột xin nghỉ. Bảo vệ kiểm tra lại camera, điều tra ra lao công này trộm laptop của học sinh đi cầm đồ. Trường đã chuộc chiếc máy về.

Đáng tiếc, hơn hai năm qua, cậu học trò vẫn chờ một lời xin lỗi từ cô giáo nhưng không có. Cô có thể hỏi học trò trước cả lớp "Có lấy đồ của bạn không" nhưng lại không nói một lời xin lỗi, dù là nói riêng với em.

Trước đây, tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (Củ Chi, TPHCM) xảy ra sự việc, một học trò lớp 2 bị nghi trộm tiền cô giáo và bị đưa lên công an hỏi cung. Khi sự sáng tỏ, biết em bị oan, nhà trường, cô giáo đã tổ chức xin lỗi em công khai. Cô giáo, người bị mất tiền đã khóc khi xin lỗi cô học trò, cùng gia đình, đồng nghiệp về sự bất cẩn của mình. Hình ảnh cô giáo cúi đầu xin lỗi cô học trò, hai cô trò ôm nhau là một hình ảnh đẹp. Và hơn hết, nó đã giảm phần sự tổn thương trong em và cả sự day dứt của cô giáo.

Mới đây, sự việc cô bé lớp 1 tại một trường tiểu học ở Hải Phòng đi học sớm phải đứng ngoài nắng gây bức xúc đã được cơ quan quản lý vào cuộc giải quyết. Nhưng sao... vẫn thấy gì thiêu thiếu! 
 
Người lớn xin lỗi một đứa trẻ: Quá khó khăn vậy sao? - 1

Cô bé lớp 1 "đứng ngoài nắng vì đi học sớm" rất cần lời xin lỗi chân thành từ người mẹ, từ cô giáo.

Ngoài việc chỉ ra những sai sót, nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trách nhiệm, dường như tất cả người lớn, ngay khi sự việc vỡ lở, lại "bỏ quên" cô học trò nhỏ. Ngoài việc gia đình, nhà trường tìm giải pháp cho "học trò đến sớm" thì trong sự việc này, cần lắm những lời xin lỗi.

Hơn ai hết, cô con gái nhỏ cần một lời xin lỗi từ người mẹ. Người mẹ dù vì lý do đi nữa nhưng đã không thể đưa con đến trường theo giờ quy định, để con đối mặt với những nguy hiểm khó lường.

Cô học trò cần lời xin lỗi chân thành của cô giáo vì biết hoàn cảnh của em nhưng cô đã chưa thể tìm một biện pháp hỗ trợ hay là một sự cảm thông.

Em và nhiều học trò khác cần lời xin lỗi từ cô khi cô yêu cầu các em lên bảng, chụp hình lại, gửi vào nhóm của lớp để phê bình bởi cái lỗi đó không phải của các em.

Em cần lời xin lỗi của cô giáo hơn việc cô giải trình với cấp trên rằng mình chụp hình, phê bình các em là hành vi "nóng vội, chưa báo cáo lên nhà trường".

Việc bố mẹ, cô giáo, nhà trường đẩy lỗi qua lại cho nhau không giúp cho tổn thương trong em vơi đi.

Ngay trong sự việc, một đứa trẻ đứng ngoài nắng để chờ được vào trường, chúng ta đã không xem học trò là trung tâm. Và khi giải quyết sự việc, một lần nữa học trò vẫn chưa được xem là trung tâm. Các phương án mang tính mệnh lệnh hành chính nhiều hơn là tinh thần trách nhiệm, nhân văn.

Các bài học đạo đức dày đặc lời xin lỗi, hàng ngày người lớn luôn nhắc trẻ phải xin lỗi khi làm sai. Thế nhưng, người lớn lại quá khó khăn để nói lời xin lỗi đứa trẻ khi họ làm sai, gây tổn thương đứa trẻ.

Có bao nhiêu vụ giáo viên bạo hành học trò, giáo viên đứng xin lỗi trước phòng họp, trước các ban bệ này nọ, chứ không phải là trước người họ đã gây tổn thương.

Hiếm hoi có thì phải nói, dường như người lớn xin lỗi trẻ chỉ là khi sự việc bị vỡ lỡ, xin lỗi để bảo vệ chính mình nhiều hơn là nhận lỗi, để xoa dịu tổn thương cho trẻ.

Việc giáo dục thiếu sự cầu thị của từ chính người lớn ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách và thái độ sống của trẻ. Người lớn làm sai mà không xin lỗi thì đứa trẻ sẽ xem việc bị người khác chà đạp, tổn thương là bình thường. Dần dà, chúng cũng xem việc gây tổn thương, chà đạp người khác là bình thường.

Đừng tặc lưỡi bỏ qua lời xin lỗi một đứa trẻ khi chúng ta sai, dù lỗi rất nhỏ. Lời xin lỗi đó giúp đứa trẻ nhìn nhận giá trị về sự tự trọng, tôn trọng, tinh thần nghĩa hiệp, tinh thần chịu trách nhiệm...

Và hơn hết, khi làm sai, chúng ta nhận lỗi thì chính chúng ta thanh thản.

Hoài Nam