“Người buôn tiền số 1 Việt Nam” chia sẻ những thất bại của bản thân ở đại học

(Dân trí) - Ngày 15/9, tại lễ khai giảng khóa 44 của Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ông Phạm Hồng Hải - người Việt đầu tiên làm Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, với biệt danh “Người buôn tiền số 1 Việt Nam”, đã truyền lửa với các sinh viên, cũng như chia sẻ về những thất bại của mình hồi học đại học.

Những thất bại ở giảng đường ĐH

Ông Phạm Hồng Hải là cựu sinh viên khóa 17, chuyên ngành Quản trị kinh doanh của trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ông Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam từ tháng 12/2014, trở thành người Việt đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của một ngân hàng quốc tế tại Việt Nam.

Mở đầu buổi chia sẻ, ông Phạm Hồng Hải cho biết: “Giống như các bạn ngồi đây, cách đây 27 năm tôi cũng bước vào giảng đường đại học với lẫn lộn biết bao cảm xúc. Vừa hạnh phúc vì vượt qua hàng ngàn bạn trẻ khác mới đến được trường và lo lắng về quãng đường học tập sắp tới sẽ như thế nào. Đây có phải là giai đoạn mình nghỉ ngơi để hưởng thụ không vì vừa vượt qua 12 năm học tập rất vất vả, hay đây là quãng đường quan trọng để trao dồi và chia sẻ kiến thức”.


Ông Phạm Hồng Hải, cựu sinh viên thành đạt truyền lửa cho các tân sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM.

Ông Phạm Hồng Hải, cựu sinh viên thành đạt "truyền lửa" cho các tân sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM.

Ông Hải cho biết, đây là dịp mình chia sẻ những thất bại của bản thân trong quãng đường 4 năm học ĐH, và những bài học rút ra sau khi đi làm để các bạn sinh viên có thể không lặp lại những thất bại mà mình đã trải qua.

Ông Hải kể, khi vừa vào ĐH vẫn quen cách học của thời học cấp 3, lên lớp và thầy cô giảng rồi ghi chép lại nhưng sau một thời gian thì ông nhận thấy rằng cách học này không ổn. Bởi vì thứ nhất không ghi kịp và kiến thức thầy cô cung cấp đòi hỏi sinh viên phải đọc và chuẩn bị tài liệu trước khi lên lớp. Kinh nghiệm mà ông rút ra chính là muốn học tốt trên lớp thì phải tự tìm thêm những kiến thức ở bên ngoài và cập nhật thêm kiến thức mới.

"Thời gian trên lớp nên là lúc chúng ta tranh luận với bạn bè, nghe thầy cô hệ thống lại hơn là việc học một kiến thức mới", ông Hải kể. Ông cũng cho rằng, với sự phát triển của Internet ngày nay, việc tiếp cận kiến thức mới trên toàn cầu rất dễ dàng nhưng việc khó hơn là chọn lọc thông tin chính xác và hữu ích.

Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng từ kinh nghiệm thực thế quá trình học cho thấy khả năng làm việc theo nhóm rất quan trọng. Khi làm dự án mà kết hợp với bạn bè sẽ liên kết sức mạnh với nhau, tận dụng được sở trường của từng người đảm bảo khả năng thành công. Thêm nữa, sinh viên cần rèn luyện khả năng trình bày ý tưởng để người khác hiểu được công việc và kết quả mình làm được.

“Khi các em ra đời, người làm tốt chưa hẳn là người thành công mà quan trọng là em trình bày được ý tưởng của mình để người ta hiểu được kết quả mà mình làm được”, ông Hải nói.

“Thực tế, kết quả học tập của tôi hồi đại học không tốt, chỉ làng nhàng ở giữa lớp. Nguyên nhân tôi nghiệm ra là do mình không trả lời được câu hỏi học để làm gì. 12 năm học phổ thông chủ yếu là do bố mẹ yêu cầu mình phải học giỏi để vào trường ĐH. Và khi vào ĐH rồi thì mình không trả lời được mục đích mà mình đi học. Tôi nghĩ rằng không trả lời câu hỏi này thì mình sẽ lan man, không tìm được đâu là mục tiêu trọng tâm để phát triển", ông Hải kể tiếp thất bại.

Ông cũng khẳng định, mục tiêu của việc học rất quan trọng bởi nó giúp sinh viên định hình được nỗ lực, mục tiêu của mỗi ngày. Khi xác định được mục tiêu, cố gắng thực hiện và đạt được kết quả, bản thân sẽ cảm thấy hạnh phúc và nỗ lực hơn.

Vị Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam kể rằng, năm 1995, ông ra trường và bắt đầu vị trí thấp nhất là nhân viên phòng Kế toán, vốn không phải là sở trường và sở thích. Trong quá trình làm việc, ông phát hiện nhiều người học rất giỏi ở đại học nhưng lại không thành công. Điều này có vẻ phi logic, bởi theo lý thuyết, những người học giỏi thì ra trường thường thành công. Sau đó ông mới nhận ra phần nhiều kiến thức trong giảng đường hiện nay tập trung yếu tố IQ - chỉ số thông minh nhưng một yếu tố khác quan trọng không kém hơn là EQ - chỉ số về mặc cảm xúc và CQ - chỉ số tò mò. Người lãnh đạo chưa chắc là người giỏi nhất nhưng là người có khả năng thu phục, kết nối và truyền cảm hứng cho mọi người.

"Các bạn hãy phát triển chỉ số thông minh, hãy kết nối với bạn bè, mở rộng mối quan hệ nhưng hãy đừng quên tò mò để học hỏi mỗi ngày. Khi nói chuyện với bất cứ ai, dù người đó làm công việc gì, ở vị trí nào, mình đều học hỏi được một điều gì đó mới lạ. Khi có Internet thì việc "tò mò" kiến thức mới dễ dàng hơn nhiều.

Có hai cách tiếp cận trước một điều mới mẻ. Người sẽ bảo nghe khái niệm này quen quen nhưng thôi bỏ qua, có người sẽ tìm hiểu để biết nó là gì. Ví dụ khi nghe về Blockchain, sẽ có bạn tìm bằng được cách để hiểu tác động đến nền kinh tế, việc làm của mình trong tương lai là gì? Chính sự tò mò này sẽ làm các bạn khác biệt hơn người khác".

Nói về mục đích cuộc đời, ông Hải ví như việc một người lái chiếc xe hơi. Họ có thể chạy rất nhanh nhưng đi mãi không tìm được đích. Có nhiều người giàu có, thành đạt nhưng cuối đời họ tự nhận là mình đã thất bại, bởi những gì đạt được không phải là điều họ mong muốn và xem là quan trọng nhất. Để trả lời được mục đích của cuộc đời mình là gì thật ra cũng rất khó, bản thân mình ở mỗi giai đoạn cũng thay đổi mục địch cuộc đời mình.

"Khi ra trường, mục đích của tôi là về hưu càng sớm càng tốt, vậy là phải kiếm thật nhiều tiền, làm giàu càng sớm càng tốt. Sau đó tôi nhận thấy nếu mình có kiếm thêm được nhiều tiền và giàu thêm cũng không làm mình hạnh phúc thêm. Bạn cũng không thể suốt cuộc đời được chạy theo mục đích đó.

Rồi tôi chuyển sang mục tiêu càng nổi tiếng càng tốt, nhưng lại nhận ra đó là sự phù du. Hôm nay bạn có thể nổi tiếng, nhiều người biết nhưng ngày mai, bạn sẽ chẳng là ai hết", ông Hải nói.

Cùng chủ đề này, ông Hải cho rằng bạn trẻ hiện nay có nhiều đam mê nhưng nhiều người không biết nên theo đuổi điều gì. Trong khi nguồn lực của mỗi người có hạn, thời gian trong một ngày như nhau, thì sinh viên phải xác định được đam mê lớn nhất để tập trung nguồn lực phát triển.

Mong người trẻ Việt làm lãnh đạo những tập đoàn toàn cầu

Ông Phạm Hồng Hải kể những năm đầu 1990, phong trào làm thêm rộ lên. Sinh viên thời đó thường làm gia sư, bán hàng, phiên dịch ở hội chợ, nghiên cứu thị trường. Bản thân ông cũng đi làm thêm nhiều và tìm được những kiến thức rất hữu ích, đặc biệt là khi phỏng vấn tuyển dụng.

Tuy nhiên, nếu được lựa chọn lại, ông sẽ dành thời gian nhiều hơn cho việc học bởi làm thêm để có kinh nghiệm là tốt nhưng chưa phải là quan trọng nhất. Sinh viên phải xác định ở từng việc gì nên là ưu tiên, quan trọng hơn.

Về ngoại ngữ ngoại, ông cho rằng sinh viên cần phải giỏi tiếng Anh nhưng như vậy là chưa đủ. "Các bạn nên trau dồi thêm ngoại ngữ thứ hai, có thể là Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Trung hay bất cứ thứ tiếng nào mình yêu thích. Điều đó sẽ tạo khác biệt cho của bạn khi đi làm", ông khuyên.


Ông Phạm Hồng Hải chia sẻ những bài học thất bại của mình để giúp các đàn em tránh vết xe đổ trong quá trình học ĐH

Ông Phạm Hồng Hải chia sẻ những bài học thất bại của mình để giúp các đàn em tránh "vết xe đổ" trong quá trình học ĐH

Tương tự, việc giỏi sâu một chuyên ngành là cần thiết nhưng cũng chưa đủ để tạo khác biệt. Ông cũng cho rằng sinh viên nên chú ý đến sức khỏe. Ông Hải nói đây là điều cảm thấy "ghen tị với các bạn trẻ". Vị Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam ví sức khỏe như tài khoản trong ngân hàng, mỗi người cần sử dụng và "nạp tiền" vào thường xuyên để duy trì nó.

Ông cũng chia sẻ: người Việt Nam có thể làm tốt hơn vì không thiếu người giỏi, thế nhưng tính làm việc theo nhóm lại rất yếu, thậm chí không thích ai khác thành công hơn. Do đó, các em sau này khi đi làm nếu xây dựng văn hóa hợp tác nhóm thì mới tạo sự khác biệt lớn, nếu cứ tập trung vào phát triển bản thân thôi thì khó thành công được. Các em nên nhớ, sự thành công của một cá nhân bao giờ cũng gắn với sự thành công của cả một tập thể.

“Trong xu hướng 5 năm gần đây, có rất nhiều người Việt thành công ở các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là một minh chứng cho thấy những gì người nước ngoài làm được thì người Việt cũng làm tốt được. Tuy nhiên cái hiện nay chúng ta chưa có được hiện nay và hi vọng vào thế hệ sinh viên tương lai chính là sẽ có người Việt Nam là lãnh đạo ở các tập đoàn trên toàn cầu.

“Người Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc… họ đã làm được điều này, anh hi vọng trong tương lai các em sẽ là những người lãnh đạo những tập đoàn toàn cầu, ước mơ mà anh chưa làm được”, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhắn nhủ.

“Tài sản quý nhất của Việt Nam là con người. Các bạn là thế hệ của thiên niên kỷ, có cơ hội lớn để phát triển nghề nghiệp khi tiếp cận được kiến thức mới của thế giới, vừa tận dụng cơ hội phát triển kinh tế trong nước. Hy vọng các bạn sẽ tận dụng được cơ hội này để thành công, nhưng hãy không chỉ đến bản thân mà nghĩ rộng hơn cho cộng đồng và đất nước”, ông Hải bày tỏ.

Lê Phương