Giáo sư Mỹ ngạc nhiên về kết quả PISA của Việt Nam

(Dân trí) - “Nói thật, chúng tôi không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Điều diệu kì của Việt Nam nằm ở đâu khiến kết quả PISA vượt lên đường trung bình của thế giới?”, GS. Paul Glewwe, ĐH Minnesota (Mỹ) người có 6 năm nghiên cứu về kết quả PISA thắc mắc tại Hội thảo Khoa học Quốc tế Việt Nam học lần V diễn ra sáng 15/12.

Liệu sách tham khảo, dạy thêm, giáo viên… có tác động đến kết quả?

Hội thảo Khoa học Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề "Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu" do Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu mối tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia TP.HCM. Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông. Nội dung của Hội thảo tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn.

Tại chuyên đề lĩnh vực “Giáo dục, Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực”, nhiều tham luận về chính sách và nguồn lực giáo dục, giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng xã hội học tập được trình bày, thảo luận sôi nổi. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì tiểu ban này.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì phòng thảo luận Tiểu ban Giáo dục, Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì phòng thảo luận Tiểu ban Giáo dục, Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực.

Một trong những chủ đề được quan tâm là kết quả PISA của Việt Nam xếp thứ hạng khá cao. Trong báo cáo của mình, GS. Paul Glewwe đến từ Khoa Kinh tế học Ứng dụng, Đại học Minnesota, Hoa Kỳ - người có 6 năm nghiên cứu về kết quả PISA đã đánh giá tổng quan, bình luận và đưa ra câu hỏi ngỏ về thứ hạng cao gây bất ngờ cả thế giới của Việt Nam.

Theo đó, kết quả bài thi đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2015 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hôm 6/12 vừa qua, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước tham gia về Khoa học, 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu, cao hơn nhiều nước phát triển.

Hay điển hình năm 2012, lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham gia chương trình đánh giá PISA và xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả này đã gây bất ngờ cho cả thế giới.

“Ở đây có điểm khá thú vị, theo khảo sát của chúng tôi, xếp hạng PISA tỉ lệ thuận với trình độ GDP của quốc gia đó, nhưng đối với trường hợp của Việt Nam thì không đúng”, vị giáo sư Mỹ nói.

Với thực tế này, Việt Nam đã trở thành một ngoại lệ trong cuộc tranh cãi lâu nay luôn cho rằng không thể đạt được nền giáo dục ưu tú mà thiếu sự phát triển kinh tế ở cấp độ cao.

“Có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả PISA với mức độ giàu (sung túc). Tuy nhiên, điều gì đã làm nên điều khác biệt và diệu kì này của Việt Nam? Nói thật, chúng tôi cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo... hay giáo viên dạy Toán ở Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác không…”, ông Paul đặt câu hỏi ngỏ về thứ hạng PISA khả quan của Việt Nam.

Theo vị giáo sư này, khi so sánh Việt Nam và các nước, nghiên cứu không chỉ lấy GDP mà còn tính cả các yếu tố khác như trình độ học vấn/ giáo dục của cha mẹ, số tài sản trong nhà... Rõ ràng, Việt Nam cũng thấp hơn các nước khác. Như vậy, điểm số và xếp hạng PISA của Việt Nam đã tính đến các yếu tố tác động kia vẫn cao hơn.

Lí giải thắc mắc của GS. Paul Glewwe, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, GS. Paul là người rất giàu kinh nghiệm nghiên cứu về các chỉ số, thậm chí có đến 6 năm nghiên cứu về kết quả PISA nhưng câu hỏi ngỏ của vị giáo sư Mỹ là vấn đề không thể giải thích nếu thiếu các chuyên gia của Việt Nam. Kết quả PISA của chúng ta đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng, tại sao nghèo mà lại giỏi đến thế.

Nói về khoảng cách “không hiểu nổi” giữa xếp hạng GDP và thứ hạng PISA của Việt Nam, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, không bàn đến chuyện số liệu chính về GDP hay thu nhập của một bộ phận người dân Việt thì đất nước Việt Nam vốn rất đặc biệt.

“Đặc biệt ở chỗ, cha mẹ Việt có thể hi sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con cái học tập, du học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

“Đặc điểm đó ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản cũng có thể có nhưng ở các nước châu Âu chắc không có”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


GS. Paul Glewwe, ĐH Minnesota (Mỹ) cho rằng, chúng ta không nên quá tự hào về thứ hạng PISA.

GS. Paul Glewwe, ĐH Minnesota (Mỹ) cho rằng, chúng ta không nên quá tự hào về thứ hạng PISA.

Thứ hạng PISA: Không nên quá tự hào!

Cho tới nay, PISA (do OECD khởi xướng) là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất mang tính toàn cầu chỉ chuyên đánh giá về năng lực phổ thông của học sinh ở độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. Với thứ hạng “vượt mặt” các nước tiên tiến thế giới, Việt Nam có nên tự hào?

Bày tỏ quan điểm về điều này, GS. Paul Glewwe cho rằng, ông vẫn đang thực hiện một nghiên cứu để kết luận: Liệu mẫu PISA có đại diện cho tất cả học sinh dưới 15 tuổi ở Việt Nam không?

Bước đầu nghiên cứu, vị giáo sư Mỹ khẳng định, so sánh với mẫu điều tra hộ gia đình thì có thể thấy, đối tượng học sinh góp phần làm nên thứ hạng PISA cao của Việt Nam đa phần là trẻ em ở thành thị, trình độ học vấn/ giáo dục của cha mẹ cao hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định ban đầu và ông vẫn tiếp tục nghiên cứu để sớm có kết quả chính thức.

GS. Paul Glewwe cũng lưu ý, điểm/ thứ hạng PISA chỉ đánh giá một phần kỹ năng của học sinh (đặc biệt là môn Toán, logic…) nhưng không đánh giá được các kỹ năng khác như teamwork (làm việc nhóm), kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sinh tồn…

“Do vậy điểm PISA cao không đồng nghĩa rằng các kỹ năng khác của học sinh Việt cũng tốt. Hơn nữa, thứ hạng PISA Việt Nam nhìn chung là cao trên thế giới, nhưng so với các nước cùng khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc thì Việt Nam vẫn thấp hơn”, GS. Paul Glewwe nói.

Lệ Thu