Giảng viên đại học đang phải cạnh tranh với “ông thầy internet”

(Dân trí) - Hệ sinh thái học tập rộng khắp với vô số “ông thầy internet” làm việc không mệt mỏi, sẵn sàng chia sẻ thông tin, tri thức với người học. Tư duy giáo dục truyền thống như “đến trường” điểm danh mới là “đi học”, không đến trường là "không đi học" đã không còn đúng nữa... trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tính hai mặt của các cuộc cách mạng công nghiệp và khả năng thích ứng của người lao động

Lịch sử đã ghi nhận, trong cuộc cách mạng Công nghiệp (CMCN) 2.0 của thế kỷ 19, những phát minh về khoa học kỹ thuật đã tạo ra những cỗ máy làm tăng năng suất lao động nhưng lại xa thải những người lao động giản đơn, số công nhân được giữ lại phải đứng máy từ 8 giờ tăng lên đến 16 giờ/1ngày.

Do nhận thức không đúng, người công nhân thời đó cho rằng máy móc là nguyên nhân làm cho họ lao động vất vả …. Về sau họ hiểu ra rằng, nguyên nhân khiến họ khổ không phải là các máy móc, thay vì đập phá, họ chuyển sang thích ứng, để cùng tồn tại và phát triển.

Tương tự như CMCN 2.0, CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng là mối đe dọa đối với thị trường lao động. Những người lao động nào thích ứng được với CMCN 4.0 sẽ tồn tại, người nào không theo kịp sẽ bị đào thải.

Những lao động thích ứng với CMCN 4.0 là những Công nhân trí thức, vừa có khả năng sử dụng trang thiết bị hiện đại, vừa có khả năng hoạt động sáng tạo, linh hoạt với trình độ chuyên môn cao.

Quá trình tồn tại, phát triển của đội ngũ công nhân từ CMCN 2.0 đến CMCN 4.0 là bài học để đưa ra giải pháp cho Giáo dục Đại học Việt Nam thích ứng với cuộc CMCN 4.0

Giảng viên đại học đang phải cạnh tranh với “ông thầy internet” - 1

Thực trạng của Giáo dục Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0

Trong CMCN 4.0, công nghệ thực tế ảo giúp cho thầy trò từ khắp các châu lục vẫn có thể tương tác được với nhau như đang ngồi trong cùng một nơi, khoảng cách về địa lý, về không gian và thời gian đã bị xóa nhòa.

Hệ sinh thái học tập rộng khắp với vô số “ông thầy internet” làm việc không mệt mỏi, sẵn sàng chia sẻ thông tin, tri thức với người học. Tư duy giáo dục truyền thống như “đến trường” điểm danh mới là “đi học”, không đến trường là "không đi học" đã không còn đúng nữa... Đến lúc này Giáo dục Đại học trên thế giới đang đứng trước 02 câu hỏi lớn:

Câu hỏi thứ nhất. Tôi có internet, vì sao tôi phải đến trường, nếu tôi có google vì sao tôi cần đến thư viện. Đến lớp làm gì nếu không có gì mới hơn sách điện tử trên mạng ?

Nhờ IOT, toàn bộ thông tin của thế giới được đưa vào những chiếc điện thoại thông minh cầm tay kết nối với bất cứ lớp học nào trên thế giới, nhờ đó người học có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời nhanh hơn bất cứ giáo sư nào và lúc này có cần thiết phải đến trường để học thuộc những kiến thức biệt lập ?.

Câu hỏi thứ hai. Vì sao Bill Gates không học đại học nhưng vẫn thành danh?

Trong CMCN 4.0,quá trình dạy học trở thành quá trình truyền thông, học ở trường chỉ là một kênh truyền thông. Bill Gates không đến trường Đại học, nhưng Bill Gates vẫn học qua trải nghiệm trường đời, học qua các kênh truyền thông khác và Bill Gates đã thành công, trở thành người giàu nhất thế giới.

Bill Gates là trường hợp cá biệt, nhưng nếu hiện tượng Bill Gates trở nên phổ biến, nghĩa là nếu đa số người không đến trường mà tự học vẫn thành danh như Bill Gates thì toàn bộ hệ thống Đại học cần phải xét lại. Nói cụ thể hơn, nếu nhiều người tự học trực tuyến lại thành đạt hơn những người học Đại học theo trường lớp, thì có nghĩa Đại học truyền thống đã hết nhiệm vụ lịch sử !

Tác động CMCN 4.0 đặt giáo dục Đại học Việt Nam trước 2 thách thức lớn :

Thách thức 1 : Bài giảng của GV đang phải cạnh tranh với bài giảng trên mạng.

Cách dạy truyền thống với phấn, bảng, thầy truyền thụ, trò lĩnh hội trực tiếp trên lớp học sẽ phải cạnh tranh với kiểu trường học ảo, lớp học ảo... Việt Nam được xếp hạng đứng hàng đầu thế giới về tốc độ phát triển Internet, có khoảng 1/3 dân số (chủ yếu là học sinh & sinh viên) biết sử dụng mạng xã hội Facebook, nhờ đó sinh viên có nhiều nguồn tiếp cận thông tin.

Tri thức trong giáo trình của Thầy giáo lại không hấp dẫn bằng thông tin SV truy tìm trên mạng. Do đó đến lớp SV không còn hào hứng khi nghe Thầy Cô giảng những nội dung đã biết.

Thách thức 2: Danh mục ngành nghề Đại học của Bộ giáo dục chưa phù hợp với CMCN 4.0.

Hầu hết các thiết bị trong thời đại CMCN 4.0 đều là thiết bị đa ngành, như chiếc điện thoại thông minh đã kết hợp rất nhiều chức năng chứ không chỉ là công cụ để nghe, nói. Để làm ra sản phẩm này cần phải có sự phối hợp rất nhiều ngành nghề.

Tuy nhiên “Hiện nay Bộ GD-ĐT Việt Nam vẫn áp dụng việc đưa ra danh mục ngành nghề để các trường ĐH chọn đúng những ngành đó. Trong khi sắp tới đây danh mục ngành nghề này sẽ lạc hậu nhanh chóng vì ngành nghề không còn là đơn ngành nữa. Vòng đời công nghệ rất ngắn nên nếu đào tạo theo danh mục ngành nghề của Bộ giáo dục, SV chỉ được học một chuyên môn theo đơn ngành hẹp thì khi tốt nghiệp, SV rất khó xin việc

Hai thách thức trên đang tác động đến hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam. Nền giáo dục Đại học ở các nước tiên tiến hiện đang chuyển qua giáo dục 4.0 tương ứng CMCN 4.0. Trong khi giảng viên Đại học Việt Nam chỉ dừng ở mức 2.0, thầy cô trình chiếu kiến thức gì (theo đề cương học phần), sinh viên tiếp nhận cái đó.

Chương trình đào tạo dù có thay đổi thế nào cũng phải nằm trong “khuôn viên” danh mục ngành nghề quy định của Bộ giáo dục. Đây là khó khăn đối với các Giảng viên Đại học muốn đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính sáng tạo của người học. SV ra trường của một số Trường Đại học thiếu năng động khi đi làm.

Giải pháp thích ứng Đại học Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0

Chủ đề, “người Việt Nam học Đại học Việt Nam”, giáo dục Đại học Việt Nam tồn tại và phát triển thích ứng với CMCN 4.0, đã được nhiều Hội thảo trong nước bàn luận. Trong khuôn khổ của bài báo, chúng tôi chỉ giới hạn chia sẻ giải pháp thích ứng của ngành “Sư phạm kỹ thuật” Đại học Bách khoa Hà Nội trước cuộc CMCN 4.0.

Ngành “Sư phạm kỹ thuật” truyền thống có nhiệm vụ trang bị kiến thức cho sinh viên đạt trình độ kỹ sư và nghiệp vụ sư phạm bậc cao để khi sinh viên ra trường trở thành Giảng viên dạy kỹ thuật trong các trường Đại học kỹ thuật, Cao đẳng kỹ thuật. Thầy ”Sư phạm kỹ thuật” điện tử sẽ dạy điện tử, thầy “sư phạm kỹ thuật” cơ khi sẽ dạy cơ khí… Tuy nhiên như mục 2 đã phân tích, nhờ những thiết bị phần mềm thông minh kết nối IOT mà mọi bài giảng kỹ thuật đều đã có sẵn trên internet để sinh viên có thể tự học… Do đó để tồn tại và phát triển, chương trình đào tạo, cách tổ chức đào tạo ngành “Sư phạm kỹ thuật” phải thay đổi về chất.

Việc đầu tiên là phát triển chương trình đào tạo liên ngành giữa ngành “Công nghệ thông tin & truyền thông” và “Sư phạm kỹ thuật”. Nâng cấp ngành “Sư phạm kỹ thuật” thành liên ngành mới “Công nghệ truyền thông giáo dục”, tên quốc tế là Educational Communication & Technology, viết tắt là ECT với các hướng chuyên sâu : ECT điện tử viễn thông, ECT cơ khí, ECT tin học …

ECT là sự kết hợp giữa công nghệ thế giới thực, thế giới ảo & thế giới sinh vật, cho phép thông tin, kiến thức, tri thức của nhân loại .. được số hóa bởi một định danh, thường xuyên được cập nhật đưa lên “mây” (internet) tạo điều kiện cho mọi người khai thác sử dụng. Chương trình đào tạo ECT theo hướng nghiên cứu sử dụng các phương tiện Kỹ thuật số, phương tiện truyền thông internet, công nghệ phần mềm, trang web, các trò chơi, video và các ứng dụng di động để trung chuyển tri thức kỹ thuật đến người học.

Nếu như ngành “Sư phạm kỹ thuật” truyền thống, người giáo viên sẽ truyền tải nội dung học tập trực tiếp đến người học, thì ECT vừa số hóa nội dung bài giảng vừa có thể góp phần thay thế chức năng truyền tải của giáo viên truyền thống.

Thầy ECT đến lớp “mặt giáp mặt” không phải chỉ để truyền đạt kiến thức chuyên ngành kỹ thuật mà quan trọng hơn đó là truyền cảm hứng cho SV. Theo lối dạy truyền thống, người thầy giỏi là người cung cấp cho SV nhiều kiến thức nhất trong một giờ học thì nay được đổi thành thầy giỏi là thầy truyền cảm hứng sáng tạo tốt nhất cho SV.

- Sinh viên tốt nghiệp ngành ECT trở thành người Thầy lớp học trực tuyến, tổ chức lớp học ảo, lớp học B-learning… Bài giảng của Thầy sẽ được số hóa để bổ sung vào tài nguyên học tập trên mạng và để kết nối với không gian học tập mới giúp người học có thể tự học với những thao tác đơn giản nhất.

Ngoài kiến thức chuyên ngành kỹ thuật, chương trình đào tạo ngành ECT còn giúp sinh viên có những kỹ năng mềm để khi ra trường họ có thể vừa là Thầy, vừa làm phóng viên hay đạo diễn truyền hình.

Ví dụ thầy giáo ECT Viễn thông sẽ đảm nhiệm các khóa học mở trên mạng về Viễn thông, cung cấp các khóa học trực tuyến theo nhu cầu và sát với thực tế. Thầy giáo ECT Viễn thông có thể không nghiên cứu chuyên sâu phát triển các công nghệ mới Viễn thông, nhưng có đủ năng lực tiếp thu công nghệ mới về Viễn thông để khi cần dạy chuyên đề mới này họ mời chuyên gia giỏi nhất về Viễn thông thực hiện việc này dưới sự đạo diễn của Thầy ECT Viễn thông.

Người thầy ECT có thể hoạt động như phóng viên truyền hình, vừa trực tiếp đi thu thập tin tại cơ sở, vừa biên tập và trực tiếp phát thanh trên truyền hình đến người xem. Trong quá trình học, sinh viên ECT không chỉ học kiến thức để nhận bằng kỹ sư mà quan trọng hơn là học cách số hóa bài giảng và cách trung chuyển kiến thức trên mạng đến với người học.

*****

Cuộc CMCN 4.0 ban đầu đã tạo áp lực bất lợi đối với hệ thống giáo dục Đại học, nhiều ngành truyền thống bị thu hẹp hoặc biến mất, nhưng nhiều ngành mới ra đời. Ngành ECT ra đời là sản phẩm của CMCN 4.0, lớn mạnh theo thờì gian và phát triển song hành với cuộc CMCN 4.0 đang hứa hẹn và đón chào các tân sinh viên mới.

Bài viết mới chỉ là một vài nét chấm phá ngành ECT trong CMCN 4.0. Để ECT trở thành một ngành mũi nhọn rất cần sự qui tụ của các chuyên gia liên ngành cùng nhau hợp tác nghiên cứu phát triển.

Ngô Tứ Thành