1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Việt Nam chưa sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0: Bộ Khoa học nói gì?

(Dân trí) - Trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp. Vậy Bộ Khoa học và Công nghệ nói gì về thông tin này?

Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai “Readiness for the Future of Production Report 2018” do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp.

Việt Nam được các chuyên gia xếp vào nhóm các quốc gia yếu kém. Trong số các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai thì các yếu tố về phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo công nghệ - liên quan trực tiếp đến quá trình chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam đều có điểm số thấp. Cụ thể: Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp thứ 81/100 và 75/100; Việt Nam chỉ xếp hạng 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo (Technology& Innovation), trong đó, hạng 92/100 về công nghệ nền (Technology Platform), hạng 77/100 về năng lực sáng tạo.

Nếu so sánh một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Malaysia (xếp hạng thứ 23/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo và 21/100 về nguồn nhân lực), Thái Lan (41/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, 53/100 về nguồn nhân lực) hay Philippines (59/100 công nghệ và đổi mới sáng tạo và 66/100 về nguồn nhân lực). Việt Nam chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia (có xếp hạng tương ứng 83/100 và 86/100).


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chủ trì buổi họp báo thường kỳ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chủ trì buổi họp báo thường kỳ.

Trước bản báo cáo được đánh giá là khá bất ngờ này, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN chiều 10/4, ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao cho biết: WEF xây dựng báo cáo này dựa trên điều tra ở 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Báo cáo này được dựa trên hai nhóm chỉ số chính: Thứ nhất là nhóm về cấu trúc của sản xuất bao gồm 3 chỉ tiêu. Nhóm thứ 2 là bao gồm các yếu tố dẫn dắt sản xuất, nhóm này rất lớn gồm 59 chỉ tiêu. Trong nhóm 2 thì công nghệ đổi mới, sáng tạo chiếm 17 chỉ tiêu. Mỗi chỉ số sẽ được xếp hạng riêng nhưng cuối cùng điều quan trọng nhất là phải xem chỉ số tổng hòa là bao nhiêu.

Theo WEF thì chúng ta có thể tạm chia 100 quốc gia này thành 4 nhóm. Nhóm đầu tiên là các nước dẫn dắt; nhóm thứ 2 là nhóm có tiềm năng cao; nhóm thứ 3 là nhóm “di sản” – nhóm có hiện trạng rất tốt nhưng vì không có sự chuẩn bị cho giai đoạn tới nên có nguy cơ sẽ bị tụt hậu; nhóm cuối cùng – gọi là nhóm sơ khai, Việt Nam chúng ta nằm trong nhóm này.

“Như tôi đã nói ở trên, trong tổng cộng 62 nhóm chỉ tiêu, mỗi nhóm chỉ tiêu có một xếp hạng riêng. Trong đó chỉ số tổng hòa thì Việt Nam cụ thể như sau, cấu trúc sản xuất là 48/100, yếu tố dẫn dắt sản xuất là 53/100. Như vậy nếu chúng ta nhìn vào chỉ số tổng hòa thì Việt Nam đang nằm ở nhóm tiệm cận với các quốc gia có tiềm năng ở trong giai đoạn tới”, ông Dương nói.

Ông Dương cũng khẳng định, mặc dù Việt Nam có một số chỉ tiêu đánh giá thấp nhưng bên cạnh đó lại có nhiều chỉ tiêu được đánh giá là tương đối cao.

“Khi Bộ KH&CN nhận được báo cáo này thì ngay lập tức giao cho Vụ Chiến lược Chính sách xây dựng một báo cáo ngắn gọn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đưa ra những phân tích rõ ràng”, ông Dương thông tin.

Cũng theo ông Dương, WEF xây dựng báo cáo này dựa theo một phương pháp đánh giá nhất định, thông thường thì người ta có nhiều phương pháp đánh giá. Mỗi phương pháp thường có một sai số nhất định.

Như chúng ta đã biết, cuối năm 2017, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) có đưa ra về năng lực, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có những bước tiến bộ vượt bậc khi đứng 47/127 quốc gia. Như vậy rõ ràng hai bên đã có sự vênh nhau nhất định; Hay như chỉ số về phủ sóng 4G trên đầu người thì WEF lại chưa được tiếp cận với số liệu cập nhật.

Nguyễn Hùng