Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội “truyền lửa” cho học sinh khối chuyên ngữ

(Dân trí) - Tối 9/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Tại sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN đã có bài phát biểu sâu sắc “truyền lửa” cho các học sinh khối chuyên ngữ.

Chia sẻ với các thế hệ thầy cô, học sinh của trường THPT Chuyên ngoại ngữ (THPT CNN), PGS.TS Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: “Hôm nay chúng ta cùng có mặt tại đây để cùng  kỷ niệm 50 năm thành lập trường THPTCNN, để ôn lại chặng đường 1/2 thế kỷ xây dựng và trưởng thành của trường, để cùng tôn vinh những giá trị và cùng nhau nhìn hướng tương lai”.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội “truyền lửa” cho học sinh khối chuyên ngữ - 1

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN.

PGS Nguyễn Kim Sơn cho hay, sự ra đời của trường THPT CNN từ năm cuối của thập kỷ 60 thế kỷ trước, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt đã thể hiện tầm nhìn xa rộng của những người có trách nhiệm lúc bấy giờ về vai trò của ngoại ngữ và tầm quan trọng của giao lưu hợp tác quốc tế, hội nhập thế giới. 50 năm qua, hàng chục nghìn học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường này. Rất nhiều trong số đó đã tiếp tục đi sâu học tập và nghiên cứu ngoại ngữ để trở thành những người làm nghề chuyên nghiệp như dịch thuật, giảng dạy... Với nhiều người khác, ngoại ngữ đã mở ra những cơ hội học tập và trưởng thành nghề nghiệp ở các bậc học cao hơn, là điều kiện để họ học tập trong môi trường quốc tế từ rất sớm, và rất nhiều trong số đó đã trưởng thành, đảm trách nhiều vị trí, vai trò quan trọng trong xã hội.

Một ngôi trường thành công là trường học mà ở đó người chưa vào học thì mong mỏi được vào học, được vào học rồi thì thấy hài lòng và thỏa mãn phát triển. Người ra trường thì thấy tự hào và luôn quan tâm gắn bó. Người không học nghe thấy tên trường cũng  khen ngợi và đánh giá cao. Trường THPT CNN là một ngôi trường như vậy.

PGS Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, với trường THPT CNN, cần luôn tâm niệm: “Ngoại ngữ và hơn thế nữa”.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội “truyền lửa” cho học sinh khối chuyên ngữ - 2

Các thế hệ thầy cô, học sinh trường chuyên ngữ về hội tụ trong lễ kỷ niệm 50 năm. 

“Học sinh trường chuyên ngoại ngữ phải rất giỏi ngoại ngữ, đó là yêu cầu cơ bản và đương nhiên, trong thực tế các thế hệ học sinh của trường đã và đang làm tốt điều này. Trường THPT CNN đã là một thương hiệu, là một giá trị, là một niềm tự hào, các em cần ghi nhớ, phát huy và làm rạng danh thêm cho THPT CNN. Các em không chỉ tự hào về trường mà cần tự hào về ngôi trường lớn ĐHNN và ĐHQGHN, đó mới là sự tự hào và trách nhiệm đầy đủ.

Các em cần phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, tự tin, tự lập, tài giỏi của học sinh trường THPT CNN. Các em đã học tập một cách rất chủ động. Các em cần tận dụng lợi thế ngoại ngữ,  đó là công cụ sắc bén để các em mở rộng tầm nhìn ra thế giới, học hỏi nhiều hơn, đọc và suy ngẫm nhiều hơn, học có phương pháp để làm giàu cho mình, làm cho công cuộc hội nhập thế giới của đất nước nhanh hơn, chủ động hơn, mạnh hơn để phát triển bản thân, phát triển đất nước.

Các dân tộc trên thế giới đều có những kho báu trí tuệ, tri thức và văn hóa riêng, các em có công cụ ngoại ngữ tốt cần đi sâu thâm nhập vào các kho báu vô giá đó của nhân loại. Mỗi một em được làm giàu thêm từ nguồn kho quý ấy, tức là đất nước đã giàu có thêm về văn hóa, nhân loại có thêm những sự giao lưu và tất cả đều được làm phong phú thêm. Các em cần chuẩn bị tốt nhất đề làm một công dân toàn cầu.

Các em cần phải học tập một cách toàn diện, hài hòa giữa các môn học. Cần phát triển bản thân, phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn trong các điều kiện rất khác nhau, kỹ năng tự phát triển, tự học”, PGS Kim Sơn nói.

Cũng theo PGS Kim Sơn, một phần đáng kể của học sinh khối chuyên ngữ sẽ du học các nước, hoặc học tập tiếp các bậc kế sau trong môi trường giáo dục hội nhập quốc tế sâu rộng. Các em  bước vào thế giới trong thời đại chuyển đổi số, của một thế giới thực ảo kết nối, của trí tuệ nhân tạo và công nghệ thay đổi hàng ngày. 

“Trong bối cảnh ấy, thầy khuyên các em cần lưu ý tới mấy từ khóa: kỹ năng sống, phương pháp học tập, bản lĩnh văn hóa Việt. Các em cần thấu hiểu về đất nước và con người Việt Nam, lịch sử Việt Nam, trau dồi tố chất văn hóa và cần có lối sống đẹp, có bản lĩnh để sống đúng với bản sắc Việt, tự hào về bản sắc Việt và lấy đó làm nền tảng để hội nhập với các nền văn hóa khác một cách chủ động, hòa dòng cùng nhân loại bằng cái căn cốt Việt Nam ấy. Đó chính là chỗ dựa để tránh cho  con người hiện đại không sa vào hoang mang và thiếu hụt về chỗ dựa tinh thần. 

Các em cần thật giỏi ngoại ngữ và hiểu biết văn hóa các nước, nhưng các em càng học giỏi ngoại ngữ bao nhiêu, thì càng cần lưu tâm học tốt môn tiếng Việt và Ngữ văn Việt Nam bấy nhiêu. Học tốt tiếng Việt không phải chỉ để có điểm tốt mà để làm một người Việt đầy đủ và để có thể dịch thuật tốt, nghiên cứu tốt khi cần thiết. Học ngoại ngữ tốt để hiểu nhân loại và hội nhập tốt, nhưng ở một chiều khác, các em cũng cần có trách nhiệm đem văn hóa của Việt Nam lan tỏa ra cộng đồng thế giới và để thế giới biết tới chúng ta nhiều hơn, qua đó các em cũng khẳng định được mình nhiều hơn. Đừng quên vế thứ hai của quá trình học tập và hoạt động sau này.

Các em cũng cần học tốt môn ngoại ngữ thứ hai. Sẽ tới một ngày, việc dùng tiếng Anh trở nên rất phổ biến ở Việt Nam và mọi người sẽ không còn coi tiếng Anh như một ngoại ngữ nữa. Khi đó, các ngôn ngữ của các dân tộc khác, các khối khác mà các em nắm được sẽ rất có tác dụng và có ưu thế”, người đứng đầu ĐHQGHN nhắn nhủ với các học sinh khối trường chuyên ngữ.

Năm 1969, các lớp Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ (PTCNN) được thành lập theo Quyết định số 488/KH của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến năm 2009, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ được chính thức ra đời theo Quyết định số 1844/QĐ-UBND ngày 20/4/2009 của UBND thành phố Hà Nội.

Với sứ mệnh “đào tạo, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu ngoại ngữ, có tư chất thông minh, có khả năng thích ứng với các môi trường học tập, làm việc trong nước và quốc tế”, qua 50 khóa học sinh ra trường, Nhà trường đã đáp ứng những yêu cầu cao của ngành giáo dục nói riêng, của xã hội nói chung. Hàng năm, trường đào tạo khoảng 1.400 - 1.500 học sinh được tuyển chọn từ khắp mọi miền của đất nước.

Học sinh của trường đã tham dự các kì thi trong nước và quốc tế và giành được nhiều thành tích xuất sắc như: 5 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng Olympic tiếng Nga Quốc tế; Giải Nhì đồng đội và giải Nhì, Ba cá nhân tại vòng chung kết cuộc thi Quốc tế Nhịp cầu Hán ngữ năm 2008, 2017; giải Nhì toàn đoàn tại vòng Chung kết cuộc thi Quốc tế Nhịp cầu Hán ngữ năm 2009; 591 giải Học sinh giỏi Quốc gia sau 30 năm dự thi (1989-2018); 119 giải Học sinh Giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ sau 5 năm dự thi (2014-2018); Nhiều học sinh của trường được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; 5 học sinh được nhận giải thưởng Hoa Trạng nguyên trong hai năm 2008 và 2009; Giải Nhất Hội thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc năm 1999; Giải Nhì chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2003; Giải Ba chung kết cuộc thi "Khám phá thế giới Computer" năm 2004; Giải Nhất tại vòng Chung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Anh Quốc gia dành cho các trường THPT chuyên trên toàn quốc năm 2018...

Được biết đến là “ngôi trường của các thủ khoa”, trong những năm gần đây, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ luôn nằm trong top những trường THPT có điểm thi THPT Quốc gia cao nhất cả nước và có tỉ lệ 98% - 100% học sinh đỗ nguyện vọng 1 vào các trường đại học toàn quốc.

Với những thành tích đáng tự hào đó, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1994, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2004. Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã trở thành điểm sáng của giáo dục thủ đô nói riêng, giáo dục nước nhà nói chung.

Nguyễn Hùng