Ninh Bình:

Gặp ông “giáo làng” được Bác trao tặng Huy hiệu mang tên Người

(Dân trí) - Gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cuộc đời “ông giáo làng” Bùi Văn Hướng may mắn được gặp Bác Hồ hai lần. Ông cũng là người vinh dự được Bác tận tay trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh.

Chúng tôi tìm đến nhà thăm ông Bùi Văn Hướng không khó bởi ở xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) ai cũng biết đến “ông giáo làng” này.

Mọi người biết đến ông Hướng không chỉ bởi ông là người thầy giáo đã dạy chữ cho biết bao thế hệ con em ở địa phương, mà ông còn là người đặc biệt ở huyện Gia Viễn vì có hai lần được gặp Bác Hồ. Bác Hồ đã tận tay trao tặng Huy hiệu mang tên Người cho ông và trao tặng ông bộ quần áo kaki đến nay là kỷ vật quan trong trong đời ông Hướng.

Ông giáo làng Bùi Văn Hướng có gần 40 năm tham gia nghề dậy học
Ông giáo làng Bùi Văn Hướng có gần 40 năm tham gia nghề dậy học

Mỗi năm cứ đến những ngày kỷ niệm sinh nhật hoặc ngày mất của Bác, lòng ông Hướng lại bồi hồi nhớ về những giây phút được gặp Người. Hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn im đậm trong tâm trí ông. Người đã đi xa nhưng sự giản dị của Bác luôn là “kim chỉ nam” để cuộc đời ông Hướng noi theo.

Ngày còn đi học, ông Hướng là người chăm ngoan, học giỏi và thông minh, ông đã đạt giải nhất tại kỳ thi Sơ học yếu lược (tương đương với lớp 6). Ông không theo học lên mà đã tình nguyện ở lại làm giáo viên bình dân học vụ ở địa phương, tham gia phong trào “diệt giặc dốt” do Bác Hồ kêu gọi. Năm 1948 ông được bầu làm trưởng ban “diệt giặc dốt” của xã Liên Sơn.

“Lúc bấy giờ, nếu tôi mà theo học lên thì bản thân cũng có thêm nhiều kiến thức, nhưng nghĩ lại thấy mình lựa chọn tham gia “diệt giặc dốt” là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời. Cả xã tôi lúc bấy giờ người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giặc đói lúc đó cũng quan trọng nhưng giặc dốt mới là mối nguy hại trước mắt. Bác kêu gọi mọi người cùng tham gia “diệt giặc dốt”, không diệt được giặc dốt thì giặc đói và giặc ngoại xâm sẽ lợi dụng kẽ hở này để phát triển biến nước ta thành đất nước nô lệ, nhân dân ta sẽ mãi chìm trong đói nghèo và mù chữ, lầm than” – ông Hướng nhớ lại.

Ông giáo làng Bùi Văn Hướng có gần 40 năm tham gia nghề dậy học
Ông Hướng chỉ dạy cho các em học sinh về bức thư khen địa phương của Bác Hồ trong phong trào diệt giặc dốt

Chỉ trong thời gian ngắn ông Hướng làm trưởng ban, sự đổi thay trong công tác “bình dân học vụ” của địa phương đã có những đổi thay vượt bậc. Ông có những cách làm cũng như sáng kiến hay như: thành lập Ban bình dân học vụ ở mỗi xóm để vận động bà con nhân dân đến lớp học xóa mù chữ; các bô lão trong làng là người có uy tín, trách nhiệm kêu gọi bà con đi học, quyên góp giấy mực; lập các “lớp gia đình học” người biết chữ dạy cho người không biết; để cho người dân học chữ ở mọi nơi, ông phối hợp với ban treo bảng chữ ở cổng chợ hoặc cổng làng và vận động người dân đọc và viết chữ;…

Từ một xã có số dân mù chữ là 95%, đến năm 1956 xã Liên Sơn đã thoát được nạn mù chữ và là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước diệt được giặc dốt. Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi các địa phương làm tốt phong trào “diệt giặc dốt” ở Ninh Bình, trong đó có nhân dân xã Liên Sơn. Đóng góp không nhỏ cho thành công này là nhờ sự hi sinh và công lao lớn của ông Hướng, ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc.

Năm 1957, ông Hướng là người được Bộ Giáo Dục đưa đi gặp Bác Hồ vì đã có những thành tích cao trong việc “diệt giặc dốt”. Ông nhớ lại: “Đầu năm 1957, xe của Bộ Giáo dục đưa tôi dến Phủ Chủ tịch, lúc đó tôi mới biết mình sẽ được gặp Bác Hồ. Trong lòng vui mừng lắm nhưng cũng rất run vì lần đầu tiên gặp Bác. Bác là người lãnh đạo cao, người dân như tôi mà Bác dành thời gian để gặp là vinh dự lớn cả cuộc đời. Trong lòng đang đầy suy tư lo âu thì Bác bước vào bắt tay và hỏi thăm sức khỏe. Sự giản dị, ân cần của Bác tôi không hề ngờ tới, Bác gần gũi như những người dân vậy, Người tôi vẫn run lên cầm cập, Bác đã tận tay đeo Huy hiệu của người lên áo tôi. Bác lại còn tặng cho tôi bộ quần áo kaki màu sữa rồi Người ân cần rặn dò” – ông Hướng kể lại giây phút gặp Bác.

Ông giáo làng Bùi Văn Hướng có gần 40 năm tham gia nghề dậy học
Huy hiệu Hồ Chí Minh mà ông Hướng được Bác Hồ tận tay trao tặng vì đã có thành tích tốt trong phong trào diệt giặc dốt

Những lời Bác rặn dò cho đến bây giờ ông Hướng không thể nào quên, đó chính là không được ngủ quên trên chiến thắng: “Thành tích mà mình có được là do nhân dân, vì thế không được tự mãn mà phải phát huy hơn nữa, phải học và học mãi, phải khiêm tốn thật thà với dân để xứng đáng với sự tin tưởng và giao phó của nhân dân” – ông Hướng chia sẻ lời rặn của Bác.

Đến năm 1958, ông Hướng lại may mắn được gặp lại Bác Hồ thêm lần nữa tại Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Lần này, không được đến gần Bác nhưng trong lòng ông Hướng vẫn có cảm giác như lúc được gặp Bác năm trước. Sự giản dị, dễ gần, ân cần, dễ gần của Bác làm cho không chỉ ông Hướng mà hàng trăm người trong khán phòng thấy kính mến Bác rất nhiều.

Sau này, nghe theo lời Bác dạy ông Hướng đã đi học tiếp hết lớp 10 rồi về công tác trong ngành giáo dục ở địa phương. Ông gắn bó trọn cuộc đời mình với nghề “gõ đầu trẻ”, tận tay dạy chữ cho các em nhỏ, những thế hệ tương lai của địa phương. Trải qua hàng chục năm dạy học, từng lớp học sinh nhờ thầy Hướng dạy chữ đã lớn lên thành người. Tóc thầy giờ đã bạc, mọi người ở quê gọi ông Hướng với cái tên trìu mến là ông “giáo làng”.

Trải qua những năm tháng thăng trầm trong nghề giáo, ông Hướng luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ trong nghề noi theo. Ông tâm niệm, nghề giáo là nghề tuy nghèo nhưng lại vinh quang vì là người dạy chữ cho mọi người. Nghề không chỉ đem đến cho các em học sinh kiến thức mà còn phải dạy cho các em học sinh thế hệ sau biết cách sống làm người, lòng yêu Tổ quốc…

“Tôi sẽ mãi sống theo những lời rặn của Bác, dù ở đâu và cương vị nào cũng phải cố gắng hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Kỷ niệm những lần gặp Bác sẽ là niềm vinh dự lớn nhất của cuộc đời tôi. Tôi sẽ luôn nhắc nhở con cháu noi theo và học tập tấm gương cao cả của Bác để thành người có ích cho xã hội” – ông Hướng tâm sự.

Thái Bá