Đổi thi quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT: “Học sinh bị xáo trộn rất nhiều”

(Dân trí) - Thí sinh muốn vào đại học phải trải qua kỳ thi khác hoặc cách thức xét tuyển khác trong khi thời gian chuẩn bị quá ít vì trước đó đã định hướng học theo cấu trúc thi THPT quốc gia.

Nhiều chuyên gia đến từ các trường ĐH phía Nam cho rằng sẽ thiệt thòi cho thí sinh bởi năm 2020 kỳ thi THPT quốc gia sẽ không còn nữa mà đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đổi thi quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT: “Học sinh bị xáo trộn rất nhiều” - 1

Thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TPHCM cho rằng việc đổi thi quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT thì các trường ĐH đối mặt với ít nhất 3 khó khăn. Cái khó đầu tiên chính là các trường phải cân đối lại chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh để phù hợp hơn.

“Đơn cử như trường tôi, trước đây mình công bố có 4 phương thức tuyển sinh trong đó xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia chiếm tới 50% trong tổng số chỉ tiêu.

Mỗi phương thức xét tuyển sẽ là một “bộ lọc”, nếu không thể dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển thì coi như chỉ còn 3 bộ lọc. Việc mất đi một “bộ lọc” thì chắc chắc sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến độ chuẩn xác để tuyển sinh của các trường.

Do tình hình này thì các trường phải phân bố lại chỉ tiêu của các phương thức tuyển sinh khác như tự tổ chức thi và xét học bạ THPT”, TS Quốc Anh nói.

Đổi thi quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT: “Học sinh bị xáo trộn rất nhiều” - 2

TS Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TPHCM

Trong tình huống tập trung nhiều hơn vào cách thức tự tổ chức thi thì trường cũng gặp cái khó thứ hai. Theo ông Nguyễn Quốc Anh: “Vấn đề là trường phải giải bài toán cân đối cấu trúc đề thi làm sao để phù hợp với năng lực cũng như khối lượng kiến thức mà học sinh năm nay đang học.

Do năm nay ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, học sinh nghỉ nhiều và Bộ GD&ĐT phải tinh giản kiến thức nên chúng ta phải thay đổi cấu trúc đề thi sao cho khớp với nội dung kiến thức đã tinh giảm”.

Đồng thời, nếu theo kế hoạch năm học này sẽ kết thúc vào tháng 7 và tháng 8 sẽ thi tốt nghiệp THPT, nếu nhanh nhất đến cuối tháng 8 mới có kết quả.

Nếu các trường tự tổ chức thi cũng phải diễn ra vào đầu tháng 9. Như vậy kế hoạch đào tạo của khóa tuyển sinh 2020 sẽ bị lệch với năm trước. Do đó phương thức xét tuyển phải làm sao nhanh, gọn và hiệu quả chứ không thể kéo dài như các năm trước.

Tuy nhiên, ông Quốc Anh cho rằng học sinh mới bị ảnh hưởng nhiều nhất và sẽ khó khăn nhiều hơn đối với các trường ĐH. Học sinh đang bị xáo trộn rất nhiều bởi trước đó đã định hướng học theo cấu trúc thi THPT quốc gia.

Nếu như năm trước thí sinh chỉ thi 1 kỳ thi và được xét tuyển nhiều trường thì năm nay tùy vào tự chủ, các trường sẽ tổ chức thi riêng, thí sinh bị hạn chế cơ hội lựa chọn hơn.

Thí sinh muốn vào một trường nào đó thay vì chỉ thi THPT quốc gia thì các em phải trải qua kỳ thi khác hoặc cách thức xét tuyển khác mà các em đang bỡ ngỡ, thời gian chuẩn bị rất ít.

“Theo tôi, nên duy trì thi THPT quốc gia nhưng phải sàng lọc tốt hơn. Nội dung đề thi vẫn dựa trên khối lượng kiến thức học sinh đã hoàn thành, vẫn có câu phân hóa để phân luồng tuyển sinh.

Như thế thí sinh được ổn định hơn về cấu trúc đề và cấu trúc thi thay vì phải “đuổi theo” cách thức tuyển sinh tự chủ của mỗi trường ĐH”, ông Quốc Anh kiến nghị.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ: "Các trường đại học bất ngờ về việc thi từ kỳ thi THPT quốc gia trở thành thi tốt nghiệp THPT sẽ làm cho các trường không biết dùng gì để xét tuyển.

Bởi lẽ về mặt bản chất thì xét kết quả học bạ lớp 12 hay xét tuyển từ điểm thi là hoàn toàn như nhau, về lý thuyết là như vậy.

Bài thi Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội không phân chia điểm cho từng môn thành phần mà giữ nguyên làm các trường khó trong việc xét tổ hợp môn, làm sao để xét tổ hợp khối A01 khi lấy điểm thi tốt nghiệp THPT?".

Đổi thi quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT: “Học sinh bị xáo trộn rất nhiều” - 3

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM

Các trường năm nay có lẽ phải nhanh chóng liên lạc với nhau qua hệ thống trực tuyến để tìm phương án xét tuyển. Ông Sơn cũng cho rằng nên để nguyên tên kỳ thi THPT quốc gia, cần giảm bớt kiến thức, ra đề "dễ thở" hơn nhưng vẫn có câu mang tính phân hóa để các trường xét tuyển.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TPHCM chia sẻ: “Các năm trước, khoảng 60% các trường ĐH xét tuyển từ kết quả kỳ thi này. Nhưng kỳ thi đổi tên và chỉ còn một mục tiêu xét tốt nghiệp THPT cho học sinh.

Luật Giáo dục sửa đổi cũng quy định từ năm 2021 các trường ĐH hoàn toàn tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu bao gồm cả tuyển sinh.

Như vậy, nếu có hay không kỳ thi này, các trường ĐH cũng sẽ chính thức thực hiện tự chủ tuyển sinh sớm hơn dự kiến”.

Đổi thi quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT: “Học sinh bị xáo trộn rất nhiều” - 4

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TPHCM

Theo ông Lý, đây là lúc các trường đại học thể hiện năng lực tự chủ, chọn phương thức phù hợp, lấy chất lượng làm đầu, giữ uy tín, thương hiệu. Nếu không, trường sẽ tự đào thải.

“Các trường sẽ có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, tuyển nhiều đợt trong năm. Ngoài các phương thức xét tuyển như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, đánh giá năng lực, đại học cùng khối ngành, nhóm ngành, nên chăng, cùng liên kết với nhau để tuyển sinh”, ông Lý đề xuất.

Còn PGS. TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì chia sẻ rất lo lắng trước tình huống chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ông cho rằng, “kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không thể phân hóa, phân chia năng lực học sinh. Do đó, rất khó để các trường sử dụng kết quả để tuyển sinh. Đầu vào chất lượng là tiền đề rất quan trọng, nhất là khối ngành Sức khỏe.

Nhà trường phải tính toán rất kỹ để tìm phương án tuyển sinh tốt nhất trong năm nay”.

Lê Phương