Đại học Mở Hà Nội: Lần đầu thi hết môn trực tuyến với toàn bộ sinh viên

(Dân trí) - Trong tháng 5 này, Đại học Mở Hà Nội sẽ có những phòng thi trực tuyến. Đây là lần đầu tiên nhà trường áp dụng hình thức thi trực tuyến trên diện rộng với toàn bộ sinh viên, theo hình thức vấn đáp.

Thông tin được Ban giám hiệu nhà trường đưa ra tại chương trình Đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo nhà trường và học sinh, sinh viên năm học 2019-2020 tổ chức chiều ngày 7/5.

Buổi đối thoại với 2 phòng trực tuyến, có sự góp mặt của các thầy cô đại diện Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường cùng 409 đại biểu học viên, sinh viên đại diện cho gần 30.000 học viên, sinh viên toàn quốc đang theo học tại đây.

Đại học Mở Hà Nội: Lần đầu thi hết môn trực tuyến với toàn bộ sinh viên - 1

Các thầy cô tại đầu cầu Hà Nội gửi lời chào sinh viên trên mọi miền Tổ quốc.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng ĐH Mở Hà Nội, trưởng BTC chương trình cho biết, đây là hoạt động thường niên diễn ra trong nhiều qua nhằm tạo kênh thông tin, diễn đàn dân chủ giúp lãnh đạo nhà trường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mối quan tâm của người học.

Những ý kiến của học viên, sinh viên giúp thầy cô nhìn nhận đánh giá khách quan những công việc đã làm được, những hạn chế tồn tại trong công tác tổ chức và quản lý hoạt động của nhà trường.

Đại học Mở Hà Nội: Lần đầu thi hết môn trực tuyến với toàn bộ sinh viên - 2
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc.

Tại buổi đối thoại, câu hỏi được đa phần sinh viên quan tâm nhất là kế hoạch đào tạo, khảo thí của nhà trường trong mùa dịch Covid-19.

Thi trực tuyến trên diện rộng bằng hình thức vấn đáp

Một bạn sinh viên đặt câu hỏi: “Thưa các thầy cô, trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, tình hình học và thi các môn sẽ được tổ chức như thế nào?”.

Giải đáp câu hỏi này, ông Dương Hoài Văn - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo nhà trường cho hay: “Theo kế hoạch đào tạo, ngày 3/2/2020 sinh viên sẽ trở lại trường học sau nghỉ Tết, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên trường lùi thời gian, tổ chức hình thức học trực tuyến.

Giảng viên lên lớp dạy, sinh viên học tập nhưng tất cả qua hình thức trực tuyến từ ngày 10/2 qua hết học kỳ 2 và đến thời điểm hiện tại, sắp bước sang học kỳ thứ 3 - hình thức này vẫn được triển khai cho tất cả các hệ: chính quy, đào tạo từ sau, sau đại học và nghiên cứu sinh.

Công tác tổ chức thi, quá trình giảng dạy, học tập đều theo hình thức trực tuyến, vậy kết quả đánh giá các học phần học tập thế nào? Trước đây, chúng ta tổ chức theo hình thức trực tiếp tại phòng thi, bây giờ ở trong thời gian dịch bệnh, công tác đào tạo đang triển khai theo hình thức trực tuyến nên công tác thi cử nhà trường cũng sẽ tổ chức theo hình thức hòa nhập với hình thức học”.

Đại diện nhà trường nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên nhà trường áp dụng hình thức thi trực tuyến trên diện rộng với toàn bộ sinh viên cho nên nhà trường triển khai rất thận trọng và có những nghiên cứu khảo sát cụ thể, từ điều tra về thiết bị sinh viên sử dụng để học tập là gì, công tác đề thi, tập huấn cho toàn bộ giảng viên, đội ngũ kỹ thuật tham gia vào hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến LMS”.

Theo đó, từ ngày 16/4, lãnh đạo trường Đại học Mở Hà Nội đã ban hành hướng dẫn 1188 để hướng dẫn công tác khảo thí và các bộ phận chức năng đang tích cực thực hiện, áp dụng cho sinh viên toàn nhà trường.

Trong tháng 5 này sẽ có những phòng thi trực tuyến đầu tiên, sẽ được tổ chức theo hình thức vấn đáp với 2 phương thức chính (vấn đáp trực tiếp hoặc sinh viên làm bài tập lớn/tiểu luận).

Không giảm tải chương trình học

Cũng liên quan đến việc học tập trong mùa Covid-19, một nam sinh viên gửi thắc mắc: “Do tình hình dịch bệnh kéo dài, nhà trường có kế hoạch giảm tải chương trình học, điều chỉnh lịch học cho học sinh, sinh viên không?”

TS. Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, mục đích của cử nhân ra trường là phục vụ tốt công việc, xã hội cho nên chỉ có thể giãn thời gian chứ không giảm tải.

“Giảm tải có chăng là chúng ta đã giảm một kỹ năng nào đó chăng, chúng ta đã kém đi việc chuẩn bị hành trang sau này cho mình chăng, điều này là không có”, ông nhấn mạnh.

Đại học Mở Hà Nội: Lần đầu thi hết môn trực tuyến với toàn bộ sinh viên - 3

PGS. TS Nguyễn Mai Hương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội (bên phải) và TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng nhà trường chủ trì chương trình đối thoại.

Hiệu trưởng Trương Tiến Tùng cho hay, công tác tổ chức đào tạo, việc thi trực tuyến sẽ được hỗ trợ hơn rất nhiều, giúp sinh viên có thể giảm tải thời gian. Nghĩa là kế hoạch thi cử của nhà trường chủ động hơn vì thời gian được giãn ra.

Nếu như trước đây, sinh viên học xong môn thứ 1, thi xong mới được học môn thứ 2 thì bây giờ, học xong môn thứ nhất có thể đăng ký học môn thứ 2 luôn trong giai đoạn dịch bệnh. Sinh viên hãy tận dụng.

Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo nhà trường cho biết thêm, Covid-19 có ảnh hưởng nhưng không phải quá lớn đến hoạt động chung của nhà trường, mọi hoạt động tổ chức thi, xét kết quả học tập, xét tốt nghiệp diễn ra hết sức bình thường.

Tháng 2/2020, hội đồng xét tốt nghiệp của nhà trường vẫn xét tốt nghiệp cho 387 sinh viên đại học chính quy; tháng 3/2020, xét tốt nghiệp cho 382 học viên cao học tốt nghiệp thạc sĩ; tháng 4/2020, xét tốt nghiệp cho 27.343 sinh viên đào tạo từ xa, cuối tháng 4 xét tốt nghiệp cho 1.298 sinh viên hệ từ xa tốt nghiệp.

“Các bạn sinh viên có thể thấy các phương tiện truyền thông đại chúng nói nhiều đến giảm tải một số nội dung trong chương trình đào tạo vì dịch bệnh, nhưng việc này phù hợp hơn với bậc phổ thông.

Bởi lẽ, bậc phổ thông chương trình đào tạo tổ chức theo niên chế (năm lớp 10 đến lớp 12), mỗi năm có một bộ sách giáo khoa riêng, nếu không hoàn thành thì học sinh không được lên lớp. Đó là đào tạo theo năm học.

Nhưng ở bậc đại học thì hoàn toàn khác. Bậc đại học đào tạo theo tín chỉ, sinh viên tích luỹ đủ số tín chỉ quy định của chương trình đào tạo sẽ được ra trường.

Mỗi chương trình đào tạo được thiết kế từ 4-5 năm và thời gian tối đa ở trong trường còn được gấp 2 lần thời gian thiết kế chương trình đào tạo. Tổ chức đào tạo tín chỉ rất linh động theo việc sắp xếp giảng dạy, học tập từ nhà trường và sinh viên cho nên việc giảm tải là không có.

Chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc đăng ký học tín chỉ, nhà trường sẽ sắp xếp chủ động tạo điều kiện cho sinh viên để làm sao giúp các em hoàn thành theo kế hoạch.

Còn khung kế hoạch đào tạo 2019-2020 của nhà trường không thay đổi nhiều, mọi lịch thi cũng sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, có chăng chỉ lùi 1-2 tuần để có thêm thời gian chuẩn bị phù hợp khi chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến”, ông Dương Hoài Văn giải đáp.

Đại học Mở Hà Nội: Lần đầu thi hết môn trực tuyến với toàn bộ sinh viên - 4

Nhiều thắc mắc của sinh viên được lãnh đạo, giảng viên nhà trường trực tiếp tư vấn giải đáp.

Sinh viên trình bày công trình khoa học trực tuyến trước hội đồng

Liên quan đến vấn đề nghiên cứu khoa học của sinh viên, đại diện nhà trường cho hay, nhà trường luôn dành quyền lợi cho sinh viên và tuần vừa qua, đã tổ chức tuần lễ nghiệm thu các công trình khoa học của sinh viên.

PGS.TS Phạm Thị Tâm - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại chia sẻ: “Dịp này, nhà trường vừa tổ chức các hội đồng xét giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học.

Năm nay, 36 công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn đã được trình bày trước các hội đồng bằng hình thức trực tuyến. Và cũng vì thế, năm nay, nhiều em báo cáo trực tuyến nên có sự chứng kiến của phụ huynh.

Tôi tin rằng khi nghe con trình bày một đề tài nghiên cứu khoa học thì rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy tự hào về kiến thức, năng lực, sự hiểu biết của con mình”.

Đại học Mở Hà Nội: Lần đầu thi hết môn trực tuyến với toàn bộ sinh viên - 5

PGS.TS Phạm Thị Tâm - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại nhà trường.

Theo đó, quyền lợi của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học gồm: được cấp giấy khen của Hiệu trưởng nhà trường (đây là điểm cộng, sự nổi trội trong hồ sơ sinh viên sau này); các em cũng được phát triển các đề tài nghiên cứu thành dự án start-up; được cộng điểm rèn luyện và thi đua để cấp học bổng trong quá trình học và nhiều lợi ích có được cơ hội phát triển năng lực cá nhân, tăng cường và củng cố các kỹ năng làm việc, hùng biện, thuyết trình.

Bắt đầu từ năm 2019-2020, nhà trường cấp kinh phí để cho các em thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học bên cạnh kinh phí thưởng thường lệ như các năm trước.

Cũng tại buổi đối thoại, các nội dung về học liệu giáo trình, về chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ người học đến những vấn đề về vệ sinh môi trường, về cơ sở vật chất, về văn hoá ứng xử giao tiếp… đều được đề cập hết sức thẳng thắn, cởi mở, dân chủ và trách nhiệm.

Với tinh thần luôn lắng nghe, tiếp thu và cầu thị, ngay sau chương trình, nhà trường khẳng định sẽ có những giải pháp phù hợp để phục vụ người học ngày càng tốt hơn.

Lệ Thu