Đà Nẵng đặt mục tiêu 70% gia đình đạt “Gia đình học tập”

(Dân trí) - Sáng 17/10, UBND thành phố Đà Nẵng họp triển khai Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, có 70% gia đình trên địa bàn đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”.

Đề án của Đà Nẵng được xây dựng dựa trên tinh thần Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” được ban hành theo Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đà Nẵng đặt mục tiêu 70% gia đình đạt “Gia đình học tập”
Đà Nẵng họp triển khai Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.

Tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố đặt mục tiêu 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học TP được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; 70% gia đình được công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, 50% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”, 60% cộng đồng (thôn, tổ dân phố và tương đương) đạt “Cộng đồng học tập”. Đối với miền núi (chủ yếu các xã thuộc huyện Hòa Vang), các tỷ lệ này tương ứng là 60%, 40% và 50%.

Trước mắt từ nay đến 2016, sẽ triển khai thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, và “Cộng đồng học tập” để tiến tới nhân rộng các mô hình hiệu quả trên toàn địa bàn thành phố.

Tại buổi họp triển khai Đề án, ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời không phải là câu chuyện đơn giản. Bên cạnh vai trò nòng cốt của ngành Giáo dục, của Hội Khuyến học, cần có sự phối hợp của nhiều Ban ngành chức năng liên quan. Phải làm sao lan tỏa tinh thần của phong trào học tập suốt đời đến từng gia đình, từng dòng họ, và xây dựng một xã hội học tập thực sự. Trước hết, cần triển khai thí điểm từng bước vững chắc để tiến tới nhân rộng những mô hình hiệu quả, chứ không làm ào ào. Đồng thời, đặc biệt tăng cường công tác tuyên truyền để từng người dân, từng gia đình, dòng họ, cộng đồng hiểu và hưởng ứng đúng theo tinh thần của Đề án, để xã hội học tập không chỉ là một khái niệm hình thức”.

Khánh Hiền