Cô bé dân tộc Giấy bán giá đỗ giữa chợ đạt giải Văn toàn quốc

(Dân trí) - Lò Thị Chiêm đạt giải thưởng học sinh giỏi quốc gia môn Văn - tin vui ấy tựa như hương rừng thơm ngát trong chốc lát lan ra, rộng khắp miền biên giới Lai Châu.

Hôm dự buổi Tuyên dương các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đạt thành tích xuất sắc năm 2014, tôi ngồi cạnh một cô sinh viên trẻ. Nhìn trang phục của em, thấy là lạ, tôi thầm nghĩ chắc em thuộc một dân tộc hiếm gặp trong cộng đồng các dân tộc. Và, chỉ trong chốc lát khi Ban Tổ chức xướng lên: Lò Thị Chiêm - dân tộc Giấy - nguyên học sinh Trường Chuyên THPT Lai Châu đạt giải Ba Văn toàn quốc, thì cái băn khoăn của tôi đã được giải đáp.

Theo tư liệu: Người Giấy cư trú chủ yếu ở các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Yên, Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) huyện Yên Minh, Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), huyện Phong Thổ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Người Giấy còn có tên gọi khác như Nhắng hay Giẳng là những tên gọi có biến âm từ tộc danh Giấy, ví dụ ở tỉnh Lào Cai và Lai Châu người Tày, người Thái gọi người Giấy là Giẳng, người Việt gọi người Giấy là Nhắng, còn Giấy là tên tự gọi. Lần trong lịch sử xa xưa người Giấy còn được gọi là Bố Y, Bạch Y Chủng Cha, Sa Nhân, Pu Năm...

Em Lò Thị Chiêm (
Em Lò Thị Chiêm (bên phải) chụp ảnh cùng tác giả bài viết.

"Cô bé bán giá đỗ" đỗ trường chuyên

Gia đình Chiêm là gia đình thuần nông tại bản Nậm Loỏng 2, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu. Ngoài việc đồng áng, mẹ Chiêm còn nuôi lợn, gà và đặc biệt có nghề truyền thống làm giá đỗ. Chiêm cho biết: ''Nhìn mẹ chắt chiu từng hạt đậu để làm ra những thúng giá đem bán ngoài chợ kiếm tiền về nuôi gia đình và hai chị em cháu ăn học, cháu lại trào nước mắt thương mẹ. Ba cháu làm nông nhưng cứ sau mỗi vụ mùa thì lại bị căn bệnh quái ác hành hạ. Bố mẹ cháu ngày xưa chưa có điều kiện học chữ, là người dân tộc thiểu số vùng cao nhưng vẫn luôn mong cho con cái mình được học hành tử tế.

Người luôn khiến cháu xem là thần tượng không ai khác là bà nội cháu. Ông nội cháu mất khi còn rất trẻ, lúc đó ba cháu mới 3 tháng tuổi. Một mình bà nuôi nấng, dạy dỗ 4 người con trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn và khi con cái đã trưởng thành, đã có cháu chắt, bà vẫn luôn nhắc nhở con cháu mình phải cố gắng học tập để trở thành người có ích cho xã hội''.

Nhớ lời bà, thấu hiểu tấm lòng cha mẹ, Chiêm luôn cố gắng học tập và giúp đỡ gia đình. Là con gái nhưng Chiêm không nề hà học cày, học cấy, gặt lúa làm nương.

Chiêm được mọi người quen gọi với cái tên ''cô bé bán giá đỗ'' cũng là do cứ mỗi khi hè về hay những ngày nghỉ, Chiêm thường giúp mẹ bán giá đỗ ở chợ. Hàng ngày, ngồi ở chợ, ''cháu thấy gia đình mình dẫu khó khăn, song vẫn còn may mắn hơn nhiều người, điều đó thúc giục cháu phải cố gắng hơn''. Dạo cấp 1, cấp 2, Chiêm học ở các ngôi trường trong bản đều đạt học sinh giỏi và khá. Lên cấp 3 thi đỗ hai trường THPT là trường Dân tộc nội trú tỉnh và trường chuyên Lê Quý Đôn. Quyết định học chuyên Văn tại trường chuyên Lê Quý Đôn, nhớ lại ngày đầu vào trường, Chiêm tâm sự: ''Mỗi ngày đạp xe 4 km đến trường cùng biết bao ấp ủ và những lo lắng vì cháu không được tự tin như các bạn. Nhưng học Văn không biết đã trở thành niềm đam mê thích thú của cháu từ khi nào. Rồi nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, và đặc biệt cứ mỗi khi nghĩ đến hình ảnh mẹ cháu đang tần tảo giữa chợ để cho cháu học tập, cháu lại cố gắng để học tập''.

Học sinh giỏi quốc gia và ước mơ sinh viên làng báo

Lò Thị Chiêm đạt giải thưởng học sinh giỏi quốc gia môn Văn - Tin vui ấy tựa như hương rừng thơm ngát trong chốc lát lan ra, rộng khắp miền biên giới Lai Châu. Đạt giải Ba HSGQG đã giúp cháu đỗ được ba trường đại học là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đại học Văn hóa Hà Nội. Ước mơ của cháu là trở thành nhà báo. Cháu chọn nghề báo bởi cháu mong muốn sau này khi bước chân vào nghề cháu sẽ có cơ hội nói lên được những cái hay cái đẹp của quê hương, dân tộc mình và cũng có điều kiện chỉ ra những điều sai trái và lắng nghe những trăn trở bức xúc của người dân.

Trong niềm vui ấy, Lò Thị Chiêm vẫn canh cánh khi những khoản tiền ăn, tiền học đang là vấn đề không nhỏ đối với một gia đình dân tộc Giấy ở tận Lai Châu, Chiêm thủ thỉ: ''Cháu nghĩ mình sẽ kiếm một công việc bán thời gian chẳng hạn để đỡ một phần cho gia đình. Cháu biết, nuôi được cháu ăn học hết THPT gia đình cũng kiệt quệ lắm rồi, lại còn em trai cháu nữa. Hiện tại, cháu vẫn còn nhiều bỡ ngỡ khi bước vào bậc đại học về đường sá đi lại tại Hà Nội, nhịp sống ở đây quá gấp gáp đôi khi khiến cháu cảm thấy rất căng thẳng và với những người bạn mới, cách học mới, học theo tín chỉ thì còn lạ lẫm cùng những khó khăn khi tiếp cận các trang thiết bị hiện đại phục vụ ngành học như máy tính, máy quay, máy ảnh... và đặc biệt trình độ tiếng Anh cháu còn kém... nhưng cháu nghĩ đại học là tự học rồi cháu sẽ cố gắng hòa nhập, khắc phục và không ngừng hoàn thiện bản thân và hiện thực hóa được ước mơ của mình''.

Một mùa xuân nữa lại tới khi những nhánh hoa ban đã trổ lộc biếc, đào rừng chúm chím, mận lê hé nụ. Cùng với các dân tộc khác, dân tộc Giấy của Chiêm cùng góp những tà áo, vành khăn, những khúc hát ''vươn'', điệu nhạc Pí Kẻo, và những điệu múa duyên dáng đắm say vào những mùa lễ hội góp nên một mùa xuân rực rỡ.

Phan Lương