Cậu học trò nghịch ngợm trở lại trường cũ tri ân thầy cô

(Dân trí) - Cậu học trò trường báo - Nhà báo Vũ Minh Tiến xúc động hồi nhớ lại ký ức quậy phá nhưng nhờ tinh thần hết mình vì học trò của thầy Giá đã cảm hóa được anh.

Tâm sự trong chương trình “Mãi mãi tri ân” nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền tối ngày 17/11, Nhà báo Vũ Minh Tiến kể lại cậu chuyện với người thầy của mình là PGS.TS Ngô Văn Giá khiến cả hội trường bật cười về những trò tinh nghịch của anh và các bạn trong lớp.

Khoảng thời gian sinh viên năm thứ nhất, trong tiết học Văn hóa Việt Nam do PGS. Ngô Văn Giá giảng dạy, theo nhận xét của Nhà báo Minh Tiến do thầy Giá dạy quá nhiệt tình, truyền cảm, cả lớp im phăng phắc nghe thầy giảng , đôi khi thầy chìm đắm trong tiết giảng không để ý tới sinh viên dưới lớp.

Thấy vậy, Tiến và bạn bè đã nghĩ ra cách dùng một vật phát ra tiếng kêu lách tách hòng trêu tức thầy và phá vỡ không gian yên tĩnh của lớp học.

 

Cậu học trò nghịch ngợm trở lại trường cũ tri ân thầy cô - 1

Câu chuyện tình thầy trò của Nhà báo Minh Tiến khiến cả hội trường bật cười.

Mỗi lần thầy Giá giảng bài đến đoạn hay thì cả nhóm bấm kêu tách tách, nhiều lần như vậy khiến thầy tỏ ra khó chịu vì tiếng động lạ. Đôi khi thấy thương thầy nên cả nhóm dừng lại “tha” cho thầy. Biết trò trêu mình nhưng thầy Giá “nín nhịn”, phớt lờ tiếp tục giảng.

Nghe câu chuyện này, thầy Giá bật cười và bất ngờ với cậu học trò cũ. Thầy Giá cho biết, khi đã đứng trên bục giảng mình không còn tâm trí đâu để nghĩ thứ khác, nên cứ hết mình với bài giảng, cho đến khi nghe câu chuyện này, mới nhớ ra kỉ niệm ấy.

“Được các em nhớ những kỷ niệm nhỏ này quả là tuyệt vời. Có người nói với tôi khi lên lớp mới hiểu được tình cảm của người thầy. Hình như trong cuộc đời cảm thông là quá ư quan trọng, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ thì mới hiểu được” – thầy Giá xúc động chia sẻ với sinh viên.

Cũng tại buổi giao lưu, một câu chuyện khác, kỉ niệm khó quên giữa cô Lê Thị Chính – Hiệu trưởng trường quốc tế Newton và học trò của mình. Bởi chính cô đã làm thay đổi cuộc đời cho nhiều học sinh miền núi trường chuyên Tuyên Quang.

Cậu học trò nghịch ngợm trở lại trường cũ tri ân thầy cô - 2

Câu chuyện cảm động về tình cô trò của anh Hà Văn Kiệm (ngồi giữa).

Gặp lại cô giáo trong chương trình, anh Hà Văn Kiệm xúc động kể lại: “Năm 1990, cô giáo Chính đã đưa một số học sinh giỏi trường chuyên ở tỉnh Tuyên Quang về thăm quan Hà Nội. Chính chuyến đi thăm quan này đã làm anh quyết tâm học thật giỏi để được về Hà Nội học”.

Không chỉ vậy, anh Hà Văn Kiệm cho biết, hiện nay, tại Hà Nội người con trai của mình cũng đang được học cô - “Tôi vui và bất ngờ lắm. Đây quả thực là mối lương duyên, có ý nghĩa đặc biệt với tôi” – anh Kiệm chia sẻ.

Nói đến đây, những kiỷ niệm như ùa về đối với ba cô trò, những giọt nước mắt hồi tưởng cái kỉ niệm “khó quên trong đời” lăn dài trên gò má cô Chính.

“Một sự khác biệt rất lớn khi tôi dạy qua nhiều thế hệ. Ngày đó, khi dạy Kiệm ở trường chuyên Tuyên Quang, đây là vùng ATK, lớp chỉ có gần 20 học sinh được đi thăm quan. Thương trò, tôi cố gắng vận động các tổ chức đưa 50 học sinh, giáo viên xuống Hà Nội thăm quan. Tôi không ngờ, chuyến thăm đó đã để lại nhiều ấn tượng với các em” – cô Chính tâm sự.

Nhiều nội dung trong buổi giao lưu “Mãi mãi tri ân” của những cậu/cô học trò với thầy cô giáo đã để lại nhiều tình cảm với những người tham dự chương trình. Điều đáng trân trọng nhất của buổi giao lưu là, cho dù có đi đâu, về đâu, học trò vẫn luôn hướng về người thầy của mình.

 

Cậu học trò nghịch ngợm trở lại trường cũ tri ân thầy cô - 3

Nhiều tiết mục văn nghệ bày tỏ sự tri ân của sinh viên đối với các thầy cô.

Chương trình “Mãi mãi tri ân” do Học viện Báo chí &Tuyên truyền kết hợp với 10 trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội phối hợp tổ chức, Tổng công ty cổ phần bia rượu và nước giải khát Hà Nội (Habeco) là nhà tài trợ. Chương trình nhằm tri ân các thầy cô giáo, cùng hồi tưởng, cảm nhận về những người lái đò thầm lặng để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo – vốn quý nhất của dân tộc Việt Nam, lòng tôn kính, tri ân các thầy cô.

Đức Hướng

 

 

 

 

.