Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ thay đổi các khuôn mẫu truyền thống để xây dựng Xã hội học tập

(Dân trí) - Ngày 13/9,  Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam đã có buổi làm việc về triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW. Nguyên Phó Chủ tịch nước GS Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ thay đổi các khuôn mẫu truyền thống để xây dựng Xã hội học tập - 1

Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam về triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW

Phải có chính sách mở để tháo bỏ các rào cản học tập suốt đời của người lớn

Báo cáo tại buổi làm việc, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã đưa ra 11 vấn đề liên quan đến Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai tiếp tục trong thời gian tới.

GS Dong cho rằng, khi Hội Khuyến học  tổng kết 10 năm đưa nội dung Chỉ thị 11 – CT/TW vào cuộc sống, không ít người, kể cả một số đồng chí trong cấp ủy và chính quyền cũng như trong các Bộ, ban, ngành chưa nghiên cứu quán triệt Chỉ thị 11 – CT/TW, vì thế, việc đầu tiên là phải tổ chức quán triệt không chỉ Kết luận 49 – KL/TW mà còn cả Chỉ thị 11 – CT/TW xuống tận cơ sở. 

Bên cạnh đó, Ban Bí thư yêu cầu phải có những mô hình học tập mới. Đó là mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập”. “Thành phố học tập”.  Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công nhận 3 danh hiệu này nhưng còn nhiều nội dung cần phải chỉnh sửa.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ thay đổi các khuôn mẫu truyền thống để xây dựng Xã hội học tập - 2

GS.TS Phạm Tất Dong

Một trong những vấn đề quan trọng mà GS Dong nhấn mạnh, kết luận số 49-KL/TW khẳng định, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trên các lĩnh vực kinh tế xã hội nhằm đổi mới công nghệ, sáng tạo trong điều kiện phát triển kinh tế số, phát huy tinh thần khởi nghiệp…

"Đây thuộc về lĩnh vực giáo dục người lớn, do đó phải có sự chỉ đạo của Chính phủ trong các công việc như: Xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên mở với những chính sách mở để tháo bỏ các rào cản học tập suốt đời của người lớn" - GS Dong nói.

Theo đó, xây dựng cơ chế và những chính sách để người lao động tiếp cận với nguồn tài nguyên giáo dục mở, chế độ học tập nơi làm việc, các phương tiện học tập từ xa, học tập điện tử, học tập trực tuyến…

Đặc biệt, rất cần phải xây dựng và phát triển các trường đại học mở, phát triển tính Mở của các trường đại học cũng như các trường học các cấp trên cơ sở chuyển mạnh mô hình giáo dục khép kín hiện nay sang mô hình giáo dục mở nhằm tạo ra hệ thống giáo dục chia sẻ, giáo dục hợp tác, giáo dục thời đại kinh tế số…

Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh 3 vấn đề trọng tâm đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp đẩy mạnh triển khai gồm: Phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên; các mô hình học tập (công dân học tập, đơn vị học tập, thành phố học tập) và tổ chức Hội Khuyến học; nguồn học liệu để phục vụ cho học tập thường xuyên, nguồn tài nguyên giáo dục mở.

Nâng cao nhận thức cho các trường đại học về xây dựng Xã hội học tập

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhất trí và đồng ý với ý kiến của Chủ tịch Doan và GS Dong. "Bộ GD&ĐT có trách nhiệm tiếp tục xây dựng kế hoạch nội dung đưa vào hoạt động giữa Bộ và Hội, mặc dù còn nhiều nhiệm vụ trước đây chưa làm được".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tầm quan trọng của hệ thống giáo dục hỗ trợ học tập suốt đời, trong đó có việc tái cơ cấu hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm học tập cộng đồng, thay đổi các khuôn mẫu truyền thống để xây dựng Xã hội học tập đã được ngành giáo dục đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 do Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức chiều 12/9.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ thay đổi các khuôn mẫu truyền thống để xây dựng Xã hội học tập - 3

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Theo Bộ trưởng Nhạ, Luật Giáo dục 2019 đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ: Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.

Trong đó, có nêu rõ, mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên; chương trình, hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục thường xuyên; đánh giá, công nhận kết quả học tập; chính sách phát triển giáo dục thường xuyên. Đây là bước tiến rõ nét, điểm mốc để toàn xã hội nhận thức rõ hơn với giáo dục thường xuyên.

"Để củng cố và phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên, Chính phủ cần có sự chỉ đạo để các địa phương, bộ ngành có sự phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, tránh chồng chéo, cũng như các “khoảng trống” trong công tác quản lý" - Bộ trưởng Nhạ nói.

Về xây dựng tiêu chí “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập”. “Thành phố học tập”, Bộ trưởng Nhạ cho hay, đây là vấn đề của toàn quốc nên Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành quyết định để các địa phương thực hiện.

Về phát triển tổ chức Hội Khuyến học, Bộ trưởng Nhạ cho biết, xét về phạm vi, đối tượng với ngành giáo dục, chúng tôi chịu trách nhiệm triển khai một cách chủ động, trước hết là tới các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học phát triển tổ chức Hội.

Theo đó, sẽ có nhiều hình thức để các trường đại học nâng cao nhận thức, thấy được đây là quyền lợi, là trách nhiệm của mình.  Tiếp tục thực hiện việc mở rộng mạng lưới học tập, thường xuyên suốt đời ở các trường đại học.

Về nguồn học liệu để phục vụ cho học tập thường xuyên, theo Bộ trưởng Nhạ, bộ đã chủ động tham gia xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa. Các tài liệu từ mầm non cho đến  đại học đã được biên tập đưa lên mạng để mọi người dân có thể truy cập, trong đó các trường đại học phải là nòng cốt. Đồng thời, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng học liệu mà vấn đề người dân quan tâm.  

“Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học triển khai xây dựng học liệu tài nguyên giáo dục mở, trong thời gian sớm nhất” – Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ thay đổi các khuôn mẫu truyền thống để xây dựng Xã hội học tập - 4

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Nhất trí với các giải pháp mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra, GS Nguyễn Thị Doan mong muốn, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo để ra chiến lược phát triển giáo dục thường xuyên trong thời gian tới; có công văn yêu cầu các trường ĐH xây dựng tài nguyên giáo dục mở và lộ trình thực hiện trên tất cả các phương diện. 

“Lần đầu tiên có được sự quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề Giáo dục thường xuyên, về xây dựng Xã hội học tập. Đó là dấu hiệu hết sức tích cực và nhiệt tâm của Bộ trưởng” – GS Doan bày tỏ.

Sau buổi làm việc, 2 bên thống nhất sẽ tham mưu Chính phủ để có Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hồng Hạnh