GS.TS. Phạm Tất Dong: Phải dạy nghề theo đúng tinh thần xã hội học tập

(Dân trí) - Hội Khuyến học Việt Nam và Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa phối hợp tổ chức hội thảo Chủ trương, chính sách, chế độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020 tại TP.HCM với sự tham gia đông đủ lãnh đạo các Hội Khuyến học trên cả nước.

Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhìn nhận: “Phải làm sao để mỗi công dân là mỗi lao động có nghề, tức là làm sao để nhân lực tại chỗ có chất lượng để xây dựng nông thôn mới. Nếu như không có nông thôn mới thì chúng ta sẽ khó chỉnh trang việc đô thị hoá các vùng nông thôn. Nhưng cũng phải lưu ý rằng, trung tâm học tập cộng đồng là thiết chế giáo dục không chính quy tại cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng cho nên việc dạy nghề tại các trung tâm này phải gắn với cộng đồng”.


GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tổng kết hội thảo.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tổng kết hội thảo.

GS.TS. Phạm Tất Dong cho rằng: “Xã hội hiện đại hiện nay có những đặc điểm để thấy phải dạy nghề theo đúng tinh thần xã hội học tập. Một là công nghệ mới thay đổi vòng đời rất nhanh. Trước đây một công nghệ mới ra đời thì phải dăm vài chục năm mới thay đổi vòng đời thế nhưng bây giờ một công nghệ mới thay đổi quá nhanh. Tôi lấy ví dụ từ khi xuất hiện điện thoại thông minh cho đến nay chỉ độ chục năm nhưng mẫu mã, chức năng thay đổi quá nhiều. Cứ vài năm lại ra đời một chiếc điện thoại mẫu mới chứng tỏ công nghệ luôn thay đổi, kỹ thuật được rút ngắn chu kỳ của nó lại cho nên nghề nghiệp cũng thay đổi liên tục. Vì vậy, học xong nghề rồi nhưng vẫn phải học suốt đời là vậy.

Tôi cũng nhất trí với quan điểm học nghề phải gắn với việc làm, nếu không thì học xong sẽ bị thất nghiệp và sau khi có việc làm thì phải tiếp tục học ở nơi làm việc. Theo tôi phần lý thuyết của xã hội học tập phải nêu thêm rằng “học vì việc làm và học ở nơi làm việc” đó là một trong những yêu cầu đặt ra. Chúng ta học để làm cho công việc và tri thức, kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn nhưng đồng thời nếu như nghề ấy không còn tồn tại, hay thay đổi thì chúng ta phải tiếp tục học để đổi được nghề”.

Đông đảo lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh tham dự ban hướng đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn đến năm 2020
Đông đảo lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh tham dự ban hướng đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn đến năm 2020

Đối tượng học nghề cũng rất đa dạng nên việc dạy nghề ở nông thôn cũng cần nhiều chương trình đáp ứng nhu cầu của sự đa dạng đó. Chính vì vậy, sau này lãnh đạo ở các trung tâm học tập cộng đồng phải rất năng động mới đáp ứng yêu cầu ở nông thôn được. Cũng phải chú ý trong xu thế già hoá dân số, nhiều người lớn tuổi cũng đòi đi học để kiếm thu nhập, hoặc vì niềm vui và thích phát triển những năng lực mà học có từ lâu.

Đối với việc đào tạo nghề theo hướng nào, GS. Phạm Tất Dong cho rằng trước hết các địa phương phải chú ý đến chiến lược phát triển kinh tế của địa phương đó để xác định các ngành nghề sẽ dạy. Đồng thời, phải dựa theo vùng nguyên liệu để xác định nghề. Tuy nhiên, dạy nghề ở nông thôn cũng phải chú ý đến hướng nghiệp. “Lâu nay chúng ta nhắc đến hướng nghiệp thì cứ nghĩ dành cho giới trẻ, tuy nhiên tôi nghĩ người lớn cũng rất cần hướng nghiệp. Để làm được điều đó thì người phụ trách kinh tế ở địa phương phải trình bày cho người dân biết các công việc nghề ở nông thôn nên như thế nào để người lao động mới biết được”, ông Phạm Tất Dong chia sẻ.

Cũng theo GS. Dong, các trung tâm học tập cộng đồng muốn dạy nghề thì phải lấy người ở các trường ĐH, CĐ dạy giúp, còn đối với những kiến thức phổ thông thì có thể chỉ cần giáo viên cấp 2, 3.

Chia sẻ với các đại biểu, ông Dong cho rằng Hội Khuyến học các địa phương đừng quá lo lắng và ôm đồm vội, nếu xem kỹ các nhiệm vụ trong Quyết định 971 của Chính phủ thì trước mắt năm 2018 làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đến 2019 triển khai tiếp các nhiệm vụ tiếp theo. Lực lượng khuyến học địa phương hiện rất mỏng nên không nên làm vội mà phải có sự liên kết.

Tại hội thảo, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên thuộc Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết kết quả thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 7 năm từ 2010-2016 có nhiều khả quan. Cụ thể, đến nay có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, số người có việc làm mới hoặc thực hiện nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80%. Đồng thời, nhận thức của người dân về học nghề có chuyển biến căn bản, người học tham gia học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để tìm được việc có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết vẫn còn hạn chế khi thực hiện đề án, hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho vài cơ sở chưa đạt kết quả như mong muốn.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên thuộc Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) báo cáo tại hội thảo​.
Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên thuộc Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) báo cáo tại hội thảo​.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đến từ các hội khuyến học toàn quốc đã thảo luận các nội dung để mang lại hiệu quả cao như công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về đào tạo nghề cho lao động nôn thôn; Tham mưu, tư vấn, điều tra khảo sát nhu cầu học nghề để tiến hành xây dựng kế hoạch; Tổ chức các hoạt động đào tạo, huấn luyện chuyển nghề, chuyển giao công nghệ đặc biệt là những nghề truyền thống ở nông thôn tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều đề xuất cũng được các đại biểu nêu lên như nhà nước có chính sách, chế độ cơ chế quản lý tạo điều kiện cho Hội Khuyến học chủ lực triển khai đề án này. Hàng năm nhà nước nên có kế hoạch làm sao kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để hội khuyến học hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất hàng năm nhà nước phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện cho các cán bộ khuyến học cơ sở thực hiện nhiệm vụ được đưa ra. Đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm học tập cộng đồng hiện nay. Nâng cao vai trò của Hội Khuyến học trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng kết rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình dạy nghề ở 5 lĩnh vực…

Được biết, từ các nội dung được đại biểu nêu ra tại hội thảo, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tổng kết và phối hợp với Tổng cục dạy nghề xây dựng văn bản chỉ rõ vai trò của Hội Khuyến học tham gia vào lĩnh vực dạy nghề cho lao động nông thôn từ năm 2018-2020 sẽ như thế nào.

Quyết định 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” có sửa đổi đã giao nhiệm vụ cho Hội Khuyến học Việt Nam. Trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề gắn với xây dựng các mô hình học tập vào các nội dung phù hợp của Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Đồng thời, tham gia tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm