Xây dựng xã hội học tập cần “trách nhiệm” của cả cộng đồng
(Dân trí) - “Sức mạnh của Hội Khuyến học thực sự chỉ có khi chúng ta hình thành được “mặt trận khuyến học” ở mỗi cấp, mọi nơi, lôi cuốn được mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng xã hội học tập…”, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Hội Khuyến học với các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Khuyến học lan tỏa trong nhiều sở, ngành
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp với nhiều đơn vị, tính đến nay toàn tỉnh có 312.058 hội viên (đạt tỷ lệ trên 34,9% so với dân số), xây dựng được 1.407 Chi hội, 147.156 Gia đình học tập, 1.503 Dòng họ học tập, 56 Cộng đồng học tập cấp xã, 494 Cộng đồng học tập thuộc cấp xã quản lý, 480 Đơn vị học tập, 64 Trung tâm học tập cộng đồng,…
Hội Khuyến học tỉnh đã ký kết phối hợp với Sở Giáo dục, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tỉnh đoàn, Liên đoàn lao động, Hội người cao tuổi, Sở Văn hóa, Sở Lao động,… để phát huy thế mạnh riêng của từng ngành trong việc thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập.
Sở Giáo dục tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các đơn vị trường học phát động phong trào nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học trong từng gia đình, học sinh và trong nhà trường. Qua đó, động viên, khuyến khích các em học sinh cố gắng học tập, nhắc nhở các bậc cha mẹ quan tâm, tạo mọi điều kiện để con em được học hành đầy đủ.
Còn Sở Văn hóa đã phối hợp tốt với Hội Khuyến học trong việc đánh giá, công nhận danh hiệu “Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập”, kết hợp với việc đánh giá, công nhận “Gia đình văn hóa, Ấp khóm văn hóa, Cơ quan đơn vị, trường học văn hóa, Xã văn hóa nông thôn mới, Phường, thị trấn văn minh đô thị”,…
Trong khi đó, Hội Người cao tuổi đã phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng” về học hỏi thường xuyên, học tập suốt đời để con cháu noi theo, nhất là xây dựng gia đình người cao tuổi đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Thông qua các mô hình hoạt động như Câu lạc bộ “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, đã tạo nên không khí sôi nổi, góp phần không nhỏ vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Theo Hội Cựu chiến binh tỉnh Bạc Liêu, Hội thường xuyên vận động cán bộ và hội viên tích cực nghiên cứu, khắc phục khó khăn để học tập thường xuyên, tiếp cận những thông tin bổ ích, góp phần nâng cao nhận thức, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng. Trong 3 năm qua, Hội cũng đã giáo dục cho trên 32.000 lượt đoàn viên, thanh niên về truyền thống yêu nước, nuôi dưỡng hoài bảo, cố gắng học hành để cống hiến ngày càng nhiều cho xã hội.
Trong thời gian qua, Tỉnh Đoàn Bạc Liêu luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học, xem xét hỗ trợ cho hàng trăm sinh viên Bạc Liêu có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường Cao đẳng, Đại học trên cả nước có thêm điều kiện tiếp bước đến trường.
Hình thành “mặt trận khuyến học”
Qua công tác phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, theo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, các đơn vị đã có nhiều cách làm hay với nhiều hình thức tuyên truyền gắn với nhiệm vụ hàng năm của đơn vị, từ đó nhận thức của cán bộ, hội viên về học tập thường xuyên, học tập suốt đời được nâng lên rõ nét, nhất là nhận thức về xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, tạo nền tảng cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, việc liên kết, phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ; một vài đơn vị vẫn còn thờ ơ, chưa "mặn mà" với công tác khuyến học; công tác tuyên truyền về xây dựng các mô hình học tập từng lúc từng nơi chưa sâu, còn mang tính thời vụ; trong khi nhận thức của một số cán bộ, hội viên về xây dựng xã hội học tập chưa đầy đủ;…
Ông Nguyễn Kiên Nhẫn - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi sơ kết.
Ông Nguyễn Kiên Nhẫn - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho rằng, những hoạt động thiết thực, sinh động, hiệu quả của các đơn vị là những đóng góp vô cùng quý báu, giúp Hội Khuyến học nhận diện ra được tầm quan trọng của việc thực hiện công tác liên kết, phối hợp tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Theo ông Nguyễn Kiên Nhẫn, sức mạnh của Hội Khuyến học thực sự chỉ có khi chúng ta hình thành được “mặt trận khuyến học” ở mỗi cấp, mọi nơi. Phong trào khuyến học phải lôi cuốn được mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức, mọi ngành, đoàn thể trên địa bàn để triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng xã hội học tập gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị,..., Việc lồng ghép phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng với các cuộc vận động của các tổ chức đoàn thể chính là nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh làm công tác khuyến học to lớn của toàn Đảng, toàn dân.
“Để thực hiện các mục tiêu học tập suốt đời nhằm xây dựng xã hội học tập, ngoài sự nỗ lực của Hội Khuyến học các cấp, cần có sự cam kết chính trị của các cấp lãnh đạo, đặc biệt có sự tham gia vào cuộc của tất cả ban, ngành, đoàn thể, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các gia đình, dòng họ và cộng đồng. Hội Khuyến học mong được sự cùng tham gia, cùng có trách nhiệm chứ không phải chỉ là sự ủng hộ, hỗ trợ đơn thuần”, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Huỳnh Hải