Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mục tiêu là “lấp trũng” cho giáo dục ĐBSCL

(Dân trí) - “Đề nghị các địa phương tăng tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục, đặc biệt chi đầu tư phát triển trường, lớp, thiết bị, tăng cho mầm non. Mục tiêu trước mắt là hoàn thành "lấp trũng", sau đó sẽ dần "vun cao" cho giáo dục đồng bằng sông Cửu Long”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Ngày 25/5, Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục Mầm non, phổ thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mục tiêu là “lấp trũng” cho giáo dục ĐBSCL - 1

Hội nghị bàn về giáo dục vùng ĐBSCL diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 25/5.

Nhiều địa phương “than” còn lắm khó khăn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vùng ĐBSCL trù phú, điều kiện thiên nhiên tốt, là một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế trọng điểm. Mặc dù có sự cố gắng trong phát triển kinh tế, quan tâm tới các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục đào tạo, tuy nhiên giáo dục ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, đây vẫn là “vùng trũng” về giáo dục đào tạo.

Theo Bộ trưởng Nhạ, vấn đề đặt ra là phải nâng “trũng” cho giáo dục ĐBSCL, cần phân tích kỹ, thấu đáo, đâu là nút thắt do khách quan, đâu là do chủ quan. Nếu không quyết tâm hóa giải những hạn chế của giáo dục thì khoảng cách giữa điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp nguồn nhân lực sẽ ngày càng xa. Chúng ta cần bàn tương lai cho giáo dục ĐBSCL trong 5-10 năm tới.

Qua thực tiễn quản lý và đánh giá khảo sát, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc phát triển giáo dục của ĐBSCL còn nhiều hạn chế, như: Chi ngân sách giáo dục của ĐBSCL thấp nhất cả nước, thấp hơn cả những vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên; cơ cấu chi bất hợp lý, mầm non ít, bậc phổ thông, đặc biệt là trung học tốt hơn;...

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Long An đề xuất, khi sắp xếp các trường thì cần gắn liền với phát triển nông thôn mới. Đặc thù vùng ĐBCSL là sông ngòi chằng chịt, nếu hạ tầng giao thông phát triển sẽ hạn chế được điểm lẻ.

Ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, với tỷ lệ huy động nhà trẻ hơn 30% thì ĐBSCL khó đạt (huy động trẻ nhà trẻ 9,6%, trẻ mẫu giáo ra lớp 8,2%), vì vậy cần phân bổ phù hợp cho vùng miền.

Còn ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, về tinh giản biên chế, không nên tinh giản cơ học (giảm 10%). Để nâng cao chất lượng giáo dục, tuyển đủ GV Mầm non cần có chính sách, chế độ riêng cho Mầm non, trong đó có chính sách đầu vào và đầu ra để thu hút sinh viên học Mầm non.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá lại toàn diện ĐBSCL. Khu vực này có 13 tỉnh, thành nhưng chỉ có 2-3 tỉnh tự chủ ngân sách, còn lại các tỉnh (trong đó có An Giang) là cần sự trợ giúp Trung ương. Theo ông Bình, nên tách giáo dục đào tạo có đề án riêng, không nằm trong đề án của ngành Nội vụ. Ông Bình cũng đồng tình việc sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm. 

Còn đại diện tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cần ưu tiên cho giáo dục ĐBSCL, giao biên chế GV Mầm non theo định mức sẽ không còn khó nữa. Những GV lâu năm có nguyện vọng nghỉ nên ưu tiên hỗ trợ.

Trong khi đó, theo đại diện tỉnh Kiên Giang, việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp tưởng như thuận lợi nhưng vùng này nông nghiệp lúa nước, gánh vựa lúa cả nước nên rất khó khăn. Kênh rạch giao thông chằng chịt, quy mô trường, lớp lớn nhưng học sinh phân tán nhiều nơi. Do vậy, khi bố trí đầu tư nên có cơ chế đặc thù cho vùng này.

Theo báo cáo, hiện các tỉnh ĐBSCL có 2.029 trường Mầm non (trong đó 1.816 trường công lập, ngoài công lập là 213 trường); tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,82 (cả nước là 0,96); quy mô trung bình của một cơ sở giáo dục (CSGD) Mầm non là 11,3 nhóm, lớp/trường (cả nước là 12,8).

Tổng số trường Tiểu học là 3.101 trường (trong đó, công lập là 2.947 trường, ngoài công lập là 154 trường); tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,89 (cả nước là 0,93); quy mô trung bình của một trường Tiểu học là 17,9 lớp/trường (cả nước là 18,7).

ĐBSCL hiện có 117 trường phổ thông có nhiều cấp học (chủ yếu là Tiểu học và THSC), số trường công lập là 103, ngoài công lập là 14 trường; tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,65; quy mô trung bình là 25,6 lớp/trường. 

Theo thống kê, ĐBSCL cần giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các bậc học và các địa phương. Đối với giáo dục Mầm non hiện còn thiếu 11.637 giáo viên; Tiểu học thiếu 2.583 GV, thừa 1.686 GV; THCS thiếu 2.157 GV, thừa 1.073 GV; THPT thiếu 401 GV, thừa 3.579 GV. Tỷ lệ huy động trẻ Mầm non đến trường hiện đạt 53,2%. Số lượng học sinh Tiểu học bỏ học chiếm 55,1% số lượng cả nước. Tỷ lệ học sinh chuyển từ Tiểu học lên THCS đạt 97,5 %, thấp hơn bình quân chung cả nước 1,5%.

Không phải nhìn nhau để phát triển

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, mặc dù ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” về giáo dục đào tạo so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng so với 5 năm trước thì giáo dục ĐBSCL đã có bước tiến đáng ghi nhận.

Qua hội nghị này, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp các ý kiến để làm việc với các Bộ, ngành liên quan, chọn những đề xuất cấp bách, có tính đặc thù, khả thi dựa trên những luận cứ thuyết phục, trước khi tham mưu cho Chính phủ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mục tiêu là “lấp trũng” cho giáo dục ĐBSCL - 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp tục rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định sát với thực tế cho vùng ĐBSCL.

Hiện nay, Bộ đang xây dựng bộ chỉ số đánh giá giáo dục các địa phương, qua đó nhìn nhận chất lượng giáo dục của từng địa phương, từng vùng, từ đó biết đâu là “vùng trũng” và trách nhiệm đến đâu của từng Bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Nhạ khẳng định: “Không thể giải quyết những vấn đề của giáo dục bằng những chủ trương chung chung mà cần tính đến đặc thù của từng địa phương, để mỗi địa phương chủ động vươn lên chứ không phải nhìn nhau để phát triển”.

Đối với các địa phương, theo Bộ trưởng Nhạ, Bộ chịu trách nhiệm chuyên môn chứ không quyết định tuyển bao nhiêu, vì vậy, các địa phương cần chủ động rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Bộ đã ban hành. Căn cứ tinh thần Nghị quyết 29, Nghị quyết 18, 19, các địa phương triển khai sắp xếp cơ sở trường, lớp, xây dựng đề án quy hoạch giai đoạn tới.

Trong quá trình xây dựng đề án, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ GD&ĐT để đề án vừa bám sát thực tiễn, vừa bám sát các quy định về quản lý nhà nước. Các địa phương cần lưu ý tới chất lượng, tính thiết thực và hiệu quả khi xây dựng đề án quy hoạch sắp xếp trường, lớp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, tránh tính trạng giao khoán cho ngành giáo dục và quá trình thực hiện phải có lộ trình, bước đi, tăng cường giám sát, làm rõ trách nhiệm đâu là của Bộ, ngành, đâu là của địa phương.

Với đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ phục vụ thì kiên quyết tinh gọn. Cấp Phòng hiện định biên ít nhưng đối tượng quản lý nhiều. Đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm biên chế Phòng GD&ĐT, năng lực của đội ngũ.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thực tế hiện nay chi cho giáo dục trong tổng chi ngân sách của ĐBSCL thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. “Do đó, đề nghị các địa phương tăng tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục, đặc biệt chi đầu tư phát triển trường, lớp, thiết bị, tăng cho mầm non.

Cố gắng tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, cố gắng chống tái mù, nâng tỷ lệ người biết chữ, phổ cập, ổn định phổ cập. Mục tiêu trước mắt là hoàn thành "lấp trũng", sau đó sẽ dần "vun cao" cho giáo dục ĐBSCL”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Phạm Trang