Bao giờ có cơ chế để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào trường đại học?

(Dân trí) - Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho hoạt động Khoa học công nghệ nói chung. Tuy nhiên, chưa có cơ chế để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào trường đại học, sự phối hợp hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế cụ thể. Sự đầu tư của Nhà nước còn đứt quãng, chưa dẫn dắt thị trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến cho biết như vậy tại “Tọa đàm Phát triển Khoa học Công nghệ thông qua kết nối với doanh nghiệp” do ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức nhân kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5).

Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, các sản phẩm Khoa học công nghệ (KHCN) của ĐHQGHN ngày càng đa dạng và khẳng định được vị thế của mình, được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, sự phát triển KHCN của ĐHQGHN còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề kết nối với doanh nghiệp.

“Mục tiêu KHCN mà ĐHQGHN hướng tới là giải quyết các vấn đề thực tiễn nhưng các vấn đề này sẽ không được giải quyết tốt nếu không có sự kết nối, vào cuộc của doanh nghiệp” – Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.


Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề xung quanh mô hình hợp tác trường – viện – doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu đều cho rằng, mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp cần có định hướng, không dàn trải, đặc biệt ưu tiên các sản phẩm dẫn dắt thị trường.

Khái niệm doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp xanh không còn mới đối với các nước trên thế giới, nhưng mới chỉ manh nha xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Chính vì vậy, trường đại học đóng vai trò nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động KHCN. Đồng thời, trường đại học phải phát triển đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp, gắn kết nhà khoa học, các phòng thí nghiệm, các đơn vị với các doanh nghiệp, đối tác, cựu sinh viên, các quỹ đầu tư…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến cho rằng, Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho hoạt động KHCN nói chung. Tuy nhiên, chưa có cơ chế để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào trường đại học, sự phối hợp hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế cụ thể. Sự đầu tư của Nhà nước còn đứt quãng, chưa dẫn dắt thị trường.

Bên cạnh đó, phía đơn vị chủ trì (trường đại học) còn thiếu tính chủ động về việc hỗ trợ thông tin, tài chính (phần lớn do các nhà khoa học tự triển khai); thiếu cơ chế chính sách trong việc chuyển giao tri thức, cơ chế hình thành doanh nghiệp KHCN dựa trên gắn kết nhà khoa học với doanh nghiệp.

"Lấp những “lỗ hổng” này là nhiệm vụ cấp bách để mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động khoa học công nghệ thật sự là động lực phát triển kinh tế xã hội" - ông Tiến nhấn mạnh.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến

Phó Chủ nhiệm Phùng Đức Tiến đánh giá cao vai trò của KHCN với trường đại học và cần thiết kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ông cho rằng, với tiềm lực lớn về KHCN cùng sự quan tâm sát sao của Ban Giám đốc, ĐHQGHN có thể tận dụng thế mạnh này cho sự phát triển bền vững của mình.

Các định hướng ưu tiên phát triển và nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp của ĐHQGHN tập trung vào các nhóm sản phẩm: Sản xuất chế biến trong nông nghiệp công nghệ cao; Sản xuất dược phẩm; Sản xuất Nhiên liệu sinh học và ứng dụng công nghệ xử lý môi trường; Phát triển công nghệ giám sát và quan trắc hàng hải; Công nghệ thông tin, viễn thông trong tư vấn và quản trị…

Bên cạnh đó, ĐHQGHN hướng tới nhóm các sản phẩm chất lượng cao cho quốc gia và định hướng tương lai: Phát triển bền vững, Biến đổi khí hậu; Công nghệ gen và tin sinh; Năng lượng xanh; Internet kết nối vạn vật; Nông nghiệp công nghệ cao; Nhiên liệu sinh học; Sàn giao dịch vận tải…


Nghiên cứu tại khoa Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nghiên cứu tại khoa Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Được biết, năm 2017, ĐHQGHN đã công bố được 560 bài báo ISI/Scopus. Phát triển sản phẩm KH&CN hướng tới hỗ trợ khởi nghiệp đang có nhiều khởi sắc. Một số công nghệ đã phát triển được đến sản phẩm hoàn chỉnh: Viên hoàn giọt chứa tinh chất đan sâm, tam thất VNUBotimax; Trạm thu thông tin vệ tinh trên tàu biển; Hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi từ ảnh vệ tinh; Hệ thống CSDL tích hợp phục vụ phát triển vùng Tây bắc; Phát triển số hóa tri thức Việt…

Với quan điểm phát triển diện và điểm, lĩnh vực KHCN của ĐHQGHN đang được đầu tư một cách đồng bộ với hệ thống hơn 300 ngành/chuyên ngành đào tạo, phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có các hướng ưu tiên đáp ứng với xu thế phát triển của thế giới, với định hướng của quốc gia và thế mạnh của ĐHQGHN.

Các nhiệm vụ ưu tiên được thực hiện thông qua các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN gồm: Nghiên cứu Định vị và phát triển khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam; Nghiên cứu Kinh tế học vĩ mô và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam; Nghiên cứu Thích ứng với Biến đổi khí hậu; Nghiên cứu Tích hợp và phát triển bền vững các nguồn năng lượng tái tạo; Nghiên cứu và chế tạo các linh kiện micro-nano và mạch tích hợp ứng dụng trong các hệ thống đo lường, điều khiển, viễn thông và y tế…; Nghiên cứu khoa học tính toán tin – sinh – dược…; Chương trình KH&CN cấp nhà nước “Phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

Đến nay, ĐHQGHN có 27 nhóm nghiên cứu mạnh, 5 nhóm nghiên cứu tiềm năng, 10 phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm, là đầu mối triển khai các nhiệm vụ KHCN trọng điểm của ĐHQGHN đồng thời tham gia giải quyết các nhiệm vụ KHCN ưu tiên của đất nước, tạo ra các sản phẩm KHCN tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường năng lực hợp tác và hội nhập quốc tế.

Hồng Hạnh