Thanh Hoá:

Vụ đường dây làm bằng giả của cán bộ giáo dục: Đề nghị thành khẩn khai báo

Bình Minh

(Dân trí) - Liên quan đến việc cán bộ Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa trong đường dây làm chứng chỉ, bằng giả, Giám đốc Trung tâm cho biết đã yêu cầu những ai dính đến vụ việc trên đề nghị thành khẩn khai báo.

Trước đó, Lê Thị Liên (SN 1976), Đỗ Thị Giang (SN 1972) là hai cán bộ Trung tâm GDTX  tỉnh Thanh Hóa và Hoàng Thị Hường (SN 1976, là giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Thanh Hóa) cùng 12 đối tượng khác bị cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hóa bắt giữ để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Vụ đường dây làm bằng giả của cán bộ giáo dục: Đề nghị thành khẩn khai báo - 1

Theo điều tra ban đầu, Lê Thị Liên, Đỗ Thị Giang, Hoàng Thị Hường lấy danh nghĩa các trường đại học uy tín trong nước được đào tạo cấp các loại văn bằng, chứng chỉ đã câu kết xây dựng hệ thống cộng tác viên tại các huyện trên địa bàn tỉnh mở các lớp chứng chỉ tiếng anh các bậc B2, B3 tại Thanh Hóa để tuyển sinh và tổ chức các lớp thi chứng chỉ cho học viên có nhu cầu.

Vụ đường dây làm bằng giả của cán bộ giáo dục: Đề nghị thành khẩn khai báo - 2

3 cán bộ, giáo viên TTGDTX tỉnh và Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (từ trái qua) trong đường dây mua bán văn bằng, chứng chỉ giả.

Với thủ đoạn này, từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020, các đối tượng đã tổ chức 4 lớp với gần 600 học viên. Trong đó, mỗi hồ sơ học viên các đối tượng thu từ 3,5 đến 7 triệu đồng. Sau đó các đối tượng vẫn tổ chức ôn, thi để che giấu hành vi phạm tội của mình và móc nối với các đối tượng ở Hà Nội để làm và cấp chứng chỉ tiếng Anh giả cho các học viên. 

Chiều ngày 3/11, trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Phan Thắng, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã tổ chức hội nghị cơ quan, yêu cầu những ai có "dính" đến những người vừa bị bắt phải thành khẩn khai báo để tập hợp báo cáo công an, báo cáo Sở Giáo dục”.

Cũng theo ông Thắng, hiện Công an mới thông báo về việc tạm giữ người nên Trung tâm đang chờ quyết định khởi tố của cơ quan công an mới ra quyết định đình chỉ công tác các cán bộ này.

“Tất cả các hoạt động tổ chức ôn, thi của cô Liên và Giang không có hoạt động nào tổ chức tại trung tâm, họ tổ chức bên ngoài và có đường dây. Quá trình công tác, các cán bộ đều hoàn thành nhiệm vụ, không có biểu hiện gì. Trong các cuộc họp, tôi thường xuyên quán triệt, nhắc nhở sẽ đuổi việc bất cứ ai nhận tiền dù chỉ 100 nghìn đồng” - ông Thắng nói.

Theo thông tin từ Công an TP Thanh Hóa, sau thời gian theo dõi, ngày 29/10, Ban chuyên án đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ thuộc các đội nghiệp vụ Công an TP Thanh Hóa đồng loạt khám xét 8 điểm tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu giữ toàn bộ thiết bị máy móc, công cụ phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội gồm: 7 bộ máy vi tính, 1 Ipad, 2 máy in thẻ nhựa, 1 máy ép plastic, 25 thẻ ngân hàng cùng nhiều tài liệu văn bằng, chứng chỉ, học bạ, giấy phép lái xe và các loại phôi, mực in, con dấu giả.