Vai trò đại học trong thế kỷ 21: Bình đẳng, kết nối và chuyển đổi số

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Vai trò lãnh đạo của trường đại học trong thế kỷ 21 là chuyển đổi số, bình đẳng trong giáo dục, sự kết nối giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông…

Tại "Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học" lần thứ nhất do Đại học VinUni tổ chức trong 2 ngày 17 và 18/6, đại diện các trường đại học đã có buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, quan điểm về vai trò lãnh đạo của trường đại học trong thế kỷ 21.

Đa số các vị đại diện đều nhấn mạnh tới những nội dung quan trọng giúp thể hiện vai trò lãnh đạo của trường đại học như chuyển đổi số, bình đẳng trong giáo dục, sự kết nối giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông,…

Chuyển đổi số giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của trường đại học

Theo PGS.TS Nguyễn Danh Thảo, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, các trường đại học cần thực hiện chuyển đổi số để làm giàu thêm các nguồn lực, trước hết là nguồn lực thông tin. Việc chuyển đổi số có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của trường, nếu không thực hiện sẽ không theo kịp các nước khác, các trường khác. Quá trình chuyển đổi số cũng giúp trường đại học có sự linh động nhất định và có khả năng thích ứng với những thay đổi hiện nay.

Vai trò đại học trong thế kỷ 21: Bình đẳng, kết nối và chuyển đổi số - 1

PGS.TS Nguyễn Danh Thảo, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM (Ảnh: Nguyễn Liên).

"Ví dụ như thời gian vừa qua khi bùng phát dịch Covid-19, nếu không thực hiện chuyển đổi số, chúng ta không thể nào đáp ứng nhu cầu về đào tạo, nghiên cứu, hợp tác. Đặc biệt hiện nay trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ thì chuyển đổi số càng không thể thiếu", PGS Thảo nhấn mạnh.

Tại trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, ông Thảo cho biết, việc chuyển đổi số trước mắt tập trung vào quản trị nội bộ. Cụ thể, nếu như trước đây mọi công việc đều triển khai thông qua các văn bản, giấy tờ, các quyết định mang tính hành chính thì hiện nhà trường tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu "BK- Core".

"Tất cả thông tin đều được nhập vào cơ sở dữ liệu này, từ việc liên quan đến nguồn lực con người, công tác quản lý tài chính, đào tạo đến công tác nghiên cứu, các luận án, các thiết bị, cơ sở vật chất,… từng phòng ban, khoa trong trường sẽ tập hợp dữ liệu riêng, sau đó đổ về cơ sở dữ liệu chung.

Từ đó, chúng tôi bắt đầu chia sẻ cùng nhau và phân cấp rõ ràng: cấp trưởng phó khoa quản lý đến đâu; các thầy cô được vào những mảng dữ liệu nào. Cơ sở dữ liệu chung này rất thuận tiện khi cần có những đánh giá, nhận xét, đề xuất các phương án, đưa ra định hướng,…", PGS Thảo chia sẻ.

Đồng quan điểm về tầm quan trọng của chuyển đổi số, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nêu ý tưởng: thông qua chuyển đổi số để xây dựng mô hình có sự liên kết chặt chẽ giữa tất cả giảng viên trong trường đại học (có thể mở rộng ra khối đại học nói chung) với các doanh nghiệp tương ứng, tạo một hệ sinh thái giúp đào tạo hiệu quả hơn.

Vai trò đại học trong thế kỷ 21: Bình đẳng, kết nối và chuyển đổi số - 2
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Liên.

PGS Thắng bày tỏ, trong thời điểm hiện nay, để làm tốt công tác đào tạo và tránh lãng phí tiền của cho xã hội, rất cần sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà trường và doanh nghiệp.

"Như trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là trường kỹ thuật, trong giai đoạn từ năm 2021-2025, tầm nhìn 2030, khoa học kỹ thuật thay đổi rất nhanh dẫn đến kỹ năng, kiến thức của các ngành nghề cũng thay đổi nhanh chóng. Nếu không có được sự phối hợp, tư vấn chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực giảng dạy thì sinh viên có thể thiếu hụt kiến thức, kỹ năng", PGS nói.

Trường đại học tham gia hướng nghiệp cho học sinh phổ thông

Bên cạnh việc nỗ lực chuyển đổi số để thích ứng với những thay đổi hiện nay, theo các vị đại diện, trường đại học cũng cần thể hiện trách nhiệm ở việc liên kết, giúp đỡ cho giáo dục phổ thông.

TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni kể câu chuyện một sinh viên năm 2 của trường mới 19 tuổi đã khởi nghiệp trên một nền tảng công nghệ. Em gọi vốn được 50.000 USD, tuyển dụng người lao động là nhân viên các tập đoàn công nghệ lớn để cùng nghiên cứu và phát triển dự án tại Singapore.

Theo TS Lan, nhìn về các nước khác như Mỹ, Israel, ngay từ bậc phổ thông, học sinh đã có tinh thần khởi nghiệp, gia tốc câu chuyện khởi nghiệp. Việt Nam cũng rất có tiềm năng này nếu có sự hỗ trợ của các đại học.

Vai trò đại học trong thế kỷ 21: Bình đẳng, kết nối và chuyển đổi số - 3
TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni - Ảnh: Nguyễn Liên.

Bà Lan đưa ra sáng kiến, hoạt động hướng nghiệp có thể được thực hiện thông qua những trại hè, khóa học ngắn hạn về khởi nghiệp sớm cho học sinh phổ thông, hướng nghiệp để chọn ngành nghề phù hợp, không lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, người hướng dẫn có thể là chính sinh viên đại học. "Việc dạy đồng đẳng sẽ dễ hơn là người lớn đi dạy học sinh phổ thông, sinh viên nói với học sinh sẽ dễ để tiếp thu hơn rất nhiều", bà Lan nói.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ sự đồng tình về tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Theo ông, việc hướng nghiệp tốt, các em lựa chọn đúng ngành nghề theo năng lực sẽ giúp tiết kiệm được nguồn lực, của cải khổng lồ cho các gia đình.

"Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với 1.800 cán bộ (trong đó có khoảng 1.200 giảng viên) cùng hơn 35.000 sinh viên sẵn sàng cùng với các trường và cộng đồng tham gia vào hoạt động hướng nghiệp này", PGS Thắng cho hay.

PGS cho rằng thời gian tới, ngoài việc liên kết với trường phổ thông để thường xuyên có chương trình giới thiệu ngành nghề, các trường đại học cần hướng tới việc kết nối với doanh nghiệp để họ trực tiếp về nói chuyện cùng học sinh, giúp các em hiểu rõ ngành này sẽ làm gì, doanh nghiệp cần người có tố chất, kỹ năng nào.

Thúc đẩy sự bình đẳng, công bằng trong giáo dục đại học

Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng để tạo ra một cơ sở bình đẳng trong giáo dục, cần xét đến yếu tố hoàn cảnh gia đình thay vì thành tích học tập và cần hỗ trợ ngay từ trường phổ thông, trước khi bước vào bậc đại học. Bà Thủy nhắc đến khái niệm "hỗ trợ tài chính" thay vì "học bổng".

Vai trò đại học trong thế kỷ 21: Bình đẳng, kết nối và chuyển đổi số - 4

Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Liên).

"Ở giai đoạn phổ thông, kết quả học tập của các em thường tỷ lệ thuận với điều kiện kinh tế gia đình. Bởi vậy, quan điểm của chúng tôi là hỗ trợ tài chính trước khi vào đại học, dựa trên hoàn cảnh gia đình. Tới khi các em đã vào trường đại học, chúng tôi chuyển sang cơ chế cung cấp học bổng. Lúc đó, sinh viên đã có cùng vạch xuất phát thì sự cạnh tranh sẽ là ngang bằng, thực sự dựa trên tài năng", bà Thủy nói.

Bên cạnh đó, bà Thủy cũng gợi nhắc về vấn đề giảng viên đại học có nhiều cơ hội đi dự hội thảo, tham gia các lớp tập huấn chia sẻ thông tin, nhưng giáo viên phổ thông rất ít cơ hội này, trừ khi làm việc tại trường tư, nơi có điều kiện kinh tế.

Trong khi đó, để chuẩn bị cho lực lượng sinh viên khi vào đại học có thể thích nghi nhanh chóng, rất cần chuẩn bị ngay từ cấp 3, thậm chí cấp 2. Nếu giáo viên phổ thông không áp dụng được cho học sinh những phương pháp, kỹ năng tiên tiến thì khi vào đại học, nhiều em sẽ gặp bỡ ngỡ ít nhất trong 1-2 năm đầu.

Sáng kiến của Đại học Fulbright Việt Nam là hỗ trợ cho giáo viên phổ thông có được sự tiếp cận tốt hơn về phương pháp giảng dạy cũng như kỹ năng sư phạm.

"Trong những năm qua, chúng tôi chia sẻ những điều giới giảng viên đại học được tiếp nhận tới các giáo viên phổ thông. Chương trình này được gọi là Mạng lưới giáo viên tiên phong. Chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo, đưa giáo viên phổ thông từ tất cả mọi miền đến một địa điểm, gặp gỡ giáo viên các thành phố lớn để cùng học hỏi. Sau khi học xong, họ tiếp tục kết nối với nhau, áp dụng ngay những kỹ năng đã được học vào tiết dạy của mình và chia sẻ cho mạng lưới cùng đánh giá", bà Thủy nói.

Vai trò đại học trong thế kỷ 21: Bình đẳng, kết nối và chuyển đổi số - 5

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Liên).

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, trong bối cảnh người học có rất nhiều điều kiện khác nhau, nhà trường nên tập trung để có sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả mọi người.

Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã áp dụng bài bản nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên vùng sâu vùng xa, dân tộc miền núi, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách.

Trường có sáng kiến tổ chức một trung tâm hỗ trợ người học, nơi giúp giải quyết tất cả vấn đề vướng mắc của sinh viên trong đời sống cũng như học tập. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ sinh viên phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu xã hội.

"Trung tâm này trong nhiều năm đã hỗ trợ cho sinh viên những chương trình học tiếng Anh, những khóa học kỹ năng mềm miễn phí. Đặc biệt, hỗ trợ cho các sinh viên còn nhiều lúng túng khi từ vùng miền xa xôi lên thành phố lớn học tập, giúp các em hòa đồng được vào môi trường học tập chất lượng cao. Chúng tôi tin tưởng, giáo dục chất lượng cao phục vụ cho tất cả mọi người, ai cũng có quyền tiếp cận với tri thức họ mong muốn. Đây là nền giáo dục tiên tiến mà chúng ta nên hướng tới", PGS Hương chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, bằng việc mở rộng và phát huy vai trò trong các hoạt động giáo dục chung một cách chủ động và đa dạng, các đại học của Việt Nam sẽ cho xã hội thấy đây là lực lượng tiên phong quan trọng để thực hiện mục tiêu xã hội học tập và học tập suốt đời.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục - Đào tạo khuyến nghị các trường quan tâm thực hiện quy định: "cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giáo dục thường xuyên trong việc cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu học tập của người học". Khi tham gia mạnh mẽ hơn trong hệ thống giáo dục thường xuyên, các đại học sẽ thể hiện được vai trò "đầu tàu", thúc đẩy toàn bộ hệ thống giáo dục chuyển động nhanh và tốt hơn.

Thứ trưởng cũng khẳng định, việc khởi tạo hợp tác giữa các đại học sẽ làm phong phú hơn sự nghiệp giáo dục đào tạo toàn dân, thực hiện đường hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, minh chứng đầy đủ hơn, cho thấy sự đầu tư của Nhà nước và xã hội cho đại học không chỉ nhằm đào tạo tinh hoa, chuyên gia mà còn để phục vụ giáo dục đại chúng.