Chuyển đổi số trong giáo dục: Cần điều chỉnh chính sách giáo dục ở 3 cấp độ
(Dân trí) - Muốn chuyển đổi số trong giáo dục phải điều chỉnh chính sách giáo dục từ chính phủ, cơ quan trung gian, cho tới công dân để tìm giải pháp phù hợp trong giai đoạn khủng hoảng Covid.
Ngày 24/11, Trường đại học Giáo dục - ĐHQGHN phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức "Diễn đàn Hà Nội lần thứ nhất về Khoa học giáo dục và Sư phạm 2021".
Đây là sự kiện được tổ chức lần đầu tiên với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước; nhằm tạo ra một môi trường học thuật để thảo luận, nghiên cứu, tham vấn các chính sách về cách tiếp cận và thích nghi mới trong giáo dục và sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, trong đó có những đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đại học.
Lớp học thông minh là ảo, nhưng việc học là thật
Tại Diễn đàn, TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường Đại học Khoa học Giáo dục) đã có những trao đổi về chuyển đổi số trong dạy học online.
Theo Tiến sĩ, trong bối cảnh dịch Covid-19, hình thức dạy và học chủ yếu triển khai theo hướng online. Xu thế này phát triển mạnh, đồng nghĩa với việc các nhà hoạt động và quản lý giáo dục phải có sự đánh giá, phân tích, chia sẻ, áp dụng phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho cả người dạy và học.
"Phương thức dạy học mới ra đời có hình dạng nào đi chăng nữa thì online vẫn là ảo, còn việc học luôn luôn là thật, bởi nó được diễn ra giữa người dạy và người học, với sự hiện hữu của chương trình giáo dục.
Do đó, chúng ta phải hướng đến người học khi họ hướng đến hoạt động cụ thể, lớp học thông minh phải là những người học thông minh, biết sử dụng công cụ thông minh để thực hiện nhiệm vụ yêu cầu của việc học và dạy học.
Như vậy, trong môi trường ảo, cận ảo đan xen, chúng ta muốn gì ở người học thì mục tiêu cuối cùng người học phải đạt được, tạo ra, chứng tỏ giá trị của việc học được gia tăng đáng kể nhờ việc học này".
Theo TS. Cường, chúng ta phải kiên định 3 vấn đề gồm: mục tiêu dạy học (các nhà giáo dục phải để ý xây dựng chương trình mang tính sát thực trong môi trường ảo, thực ảo đan xen); nội dung dạy học thì phải cụ thể hóa và nhúng vào môi trường thực ảo; hoạt động học tập của người học, cuối cùng phải ra những sản phẩm rất thật chứ không phải ảo.
Tiến sĩ cũng nhấn mạnh, trong quá trình chuyển hóa một giờ học trực tiếp sang giờ học online, cả người dạy và học phải tuân thủ những nguyên tắc mới. Trong đó, vai trò của người dạy chắc chắn phải thay đổi, và vai trò của người học cũng không giống trước đây.
Tiếp đó, cần phải có cách đặt vấn đề để đúng người, đúng chỗ, đúng nội dung. Ví dụ như khi dạy học online, thầy cô sẽ video hóa bài giảng, hay livestream phần chuyển tải nội dung nào đó, trong khi lại lãng quên vai trò và sự trợ giúp của một vài yếu tố công nghệ.
Cuối cùng là dùng công cụ đúng cho phù hợp, sử dụng cho nó hiệu quả. Ví dụ như tạo cho người học có cơ hội học tập một cách liền mạch, cá thể hóa cao độ… Đối với lớp học thông minh thì chúng ta có một nền tảng hội tụ các yếu tố liên quan trong quá trình dạy học như nền tảng, công cụ và học liệu.
Hướng tới mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo sư phạm
Trao đổi tại Diễn đàn, các chuyên gia khẳng định, trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, câu chuyện liên quan đến công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục đã trở thành vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Việc tìm kiếm những giải pháp, công cụ, nền tảng mới để thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng đại học ở Việt Nam là trăn trở của nhiều người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt với các đơn vị đang triển khai đào tạo giáo viên.
Theo TS. Tô Hồng Lam - Phó cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin của Bộ GD-ĐT chia sẻ, nhiều năm trở về trước, chính sách ứng dụng công nghệ trong vấn đề bồi dưỡng giáo viên đã được triển khai tại Việt Nam.
Cụ thể, vào năm 2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư số 21 quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn qua mạng Internet cho giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, có 4 nhóm điều kiện để tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, đó là điều kiện về hệ thống quản lý học tập, hạ tầng, học liệu và đội ngũ hỗ trợ giảng viên.
Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ cũng có những văn bản hướng dẫn nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong năm học, mà ở đó chú trọng nhiều nội dung bồi dưỡng cho giáo viên như: bồi dưỡng về kỹ năng sử dụng công nghệ, chú ý khai thác học liệu, sử dụng phần mềm soạn giảng cũng như những nội dung liên quan đến an toàn thông tin trên môi trường mạng… Mới đây, trong bối cảnh dịch Covid-19, các cấp học phải chuyển sang hình thức online, Bộ cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tập huấn giáo viên khung chương trình giáo dục phổ thông mới.
TS. Tô Hồng Lam khẳng định, giải pháp công nghệ đã góp phần thay đổi hệ hình dạy học và đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Song, bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều thách thức khi ứng dụng công nghệ vào quá trình đào tạo giáo viên nói chung.
Tiếp nối quan điểm của chuyên gia Tô Hồng Lam, TS. Mai Văn Tỉnh (Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Hiệp hội các trường cao đẳng Việt Nam) phân tích, hiện tại, những thách thức trong quá trình ứng dụng công nghệ vào đào tạo đội ngũ giáo viên một phần xuất phát từ việc chúng ta đang quá đặt nặng về công nghệ giáo dục, song lại coi nhẹ sư phạm số, trong khi đây mới là yếu tố liên quan đến con người, còn công nghệ chỉ là phương tiện hỗ trợ, thay đổi liên tục như vũ bão.
"Thực tế này xảy ra đối với tất cả giáo viên trên toàn cầu, chứ không riêng gì vấn đề sư phạm số trong giáo dục Việt Nam.
Để khắc phục điều này, theo tôi, trước hết cần phải điều chỉnh chính sách giáo dục dưới 3 cấp độ: từ chính phủ, cơ quan trung gian, cho tới công dân để tìm giải pháp phù hợp trong giai đoạn khủng hoảng do Covid. Trong đó, điều quan trọng nhất là tập trung vào người học. Ngoài ra cần có sự chuyển dịch rất lớn, mang tính tích hợp giữa thực tế ảo và các quan điểm đa ngành nghề.
Thứ hai, đó là ta cần chuyển dịch sang giáo dục công nghệ - một xu thế mới nhất hiện nay. Điều này nhằm hướng đến mục tiêu vào năm 2030, người học sẽ không cần những ngôi trường vật lý, hay phòng học với 4 bức tường, mà có thể học ở nhà, cơ quan, cộng đồng và rất nhiều nơi khác. Tuy nhiên, để thích ứng với xu thế này, chúng ta cần một nền tảng mới, cho người học có được cơ hội trao đổi và học tập trên nền tảng số" - chuyên gia bày tỏ.
TS. Lê Thái Hưng (Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN) cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông Hưng, để có được bước tiến vượt bậc như TS. Mai Văn Tỉnh chia sẻ, cần xây dựng một lộ trình cụ thể, xét theo góc độ vi mô hơn. Theo đó, bên cạnh hệ thống nền tảng công nghệ thông tin đáp ứng cần và đủ điều kiện cho giáo viên, học sinh triển khai hoạt động học tập; thì cần có sự quan tâm đến yếu tố con người, trong đó trang bị về mặt năng lực số là then chốt.
"Lộ trình này sẽ bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, ngay thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng việc giáo viên cũng như học sinh có những năng lực số cơ bản như sử dụng máy tính, tiếp cận với các ứng dụng đơn giản như Microsoft, Google Classroom… để triển khai hoạt động dạy học trực tuyến cũng là yếu tố quan trọng, cần thiết.
Trong giai đoạn thứ hai, một trong các nội dung nổi cộm mà giáo sinh sư phạm cần trau dồi, bên cạnh hiểu người học, hiểu cách dạy, thì phương thức kiểm tra đánh giá cũng cần được coi trọng. Do đó, trong môi trường dạy học kết hợp chuyển đổi số, cần trang bị cho giáo sinh kỹ năng tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh. Theo đó, có thể hướng tới hệ thống học tập cá nhân hóa thích ứng, dựa trên công nghệ khoa học hay thuật toán, trí tuệ nhân tạo, thiết kế ra những bài đánh giá năng lực người học mà ở đó người học không phải thực hiện các bài kiểm tra dài miên man, chỉ cần thực hiện bài kiểm tra ngắn, phù hợp với năng lực của mình".