Tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng trở lên tăng 34,8%

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non, tăng 149.751 giáo viên; tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên tăng 34,8% so với năm học 2010-2011.

Thông tin này vừa được đưa ra tại Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non", do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 17/10 tại Hà Nội.

99% trẻ em được học 2 buổi/ngày

Tại Hội thảo, đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo đánh giá kết hơn 10 năm phát triển giáo dục mầm non, 10 năm thực hiện chương trình giáo dục mầm non Việt Nam, định hướng xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.

Đến nay, Chương trình giáo dục mầm non đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở, trong đó có 5.255.889 trẻ (99%) học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non.

Tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng trở lên tăng 34,8% - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo (Ảnh: M.T).

Chương trình giáo dục mầm non đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Năm học 2019-2020, toàn quốc huy động 5.795.002 trẻ em đến trường để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non.

Cũng trong năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non, tăng 149.751 giáo viên; tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên tăng 34,8% so với năm học 2010-2011.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là chất lượng đội ngũ và công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ và tài liệu nguồn cho giáo viên.

Đặc biệt, một số yếu tố vẫn cần được quan tâm để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, như: Chế độ chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chương trình; số trẻ/lớp; không gian, diện tích lớp và đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ.

Nhiều khuyến nghị cho chương trình mầm non

Hội thảo đã ghi nhận ý kiến trao đổi, báo cáo về kinh nghiệm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam từ các chuyên gia của Ngân hàng thế giới.

Theo Tiến sĩ Aija Rinkinen, Chuyên gia cao cấp về giáo dục tại Ngân hàng Thế giới, xây dựng chương trình giáo dục mầm non không chỉ đơn thuần là nơi chăm sóc trẻ để cha mẹ đi làm mà thay vào đó là xây dựng triết lý giáo dục.

Tại đó, trẻ em là trung tâm, chăm sóc và phát triển trẻ là phương pháp. Giáo viên được liên tục bồi dưỡng để cập nhật, đổi mới; trẻ em được xác định và hỗ trợ các nhu cầu cần thiết. Nhà trường phối hợp với phụ huynh, gia đình cùng với các tổ chức xã hội, y tế…

Tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng trở lên tăng 34,8% - 2

Học tập kinh nghiệm thế giới rất tốt nhưng cần phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam (Ảnh: M.Hà).

PGS.TS. Hu Xinyun, Annie Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Giáo dục Hồng Kông cho rằng: Khác với cách học truyền thống chú trọng truyền tải về kiến thức, hiện nay, các chuyên gia giáo dục mầm non tập trung xây dựng chương trình mới hướng đến những phương pháp giáo dục cung cấp cho trẻ các kỹ năng, dụng cụ, thiết bị, bối cảnh, qua đó phát triển năng lực, cảm xúc, trẻ em học được cách chia sẻ, chăm sóc, trải nghiệm, hỗ trợ những người xung quanh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi làm rõ thêm các nội dung được trình bày qua tham luận, cung cấp thêm ý kiến từ nhiều góc nhìn khác nhau, phân tích, góp ý bổ sung, điều chỉnh quan điểm/định hướng xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.

Định hướng giá trị ở bậc học mầm non theo hướng giản dị

Trong phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị nhóm biên soạn tiếp tục đánh giá, khảo sát sâu hơn đối với chương trình giáo dục mầm non hiện hành, tiếp thu ý kiến từ giáo viên - những người trực tiếp triển khai chương trình về những thuận lợi, vướng mắc.

Cho rằng, học tập kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng, song Bộ trưởng cũng lưu ý, việc thiết kế chương trình phải phù hợp, khả thi với triển khai thực tế tại Việt Nam, về điều kiện, mức sống, đội ngũ giáo viên...

Cần có sự phân tích kỹ những đối tượng sẽ chuyển hóa, thực thi chương trình này trong thực tế, với bối cảnh một vài năm tới chưa có sự thay đổi đáng kể nào so với hiện nay.

Bộ trưởng gợi mở một số nguyên tắc khi xây dựng chương trình như tính kế thừa chương trình cũ, lấy nền tảng khoa học tâm lý học, trong đó nhấn mạnh đặc thù lứa tuổi.

Bộ trưởng cũng đề nghị nhóm chuyên môn xem xét thật thấu đáo cách tiếp cận năng lực phù hợp với giáo dục mầm non, bởi nếu không thận trọng sẽ lấy cách tiếp cận phổ thông cho bậc học này.

Thống nhất với mục tiêu chung là nhằm phát triển con người toàn diện, song Bộ trưởng cho rằng, cần định hướng các giá trị ở bậc học mầm non theo hướng giản dị, trong đó, định hướng đầu tiên là sự lương thiện của con người.

"Vì đây là vấn đề hệ trọng, không được phép sai lầm, nên cần rút kinh nghiệm những giai đoạn trước, việc khảo sát, thử nghiệm phải làm rất thấu đáo. Mục tiêu là có một chương trình giáo dục mầm non tốt, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng thực hiện.

Tinh thần là dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em và cần chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, giáo viên, tâm thế, truyền thông…, để có thể có được kết quả tốt nhất", Bộ trưởng nhấn mạnh.