Trung bình mỗi thí sinh đã đăng ký 4,22 nguyện vọng xét tuyển đại học
(Dân trí) - Từ ngày 22/7 - 20/8 là khoảng thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình mỗi thí sinh đã đăng ký 4,22 nguyện vọng.
Theo thông tin từ Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, tính đến 12h ngày 10/8, cả nước có trên 939.000 thí sinh đăng ký xét tuyển. Trong đó, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là gần 472.000, tổng số lượng nguyện vọng là gần 2 triệu. Trung bình mỗi thí sinh có 4,22 nguyện vọng.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thông tin, năm 2022, quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT lần đầu tiên quy định với tất cả phương thức xét tuyển, dù vào ngành nào, trường nào, thí sinh đều phải đăng ký nguyện vọng của mình lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, bất kể theo phương thức nào.
PGS Thủy lưu ý, tuy các phương thức xét tuyển rất đa dạng nhưng nếu thí sinh sắp xếp theo đúng logic, trật tự nhất định, mọi việc sẽ rất đơn giản. Theo đó, ở mỗi ngành học, ngôi trường thí sinh yêu thích sẽ có một số phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu cảm thấy phương thức này chưa có nhiều cơ hội trúng tuyển, các em có thể chọn phương thức khác vẫn của ngành đó. Hiện các trường đã phân bổ số chỉ tiêu nhất định cho từng phương thức.
Khi đã trúng tuyển đợt xét tuyển sớm của một trường đại học (trúng tuyển có điều kiện), nếu như thực sự mong muốn vào ngành đó, trường đó, thí sinh có thể yên tâm đặt lên nguyện vọng 1 (NV1) và chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Tuy nhiên, nếu các em vẫn thích một ngành khác, trường khác thì đừng lo lắng mà hãy đặt nguyện vọng yêu thích lên làm NV1 để tăng cơ hội trúng tuyển vào môi trường mong muốn. Những nguyện vọng phía sau cũng nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nói trên.
"Bộ GD&ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng, như vậy cơ hội của các em rất cao. Chỉ có điều khi các em đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn, rõ ràng những nguyện vọng khác không còn giá trị nữa. Lúc đó không thể kiện cáo ai rằng tại sao không thể trúng tuyển NV5 mà lại trúng NV3, đó là do thứ tự ưu tiên nguyện vọng các em lựa chọn", PGS Thủy nói.
Khi lựa chọn nguyện vọng, thí sinh cần đăng nhập vào tài khoản mình đã được cung cấp từ khi dự thi tốt nghiệp THPT. Sau này, duy nhất một nguyện vọng trúng tuyển sẽ được công bố trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Đối với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT những năm trước), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, các em cần liên hệ với điểm tiếp nhận tại các địa phương để có được tài khoản giống như thí sinh dự thi tốt nghiệp năm nay. Khi đăng nhập vào hệ thống, các em sẽ lập tức thấy phần hướng dẫn đăng ký nguyện vọng và phải thực hiện đầy đủ quy trình theo hướng dẫn.
Năm nay, mọi đăng ký tuyển sinh đều được thực hiện trực tuyến, do vậy các em không còn cách nào khác là phải có tài khoản này. Nếu khó khăn vướng mắc, thí sinh có thể liên hệ với đường dây nóng của Bộ GD&ĐT để được giải đáp.
PGS Thủy cũng lưu ý thêm, nếu chưa trúng tuyển những nguyện vọng cao và trúng tuyển ở nguyện vọng xếp vị trí sau, thí sinh không mất đi quyền lợi nào so với các bạn khác đăng ký vào cùng ngành đó, trường đó nhưng xếp nguyện vọng cao hơn.
Tuy nhiên, các em đã trúng nguyện vọng phía trên sẽ không được xét đến nguyện vọng dưới. Bởi vậy, thí sinh phải nghiên cứu rất kỹ, từ tổ hợp xét tuyển đến mã ngành, mã trường; việc đăng ký phải chính xác, không có sai sót. "Một khi đã xếp đúng, các em yên tâm sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng tốt nhất có thể", PGS Thủy nói.
Theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
Nguyên tắc xét tuyển như sau:
- Điểm trúng tuyển được xác định để số lượng tuyển được theo từng ngành, chương trình đào tạo phù hợp với số lượng chỉ tiêu đã công bố, nhưng không thấp hơn ngưỡng đầu vào.
- Đối với một ngành đào tạo (hoặc một chương trình đào tạo) theo một phương thức và tổ hợp môn, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm xét không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.
- Trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét ở cuối danh sách, cơ sở đào tạo có thể sử dụng tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng (để xét chọn những thí sinh có thứ tự nguyện vọng cao hơn).
- Việc sử dụng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng để xét tuyển đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định về điểm ưu tiên.
Sau mỗi chu kỳ xét tuyển, cơ sở đào tạo tải lên hệ thống danh sách thí sinh dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh). Hệ thống xử lý nguyện vọng sẽ tự động loại bỏ khỏi danh sách những nguyện vọng thấp của thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng, trả lại danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.
Căn cứ kết quả xử lý nguyện vọng, cơ sở đào tạo lặp lại quy trình xét tuyển ở chu kỳ sau, điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định. Ở chu kỳ cuối, cơ sở đào tạo quyết định điểm trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh) và tải lên hệ thống danh sách (chính thức) thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Trên cơ sở kết quả xử lý nguyện vọng cuối cùng, cơ sở đào tạo quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo.