Triết lý sống độc lập cần sự ủng hộ

(Dân trí) - “Nếu chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ chủ động từ người khác thì mãi mãi người khuyết tật sẽ không thể sống độc lập được. Vì vậy, việc đưa triết lý sống độc lập cần được hoan nghênh, các quyết định của họ phải được tôn trọng một cách tối ưu nhất...”

Ngày 16/2, tại buổi khai trương Trung tâm Sống độc lập Hà Nội (Trung tâm đầu tiên được thành lập ở Việt Nam với sự trợ giúp của Tổ chức Người khuyết tật Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương) Chủ tịch Tổ chức này, ông Shoji Nakanishi chia sẻ:  “Rất nhiều người khuyết tật vẫn còn khả năng làm việc, nhưng đơn giản là họ không thể tự di chuyển đến chỗ làm, không bước qua được một ổ gà lớn trên đường phố hoặc đưa tay với tới một cuốn sách trên kệ cao. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ chủ động từ người khác thì mãi mãi người khuyết tật sẽ không thể sống độc lập được. Vì vậy, việc đưa triết lý sống độc lập cần được hoan nghênh, ủng hộ.  Sống độc lập  nghĩa là người khuyết tật sẽ tự lựa chọn sống như là một chủ thể cho chính cuộc đời họ, các quyết định của họ phải được tôn trọng một cách tối ưu nhất”.

Với dự án được thực hiện trong vòng 3 năm, mục tiêu là hỗ trợ từng cá nhân khuyết tật để họ phát huy được tiềm năng của mình ở mức cao nhất ngay tại gia đình và cộng đồng; Trung tâm này sẽ là tiếng nói đảm bảo quyền của người khuyết tật được tiếp cận nhà ở, việc làm, giao thông, các công trình công cộng, các phương tiện giải trí, các dịch vụ y tế và xã hội một cách bình đẳng...

Theo ông Nghiêm Xuân Tuệ, Giám đốc Văn phòng Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam, khi Trung tâm đi vào hoạt động có hiệu quả Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo Chính phủ để nhân rộng ra toàn quốc để mọi ngườu khuyết tật Việt Nam được hưởng quyền lợi của mình.

P. Thanh