Gia Lai:

Thầy giáo trẻ "giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm của người Bahnar

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Tưih luôn dành thời gian để thiết kế ra những bộ trang phục thổ cẩm cách tân độc đáo. Thầy Tưih đã trao tình yêu ấy thông qua những bộ ảnh đẹp và đưa lên mạng xã hội.

Những tháng hè dài này, thầy Tưih (người Bahnar, là giáo viên trường tiểu học xã Glar, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đang say sưa bên những trang giấy để thiết kế ra những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo, cách tân, phù hợp với giới trẻ hiện nay.

Thầy Tưih mong muốn có thể đưa thổ cẩm làng Dur vươn xa ra cả nước. Qua đó, nghề thổ cẩm không bị mai một trước sự thay đổi của thời gian.

Thầy giáo trẻ người Bahnar bộc bạch, từ nhỏ, thầy đã thích nghề thổ cẩm, nhưng vì quan niệm đây là công việc của phụ nữ nên gia đình không cho thầy đụng tay vào.

Chính vì vậy, thầy Tưih đã theo nghề giáo viên với mong muốn khi ra trường được về quê hương "gieo chữ" trên mảnh đất khó khăn này. Đồng thời, tìm hướng nghiên cứu, khơi tình yêu văn hóa Bahnar với nghề thổ cẩm truyền thống nơi các em học sinh.

Thầy giáo trẻ giữ lửa nghề dệt thổ cẩm của người Bahnar - 1

Thầy giáo trẻ của làng Dur cùng niềm đam mê với nghề dệt thổ cẩm.

Từ xa xưa, người Bahnar ở làng Dur thường lên rừng để lấy vỏ cây, mây để về dệt quần áo mặc. Sau này, bà con đã dễ dàng đi mua những sợi chỉ màu và tự tay dệt nên những tấm thổ cẩm sặc sỡ mặc trong các dịp lễ hội. Nhìn vào những tấm thổ cẩm tinh xảo được bà con kỳ công dệt, nhưng chưa mang lại giá trị kinh tế cao, thầy giáo Tưih trăn trở ngày đêm.

Thầy Tưih có niềm quan tâm đặc biệt đến áo cưới thổ cầm truyền thống kết hợp nhiều chi tiết hiện đại.

Theo thầy Tưih, cuộc sống hiện đại cuốn người làng vào những gánh nặng mưu sinh. Thổ cẩm truyền thống cũng vì vậy mà đang dần mai một. Từ đó, thầy đã lên ý tưởng làm mới trang phục thổ cầm truyền thống theo  xu hướng hiện đại.

Thầy giáo trẻ giữ lửa nghề dệt thổ cẩm của người Bahnar - 2

Thầy Tưih mong muốn thiết kế ra những bộ thổ cẩm cách tân, độc đáo nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Sau những trang giáo án soạn xong vào lúc nữa đêm, thầy Tưih lại say sưa mày mò, nghiên cứu để thiết kế ra những mẫu thổ cẩm đặc sắc, hiện đại.

Thầy Tưih bày tỏ tâm tư: "Mình muốn tạo ra những mẫu thiết kế thổ cẩm trẻ trung, hiện đại hợp với xu hướng nhưng không làm mất đi giá trị của thổ cẩm từ xa xưa. Khi một bạn trẻ mang lên sẽ cảm thấy tự hào vì bản sắc quê hương mình".

Nghĩ là làm, thầy giáo tự mình lên ý tưởng và thiết kế các sản phẩm. Khi cầm tấm thổ cẩm trên tay, anh băn khoăn làm sao để thiết kế được một chiếc áo, chiếc váy thật đẹp, thật chuẩn không dài cũng không rộng. Thậm chí, nhiều tấm vải cháu dệt hỏng, thầy vẫn tận dụng làm khăn, không để lãng phí mà vẫn mang nét độc đáo riêng.

Thầy giáo trẻ giữ lửa nghề dệt thổ cẩm của người Bahnar - 3

Khi đã thiết kế xong mẫu trang phục, thầy Tưih sẽ chụp ảnh và đưa lên mạng xã hội để chia sẻ với cộng đồng.

Thầy giáo trẻ không giấu nụ cười hạnh phúc khi kể lại rằng, bộ váy cưới thổ cẩm đầu tiên của thầy thiết kế là dành cho bố mẹ mình mặc trong dịp kỉ niệm ngày cưới của ông bà.

Mới đây là bộ ảnh kỉ niệm của bố mẹ thầy được tung lên mạng và đã nhận được rất nhiều sự thán phục của cộng đồng mạng.

"Bộ váy cưới này có sự kết hợp giữa đường nét truyền thống pha vào các đường viền hiện đại. Mình thấy có nhiều nơi làm nhái các sản phẩm thổ cẩm rồi cho thuê, bán với giá rẻ. Nếu có điều kiện, mình rất muốn đăng ký thương hiệu riêng cho trang phục thổ cẩm làng mình. Từ đó, để mọi người cảm nhận giá trị thổ cẩm chính hiệu Bahnar", thầy Tưih tâm sự.

Vì còn công việc giảng dạy ở trường nên phần lớn áo, váy cưới thổ cẩm đều được mẹ và chị gái thầy Tưih hỗ trợ dệt thủ công.

Khi đã có ý tưởng và các tấm vải trên tay, thầy giáo trẻ sẽ nhờ những thợ may có kinh nghiệm hoàn thiện. Sau đó, thầy Tưih sẽ nhờ những người thân yêu trong gia đình mang và chụp nên những bộ ảnh đẹp. 

Thầy giáo trẻ giữ lửa nghề dệt thổ cẩm của người Bahnar - 4

Bộ hình cưới của bố mẹ thầy Tưih đã được cộng động mạng thán phục.

Ngoài tình yêu với thổ cẩm, thầy Tưih còn là một thầy giáo trẻ năng động, sáng tạo và nghĩ ra nhiều hoạt động nhằm hướng đến sự phát triển toàn diện cho học sinh vùng cao.

Vốn là cậu học trò nghèo ở làng Dur nên thầy giáo trẻ cũng thấu hiểu những khó khăn khi phải học cùng lúc 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Bahnar.

Thầy giáo trẻ giữ lửa nghề dệt thổ cẩm của người Bahnar - 5

Thầy giáo trẻ nhiệt huyết trong việc "gieo chữ" cho học sinh vùng cao.

Trong năm học 2020 - 2021, lớp của thầy Tưih chủ nhiệm có đến gần 10 em chưa thuộc bảng chữ cái. Để giúp học trò của mình, thầy đã lên phương án dạy phụ đạo cả tuần cho học sinh vào mỗi buổi chiều rảnh. Nhờ lòng nhiệt huyết của mình cùng với sự chăm chỉ của trò, hiện 25/25 học sinh của lớp đều đã đọc tốt con chữ.

Theo ông Bùi Quang Thoại - Phó Chủ tịch UBND xã Glar, thầy giáo Tưih sinh ra và lớn lên ở làng nên hiểu tâm lý học sinh và phụ huynh đồng bào dân tộc Bahnar mình. Mỗi đợt làng vào mùa gặt, học sinh nghỉ nhiều, thầy Tưih và ban giám hiệu trường đã phối hợp cùng xã để đi gõ cửa từng nhà vận động học sinh đến lớp.

"Nhiều học sinh bày tỏ với chúng tôi rằng các em thích giờ học của thầy Tưih vì thầy hay có cách khiến giờ học trở nên sinh động và thú vị", lãnh đạo xã Glar nhớ lại tâm sự của học trò trong những lần cùng thầy tìm hiểu tâm tư các em học sinh sau khi các em trở lại trường học.