Bà con Ba Na chung tay lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Chí Anh

(Dân trí) - Những năm qua, bà con người Ba Na luôn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm mà cha ông truyền lại. Đây là bản sắc văn hóa minh chứng cho cái đẹp, sự khéo léo của người con gái Ba Na.

Làng dệt trong phố

Thổ cẩm là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Từng đường nét của thổ cẩm trên trang phục tượng trưng cho vẻ đẹp độc đáo và thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Với sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp chính quyền và sự nỗ lực bảo tồn của người phụ nữ Ba Na trên mảnh đất Kon Tum mà nghề dệt vẫn được giữ gìn và phát triển mạnh trong các làng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Y Trech (làng Kon Klor, TP Kon Tum) được xem là người chị cả của làng dệt thổ cẩm Kon Klor. Bà Y Trech bộc bạch: "Phụ nữ ở làng mình chỉ dệt vải vào ban đêm, vì ban ngày ai ai cũng phải lên nương, lên rẫy. Cứ tối đến, sau khi đã xong hết các công việc thì chúng tôi sẽ tranh thủ để dệt vải. Nghề này thu nhập không cao, đòi hỏi nhiều nhưng hầu hết chúng tôi làm quen cái tay rồi, không làm thì nhớ vì thế hằng ngày dù mệt vẫn bỏ thời gian ra làm".

Bà con Ba Na chung tay lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống - 1

Mỗi lúc hết mùa vụ, chị Y Thoach cùng với những người trong làng lại cùng tập trung lại để dệt những tấm vải thổ cẩm.

Theo bà Y Trech, dệt thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm đẹp. Cứ một tấm vải 1m thì mất 3 - 4 ngày nếu dệt liên tục. Dệt vải cũng yêu cầu người phụ nữ phải tỉ mỉ, khéo léo. Sản phẩm từ thổ cẩm rất phong phú, họa tiết trên thổ cẩm thì chủ yếu là do khách hàng đặt. Mỗi họa tiết sẽ có công thức riêng, đó là đếm số lượng sợi chỉ cho phù hợp, sau đó phối màu và dệt cho ra sản phẩm. Chính vì vậy, mỗi tấm thổ cẩm thường có giá từ 1 - 2 triệu đồng.

Trải qua hơn 65 mùa lúa chín, bà Y Aoh (làng Kon Ngol Klăh, xã Ngọc Bay,TP. Kon Tum) giờ chỉ còn sống bằng nghề dệt thổ cẩm mà gia đình truyền lại. Cũng như bao đứa con Ba Na ở làng, từ thuở lên 9 tuổi bà đã được mẹ chỉ dạy cho nghề dệt thổ cẩm. Đến nay, qua nhiều năm gắn bó với khung dệt, bà đã trở thành một trong những người có tay nghề giỏi nhất nhì làng Kon Ngol Klăh.

Bà con Ba Na chung tay lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống - 2
Bà Y Trech cũng là một trong những người dệt vải đẹp của làng Kon Klor (TP. Kon Tum)

"Thời xưa khi còn cây bông, người ta thường hái bông về để làm sợi dệt. Qua nhiều công đoạn như phơi, tách hạt, lấy bông, nhuộm, rải chỉ,…thì mới có sợi để dệt. Ngày trước, để người đồng bào thường dùng các loại củ, quả để nhuộm sợi bông. Màu đỏ có thể được nhuộm từ củ dền đỏ, màu vàng từ nghệ,… nguyên thủy hơn là nhuộm màu từ đất đỏ. Tuy màu nhuộm từ tự nhiên, nhưng không bị phai màu và được người làng ưa chuộng hơn sợi chỉ bây giờ. Giờ tay mình chậm rồi nên mỗi tuần cũng dệt được 2 tấm thổ tấm do khách đặt thôi.", bà Aoh chia sẻ.

Nỗ lực bảo tồn nghề dệt truyền thống

Dù là nghề truyền thống, nhưng dệt thổ cẩm cũng đã đứng trước nguy cơ bị mai một. Phần vì xã hội hiện đại, văn hóa người làng đã có phần bị giao thoa với người kinh, phần khác là thế hệ trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề, nên người kế cận cứ thế ít dần. Để giữ gìn nghề dệt truyền thống, tỉnh và thành phố Kon Tum đã vào cuộc, có sự quan tâm, đầu tư đồng thời có nhiều sự hỗ trợ nên nghề dệt đã dần được khôi phục ở các làng đồng bào DTTS, như Kon K'tu, Kon Klor, Plei Tơ Nghia.

Bà con Ba Na chung tay lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống - 3
Thổ cẩm trên trang phục là sự tượng trưng cho vẻ đẹp độc đáo và thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

Tiêu biểu như làng Plei Tơ Nghia, nhằm giúp bà con trong làng phát huy nghề dệt truyền thống, có nơi sản xuất và tăng thu nhập, UBND phường Quang Trung đã đầu tư kinh phí 520.590.000 đồng để sửa chữa và nâng cấp nhà dệt của làng thay cho nhà dệt cũ đã xuống cấp. Đồng thời xây 1 nhà dệt mới diện tích 120,45m2 ở khu đất liền kề nhà dệt cũ.

Ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh, thành phố Kon Tum, những người phụ nữ Ba Na ở các làng đồng bào DTTS ở thành phố Kon Tum cũng ngày ngày giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tiêu biểu là gia đình nhà bà Y Chrứt ở làng Plei Tơ Nghia được nhiều người dân trong làng biết đến vì cả gia đình bà đều biết dệt thổ cẩm. Bà Y Chrứt có 6 cô con gái, để giữ gìn nghề dệt truyền thống, bà Chrứt đã dạy lại cho các con của mình nghề dệt. Trong số đó có chị Y Thoach, một người dệt có tiếng ở Plei Tơ Nghia, chị Thoach có thể dệt được hoa văn truyền thống xưa của người Ba Na, đây là loại hoa văn mà ngày nay rất ít người làm được. Tại nhà, Y Thoach còn nhận ráp, may thành trang phục cho dân làng.

Bà con Ba Na chung tay lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống - 4
Chị Y Blanh, Tổ trưởng tổ liên kết nhà dệt thổ cẩm ở làng Plei Tơ Nghia đang giới thiệu về sợi bông truyền thống để làm nên những tấm thổ cẩm mang bản sắc riêng của dân tộc mình.

Chị Y Blanh, tổ trưởng tổ liên kết nhà dệt thổ cẩm ở làng Plei Tơ Nghia cho biết: "Nhà dệt Plei Tơ Nghia hiện nay có 16 thành viên, hầu hết là người phụ nữ dân tộc Ba Na. Nhờ có nhà dệt mà chị em có thêm việc làm, cải thiện thêm được thu nhập, đồng thời qua đó giữ gìn nghề dệt truyền thống của người Ba Na. Người phụ nữ ở trong làng cũng rất tích cực truyền dạy cho con gái. Con gái của Y Thoach, con gái của mình và một số chị em hội viên đến nay cũng đã biết dệt. Đây cũng là lớp kế cận trong tương lai trong việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm