Đắk Nông:

Làm sao để thổ cẩm Việt Nam thực sự được "sống" ?

Dương Phong

(Dân trí) - Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần II đang được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông. Với 40 dân tộc thiểu số, nền văn hóa đa dạng, Đắk Nông hy vọng sẽ nâng tầm giá trị của thổ cẩm...

Đưa thổ cẩm ra khỏi buôn làng

Chiều 27/11, trong khuôn khổ của Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần II, ngay tại bìa rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (huyện Đắk Song), tỉnh Đắk Nông đã tái hiện một không gian thổ cẩm độc đáo được- trình diễn thời trang thổ cẩm.

Những buổi trình diễn thời trang trước đây rất "kén" người theo dõi. Thế nhưng, trước khi "show" thổ cẩm chính thức bắt đầu, hàng trăm người dân địa phương đã lặn lội đến đây để theo dõi. Phần lớn đều muốn biết được, ngoài khố, khăn, váy áo… thì thổ cẩm sẽ được sử dụng, ứng dụng như thế nào trong thời trang.

Làm sao để thổ cẩm Việt Nam thực sự được sống ? - 1

Nghệ nhân tại làng nghề Đắk Nia dệt thổ cẩm chuẩn bị cho lễ hội

Nghệ nhân H'Bình (xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa) là một trong số những nghệ nhân được các nhà thiết kế "đặt hàng" thổ cẩm. Những tấm thổ cẩm của người Mạ, trước đây vốn chỉ được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Thế nên, được tham gia vào chương trình đặc biệt này, H'Bình càng cảm nhận được giá trị của những tấm vải do tự mình dệt nên.

Nữ nghệ nhân tự hào, mới đây với cương vị là tổ trưởng tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm truyền thống xã Đắk Nia, chị mang chiếc chăn thổ cẩm dệt tỉ mẩn gần cả tháng cho một người bạn hàng đến từ Indonesia xem. Cũng chính từ đây, chị đã nuôi dưỡng ý tưởng, đưa nghề dệt truyền thống ra khỏi phạm vi buôn làng, đưa thổ cẩm vượt ra khỏi địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Làm sao để thổ cẩm Việt Nam thực sự được sống ? - 2
Nghệ nhân H'Bình (thứ 3 từ phải qua) hy vọng, thổ cẩm của đồng bào Mạ có thể vươn tầm thế giới

"Rất nhiều người thích thổ cẩm, nhưng họ mua cả tấm về thì không biết để làm gì và chi phí rất lớn. Việc ứng dụng thổ cẩm của đồng bào vào các trang phục hiện đại, phù hợp với thị hiếu người sử dụng càng làm lan tỏa những vẻ đẹp thổ cẩm của chúng tôi", nữ nghệ nhân nói.

Làm sao để thổ cẩm Việt Nam thực sự được sống ? - 3
Nhiều nghệ nhân trăn trở vì thổ cẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức

Nhà thiết kế Lý Quí Khánh, một trong ba NTK trình diễn tại show thổ cẩm cho rằng, vì thổ cẩm có rất nhiều đặc trưng, chứa đựng những nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc nên không phải ai cũng tiếp thu được những nét đặc trưng đó.

"Thông qua các thiết kế thời trang, chúng ta đang góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn những vẻ đẹp của thổ cẩm. Những trang phục sử dụng thổ cẩm không chỉ gói gọn trong buôn làng mà sẽ được sử dụng tại các buổi lễ, buổi tiệc lớn, qua đó lan tỏa vẻ đẹp của thổ cẩm Việt Nam", nhà thiết kế chia sẻ.

Làm sao để thổ cẩm Việt Nam thực sự được sống ? - 4
Những thiết kế hiện đại của NTK nước ngoài sử dụng chất liệu thổ cẩm Việt anm

Tương tự, NTK Valentine Vân Nguyễn, chủ nhân Bộ sưu tập "CAM" cho rằng, để thổ cẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, thoát ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp của một buôn làng thì dệt thổ cẩm phải được coi là một nghề- nghề kiếm sống của nghệ nhân. Các thiết kế thổ cẩm, bằng nhiều cách khác nhau, sẽ tiếp cận với khán giả, người tiêu dùng để từ đó kích cầu thổ cẩm.

Phải sống được bằng thổ cẩm

Nghệ nhân Ka Mom, dân tộc Châu Mạ (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), mấy năm trước, bà Ka Mom đã thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm với 15 thành viên. Tuy nhiên, 1 năm sau thì tổ hợp tác cũng tan rã nên đến thời điểm hiện tại, nghệ nhân tự dệt, tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm.

Làm sao để thổ cẩm Việt Nam thực sự được sống ? - 5

Nghề dệt thổ cẩm vẫn chưa đảm bảo cuộc sống cho người dân

Bà Ka Mom kể, để dệt được 1 tấm vải làm áo, bà phải mất hơn 1 tuần. Trong khi đó, 1 cái áo chỉ bán được khoảng 800.000 đồng, chưa kể chi phí nên hầu như không ai sống được bằng nghề.

Bà Lâm Nữ Minh (dân tộc Chăm, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), 1 trong 80 hội viên của HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp. Hiện nay, trừ các chi phí, mỗi tháng hội viên thu nhập được 1,5 triệu đồng/người.

Theo bà Minh, trong HTX, chủ yếu là cùng nhau sinh hoạt cộng đồng, cùng nhau bảo vệ thổ cẩm người Chăm chứ thu nhập rất thấp. Trừ một số ít yêu thổ cẩm dân tộc, người trẻ hầu như không còn ai theo nghề. Sản phẩm làm ra chỉ bán cho khách du lịch nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên không có thu nhập.

Làm sao để thổ cẩm Việt Nam thực sự được sống ? - 6

Hai NTK nước ngoài đã đưa thổ cẩm Việt Nam vào trong thiết kế của mình

"Với thu nhập như vậy, chúng tôi không thể tự đưa sản phẩm của mình đi quảng bá, giới thiệu. Do đó, mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động như lễ hội này để được hỗ trợ đưa các sản phẩm đi giao lưu, học hỏi và bán được sản phẩm.

Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc dùng để làm ra sợi vải, còn đã là thổ cẩm người Chăm thì phải được dệt bằng tay. Quan trọng nhất là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Khi sản phẩm lưu thông, sống được bằng nghề, tự khắc nghề sẽ được bảo tồn, phát triển", bà Lâm Nữ Minh nói.

Làm sao để thổ cẩm Việt Nam thực sự được sống ? - 7
Trải qua 2 mùa lễ hội, song đến nay thổ cẩm vẫn chưa định hình được lối đi phù hợp

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định chính thổ cẩm đã góp phần tạo nên tình đoàn kết và sự đa dạng về bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em, là cầu nối văn hóa giữa chúng ta và bạn bè quốc tế.

"Để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, cần phải có sự cải tiến sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng phải bảo đảm lưu giữ được giá trị cốt lõi.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo động lực khuyến khích đồng bào tự thân tìm kiếm thị trường tại các điểm du lịch, thiết lập các địa điểm hay gian hàng bán lẻ thổ cẩm; tổ chức liên kết vùng với các HTX, CLB hay các công ty kinh doanh thổ cẩm để tìm kiếm thị trường, nắm kỹ hơn về thị hiếu và sự quan tâm của khách hàng với các loại sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Nông", ông Trung nói.