Thầy giáo tìm bằng được phong bì trong giỏ quà Tết trả lại phụ huynh

Quang Trường

(Dân trí) - Ngày Tết, có giáo viên chỉ nhận hoa, thiệp và trả lại phong bì hay những món quà đắt tiền, có người nhận quà rồi chia đều cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Muôn kiểu "trốn" quà Tết của thầy cô giáo

Để không phải khó xử trước phong bì chúc Tết, thầy Đinh Văn Dũng - giáo viên toán tại một trường THPT ở Thái Nguyên cho biết, với những món quà chung của học sinh và phụ huynh, thầy chỉ nhận hiện vật và gửi lại tiền mặt.

Trước kia, từ khoảng 23 tháng Chạp đến mùng 3 Tết, có rất nhiều nhóm học sinh, phụ huynh các lớp hẹn tới nhà để chúc Tết riêng nhưng thầy đều từ chối với các lý do về quê, bận sắm sửa cho Tết, đi chúc Tết.

"Tôi viện cớ để họ không tìm đến chúc Tết riêng. Tuy rất muốn học sinh và bố mẹ các em đến nhà chơi cho vui nhưng họ luôn mang theo quà, đặc biệt là phong bì khiến tôi rất khó xử.

Không phải chê quà mà tôi cảm thấy những người có mục đích tri ân thì ít còn nhờ thầy ưu ái, cho con điểm cao thì nhiều. Hơn nữa, không phải ai cũng có điều kiện tặng quà cho thầy, những người có hoàn cảnh khó khăn biết thầy nhận quà riêng của các em khác sẽ tủi thân, có người phải cố gắng "đi" thầy cho bằng người khác", thầy Dũng nói.

Thầy giáo tìm bằng được phong bì trong giỏ quà Tết trả lại phụ huynh - 1
Thầy cô khó xử trước phong bì chúc Tết của phụ huynh (Ảnh minh họa: D.T).

Thầy Dũng cho biết, nhiều phụ huynh biết thầy chỉ viện lý do để tránh gặp nên vẫn cố tình chở con qua biếu quà. Để không mất lòng ai, thầy chỉ nhận giỏ quà và tìm bằng được chiếc phong bì giấu trong giỏ để mừng tuổi lại học sinh.

Có những phụ huynh đến nhà nhưng không gặp được thầy, họ gửi phong bì cho người nhà thầy. Thầy cất giữ món quà, ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết, thầy chọn con em của những phụ huynh đó lên bảng làm bài tập và lì xì cho các em bằng số tiền mà bố mẹ các em gửi, coi như mừng tuổi cho những học sinh đầu tiên lên bảng trong năm mới.

Thầy Dũng nổi tiếng qua nhiều thế hệ học sinh bằng những cách "trốn" quà Tết này. Những khóa mới truyền tai nhau không nên "đi" phong bì vì nhất định thầy sẽ trả lại. Nhờ vậy, những năm gần đây, thầy đã thoải mái mở cửa đón học sinh và bố mẹ các em đến nhà chúc Tết. Đa số đã nghe danh thầy Dũng nên thường chỉ biếu thầy giỏ quà, chai rượu.

"Tuy vẫn có người biếu phong bì nhưng tôi chỉ cần từ chối một lần, họ hiểu mình nên không nài nỉ nữa. Trước kia, nhiều học sinh cũ phàn nàn vì khó gặp thầy ngày Tết. Bây giờ, các em kéo đến chúc Tết thầy nườm nượp, tôi bảo các em chỉ cần biếu tôi hộp bánh, đặt lên ban thờ tổ tiên. Không có bóng dáng chiếc phong bì, thầy trò ăn Tết với nhau vui vẻ hẳn", thầy Dũng cho biết.

Khác với thầy Dũng, cô Lê Thùy Phương - giáo viên tiểu học tại Hà Nội không từ chối bất kỳ món quà, chiếc phong bì chúc Tết nào. Tuy nhiên, giáo viên này chỉ nhận quà trước Tết và nói rõ với học sinh và phụ huynh rằng, món quà này không chỉ dành tặng cô.

Thầy giáo tìm bằng được phong bì trong giỏ quà Tết trả lại phụ huynh - 2

Cô Phương chia quà của phụ huynh chúc Tết mình cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: NVCC).

Ngày đi học cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết, cô Phương chia đều số quà, tiền phong bì và trao cho những em có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Những học sinh này về nghỉ Tết với túi quà là hộp bánh, mứt, lon bia, nước ngọt kèm theo chiếc lì xì đựng từ 200-500 nghìn đồng tiền mặt.

Lì xì nhiều hay ít tùy vào quà mà cô Phương nhận được. Cô cũng trích một phần phong bì để mua bánh kẹo cho các em liên hoan cuối năm.

"Trước kia, tôi cương quyết không nhận món quà nào từ học sinh vì chiếc phong bì ngày Tết kèm theo lắm điều tiếng. Nhưng phụ huynh và các em đã có lòng chuẩn bị, tôi rất ngại phải từ chối. Từ đó, tôi nghĩ ra cách nhận quà rồi lì xì cho các em học sinh nghèo, vượt khó.

Như vậy, món quà của phụ huynh trở nên ý nghĩa hơn khi vừa thể hiện sự tri ân giáo viên, vừa góp sức mang Tết về cho những hoàn cảnh khó khăn, bản thân tôi cũng không cảm thấy gượng khi được chúc Tết", cô Phương nói.

Khi quà Tết thầy cô đậm về tinh thần hơn vật chất

Năm ngoái, chị Nguyễn Thị Mai chuyển con từ trường công sang trường một trường liên cấp tư thục. Gần Tết Nguyên đán, vợ chồng chị bàn nhau chuyện chúc Tết giáo viên của con.

Nghe bố mẹ nói chuyện, con gái chị liền cho biết, thầy cô dặn cả lớp về nói với bố mẹ rằng không được chúc Tết thầy cô bằng bất kỳ món quà gì, kể cả hoa, thầy cô chỉ nhận thư chúc Tết do tự tay phụ huynh và học sinh viết. Những học sinh nào thiết kế thiệp đẹp, viết ra nhiều kỷ niệm ý nghĩa với thầy cô sẽ được lì xì. Ngoài thiệp, học sinh có thể vẽ tranh chủ đề Tết để tặng thầy cô.

Thầy giáo tìm bằng được phong bì trong giỏ quà Tết trả lại phụ huynh - 3
Những tấm thiệp được con chị Mai cùng các bạn viết tặng thầy cô (Ảnh: NVCC).

"Biết vậy nhưng vợ chồng tôi vẫn chuẩn bị quà, phong bì rồi mang đến nhà chúc Tết giáo viên. Mục đích là để tri ân công ơn dạy dỗ của thầy cô. Tôi cũng nghĩ không có thầy cô nào chê quà cả.

Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm của con nhất quyết từ chối món quà. Cô nói rằng vì nhà trường cấm tuyệt đối giáo viên nhận quà cáp dưới bất kỳ hình thức nào, trong cuốn sổ tay dành cho học sinh và phụ huynh cũng đã nêu rõ. Nếu chuyện nhận quà Tết bị lộ, cô có thể bị kỷ luật ngay lập tức", chị Mai cho biết.

Theo chị Mai, ở trường tư, quy định cấm học sinh, phụ huynh tặng quà giáo viên vào các ngày lễ, tết được tuân thủ tuyệt đối. Năm đầu chuyển con về trường tư, do còn thói quen quà cáp, phong bì cho thầy cô từ trước nên nhiều lần chị mất công chuẩn bị quà mà không tặng được.

"Sau này hỏi ra mới biết "văn hóa" quà cáp không tồn tại ở trường tư nơi con tôi theo học. Trước đây, nhà trường cho phép giáo viên nhận quà bằng hoa nhưng sau đó cấm mọi hình thức quà cáp. Tết năm nay, vợ chồng tôi sẽ dạy con làm thiệp, vẽ tranh để chúc Tết thầy cô", chị Mai nói.

Cô Vũ Thị Hồng - Giáo viên tại một trường tư ở Hà Nội cũng khẳng định, không giáo viên nào trong trường dám nhận phong bì chúc Tết từ phụ huynh, học sinh. Dịp Tết Nguyên đán, nhà trường tổ chức cho học sinh tri ân giáo viên bằng một lễ hội gói bánh chưng. Tại lễ hội, các em gói bánh, bày mâm ngũ quả dưới sự hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh.

Thầy giáo tìm bằng được phong bì trong giỏ quà Tết trả lại phụ huynh - 4
Học sinh tại trường tư nơi cô Hồng đang công tác học gói bánh chưng tặng thầy cô dịp Tết (Ảnh: NVCC).

Học sinh dùng chính thành quả của mình là những chiếc bánh chưng, tấm thiệp để gửi tặng thầy cô. Sau đó, các em cũng được mang bánh về nhà ăn Tết. Đặc biệt, phụ huynh không phải đóng góp bất kỳ chi phí gì để tổ chức lễ hội.

Cô Hồng cho biết thêm, nhà trường quy định giáo viên chỉ được nhận quà là hoa, bánh kẹo chúc Tết từ phụ huynh, tuyệt đối không nhận tiền mặt. Tuy vậy, nhiều phụ huynh vẫn cố tình nhét phong bì vào lẵng hoa, túi quà Tết khiến không ít lần cô phải trả lại quà.

*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi