"Thấu hiểu" - câu thần chú khiến thầy và trò hạnh phúc trong giáo dục

Mai Châm

(Dân trí) - "Chúng tôi đã thay đổi khi không dạy học như những người thợ chỉ rót đầy kiến thức vào trẻ. Chúng tôi trở thành những thầy cô giáo hạnh phúc, điều đó giúp cho học sinh hạnh phúc".

"Thay đổi không phải bao giờ cũng dễ dàng, nhưng thay đổi luôn luôn là yêu cầu của mọi nghề, đặc biệt là một nghề giàu tính sáng tạo như nghề dạy học. Chúng tôi đã thay đổi khi không dạy học như những người thợ chỉ rót đầy kiến thức vào trẻ.

Có người điều chỉnh cách nói, giọng nói, cách ăn mặc. Có người điều chỉnh cách ứng xử với học sinh và đồng nghiệp. Cao hơn nữa, nhiều thầy cô thay đổi về cách nghĩ, cách cảm nhận về nghề nghiệp, về học sinh.

Mỗi người thay đổi từng ngày, từng ngày và vài năm trôi qua chúng tôi đã trở thành những thầy cô giáo hạnh phúc, điều đó giúp cho học sinh hạnh phúc và cha mẹ học sinh cũng luôn hạnh phúc", Hiệu trưởng Đàm Tiến Nam của Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.

Thấu hiểu - câu thần chú khiến thầy và trò hạnh phúc trong giáo dục - 1

Hiệu trưởng Đàm Tiến Nam của Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) tâm huyết về triết lý xây dựng trường học hạnh phúc.

"Chúng tôi đã thay đổi, nhưng để những mầm xanh lớn lên, thì yêu cầu thay đổi cũng nhiều hơn, vậy thì những tình cảm, yêu thương có phải là tất cả, hay còn cần tới một câu thần chú kỳ diệu nào đó để mỗi khi hô lên: "Vừng ơi ! Mở cửa !" thì mọi việc bỗng trở nên tuyệt vời.

Vậy câu thần chú ấy là gì ? Câu thần chú kỳ diệu để chúng ta có thể mở cánh cửa mọi tâm hồn học trò, đưa chúng ta trở thành người đồng hành gần gũi, thân thiết của mỗi học trò đã nằm ở trái tim yêu thương của mỗi thầy cô - chính tình yêu thương đã làm nên những điều phi thường.

Câu thần chú của chúng ta còn nằm ở sự thấu hiểu tuyệt vời tâm lý con người nói chung và tâm lý học trò nói riêng, để chuyển hóa những tình cảm yêu thương thành những việc làm, những hành động tuy bình dị mà trở thành biểu tượng quyết định cho sự thay đổi của một học trò.

Đó chính là khả năng ứng dụng một cách thuần thục những kiến thức tâm lý học vốn trừu tượng vào cuộc sống vô cùng phong phú và cũng không kém phần phức tạp của mỗi thầy cô giáo chúng ta.

Tự học hỏi, tự thay đổi để vận dụng kiến thức tâm lý học vào thực tiễn, nhiều thầy cô đã vươn mình trở thành những nhà giáo dục tài năng, nhà tâm lý học thực hành nắm trong tay câu thần chú kỳ diệu để mỗi khi khó khăn, đọc lên thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp", thầy Đàm Tiến Nam tâm sự.

Thấu hiểu - câu thần chú khiến thầy và trò hạnh phúc trong giáo dục - 2

Các giáo viên tâm sự, chia sẻ về cách giúp học trò tiến bộ bằng cách thấu hiểu, chia sẻ.

Tại hội thảo" Xây dựng Trường học hạnh phúc - Hành trình thay đổi vì sự phát triển của mỗi học sinh", các thầy cô giáo đến từ các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội "dốc bầu tâm sự" về chuyện nghề, chuyện đời. Những câu chuyện xúc động khiến người nghe rơi lệ được giãi bày như một cách truyền cảm hứng để giáo viên thêm yêu nghề, mở rộng tấm lòng với học trò hơn nữa.

Cô giáo Đào Khánh Vân, chủ nhiệm lớp 11D8 kể câu chuyện: "Lớp 11D8 là một lớp ghép, với 30 thành viên chuyển tới từ 30 trường khác nhau. Các em có phong cách và cả sự nổi loạn khác nhau. 

Có những con học sinh nhút nhát, không muốn mở lòng; lại có những con quá bạo dạn, thậm chí là mất kiểm soát; có con không thể học được Toán, Anh, Văn và có con thì chẳng thích học chuyển trường vì vấn đề tâm lí hay vấn đề bạn bè hoặc cũng vì sự ép buộc của cha mẹ. Làm thế nào để biến một tập thể lớp "hỗn loạn" trở thành một lớp học hạnh phúc đây? Câu hỏi đặt ra và rơi vào bế tắc".

Cô Khánh đã bỏ nhiều công sức nỗ lực để gắn kết tập thể lớp. Trong suốt hành trình, cô gặp phải nhiều khó khăn: học trò đánh nhau, học trò phản nghịch không nghe lời, phụ huynh không hợp tác... khiến cô nhiều lần chán nản rồi lại tự vực dậy tinh thần cố gắng thấu hiểu học trò.

Thấu hiểu - câu thần chú khiến thầy và trò hạnh phúc trong giáo dục - 3

Những giọt nước mắt xúc động đã rơi khi lắng nghe câu chuyện thầy - trò.

Rồi chính học trò dạy cho cô Khánh bài học yêu thương: "Suy nghĩ và hành động tôi đã thay đổi cách quản lí, giáo dục của mình. Thay vì trách mắng tôi kiên nhẫn lắng nghe, phân tích cái đúng, cái sai, cái lợi cái thiệt đến các con. Và đặc biệt nghiêm khắc hơn trong việc uốn nắn từ lời ăn, tiếng nói, nề nếp đến việc chỉ cho các con cách học sao cho hiệu quả đối với từng môn.

Tôi dành hẳn 2-3 tiếng sẵn sàng nghe các con tâm sự hoặc cần mình nhất. Đặc biệt tôn trọng cá tính và sự khác biệt của mỗi con, khuyến khích các con phát huy, khen thưởng và động viên kịp thời".

Hiện tại, cô Khánh đã có thể hạnh phúc nói lên rằng: "Các con đúng là những viên đá cuội đã phấn đấu hết mình để hành trình hạnh phúc càng thêm ý nghĩa".

Cũng tại hội thảo này, những câu chuyện có thật trên giảng đường, trong lớp học hạnh phúc của các giáo viên chủ nhiệm trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, những chia sẻ đến từ những chuyên gia tâm lý đã truyền cảm hứng đến những thày cô đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.