Tâm lý e ngại của giáo viên, cha mẹ chính là rào cản dạy học trực tuyến?

(Dân trí) - Vấn đề cần giải quyết trước tiên cho dạy học trực tuyến chưa phải là chương trình giáo dục, kỹ năng sư phạm, khả năng công nghệ... mà chính là vấn đề tâm lý của giáo viên, học sinh và cha mẹ.

Tâm lý e ngại của giáo viên, cha mẹ chính là rào cản dạy học trực tuyến? - 1

Một lớp học trực tuyến.

 Tâm lý thiếu tin tưởng vào giá trị của học trực tuyến

TS Phạm Quang Tiệp, trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN cho biết, nhiều bài học về tổ chức dạy học trực tuyến của các quốc gia trên thế giới ở giai đoạn đầu đại dịch đã cho thấy rằng: rào cản lớn của việc tổ chức dạy học trực tuyến chính là những trở ngại về mặt tâm lý.

Trong đó đáng kể nhất là sự thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các công cụ dạy học trực tuyến. Sự lo ngại về khả năng thích ứng với dạy học trực tuyến của nhà trường, giáo viên và học sinh. Đặc biệt là thiếu tin tưởng vào những giá trị mà dạy học trực tuyến có thể mang lại cho học sinh.

Chính vì vậy, vấn đề cần giải quyết trước tiên cho dạy học trực tuyến chưa phải là chương trình giáo dục, kỹ năng sư phạm, khả năng công nghệ... mà chính là vấn đề tâm lý. Tâm lý của tất cả các đối tượng liên quan, bao gồm giáo viên, học sinh và cha mẹ, cụ thể:

Thứ nhất, ý thức được rõ ràng rằng học trực tuyến là lựa chọn tốt trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh. Vì sự phát triển, sự khôn lớn, sự trưởng thành của học sinh không vì đại dịch, không vì giãn cách mà dừng lại. Nên thay vì e ngại và ngập ngừng cho việc có làm hay không, thì hãy quyết liệt để làm tốt nhất trong điều kiện cho phép.

Thứ hai, tôn trọng nhu cầu phát triển chính đáng của con trẻ: Đó là được học để phát triển bản thân. Khi tham gia vào môi trường lớp học, học sinh có nhiều cơ hội để cải thiện các năng lực giao tiếp xã hội; nâng cao nhận thức về tri thức khoa học; phát triển đa dạng các kỹ năng phù hợp với lứa tuổi. Vậy nên học tập là nhu cầu chính đáng và khẩn thiết trong chính nội tại mỗi học sinh.

Nhận ra được khó khăn của bản thân để tìm kiếm sự giúp đỡ. Mỗi vai khác nhau trong mô hình học trực tuyến sẽ có những tâm lý e ngại và khó khăn khác nhau. Muốn vượt qua thì cần chia sẻ và được chia sẻ. Sự chia sẻ của cộng đồng, cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương tạo nên sự tự tin để vượt qua những khó khăn cả về tâm lý, trình độ công nghệ, điều kiện hạ tầng.

Thứ ba, hiểu rõ hơn về dạy học trực tuyến: Nhiều phần mềm, ứng dụng và các thiết bị ngoại vi ngày nay hỗ trợ rất tốt cho dạy học trực tuyến, khiến việc dạy học trực tuyến trở nên sống động, hấp dẫn, nhiều tương tác.

Do vậy, dạy học trực tuyến đúng cách không phải là giảng bài trực tuyến, là truyền thụ một chiều, là nhàm chán, tẻ nhạt mà đầy sinh động, hấp dẫn và hiện thực.

Xây dựng chương trình học trực tuyến phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi

TS Phạm Quang Tiệp cho rằng, việc học với thời lượng bao nhiêu tiết một ngày tùy thuộc vào độ tuổi của học sinh, tính đặc thù của từng cấp học và khả năng hỗ trợ, đồng hành của cha mẹ với quá trình học tập trực tuyến của con. Khi xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, ngoài những căn cứ về nội dung chương trình giáo dục thì nhà trường cũng cần lưu ý tới đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh.

Để đảm bảo thời gian tiếp xúc với màn hình trong quá trình học tập không ảnh hưởng nhiều tới thị lực và các vấn đề về tâm sinh lý của trẻ. Đối với học sinh đầu cấp tiểu học, chỉ nên học trực tuyến một buổi trong ngày và đảm bảo tổng thời gian mỗi ngày các con tiếp xúc với màn hình không quá hai tiếng.

Điều quan trọng mà nhà trường và giáo viên cần lưu ý là chất lượng của mỗi giờ học trực tuyến chứ không phải ở số giờ các con ngồi trước màn hình máy tính, tivi. Do đó, nhà trường cần tăng cường tập huấn cho giáo viên về thiết kế và tổ chức dạy học trực tuyến để nâng cao chất lượng, hiệu quả của từng tiết học.

Cha mẹ cũng cần đồng hành để hỗ trợ tốt nhất cho các con không chỉ về kiến thức, kĩ năng công nghệ trong quá trình học tập trực tuyến, mà quan trọng nữa là về sự thăng bằng tâm lý, sự phát triển thể chất, cảm xúc xã hội của các con.

Tâm lý e ngại của giáo viên, cha mẹ chính là rào cản dạy học trực tuyến? - 2

Dạy học trực tuyến sẽ là một phần không thể thiếu của nền giáo dục hiện đại.

Những giải pháp cốt lõi trong học trực tuyến

Dạy học trực tuyến sẽ là một phần không thể thiếu của nền giáo dục hiện đại, là phương thức hiệu quả có khả năng khỏa lấp những khó khăn về khoảng cách địa lý và mang lại cơ hội bình đẳng trong giáo dục.

TS Phạm Quang Tiệp cho biết, việc tháo gỡ hoàn toàn khó khăn cho dạy học trực tuyến cũng là không thể đối với cả những quốc gia đảm bảo từ hạ tầng công nghệ đến thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên ưu tú. Do vậy việc chúng ta cần làm là triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh phát triển tốt nhất trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Giải pháp đầu tiên phải kể đến đó là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang triển khai rất nhiều các hoạt động cho thực tiễn hiện nay, đó là: giảm tải các nội dung học tập, đổi mới đánh giá học sinh trong dạy học trực tuyến, xây dựng kho tư liệu bài học, học liệu số, tập huấn giáo viên - cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng kênh hỗ trợ nhà trường - giáo viên - cha mẹ - học sinh, kết hợp với các Bộ - Ngành để mang sóng internet và máy tính đến với học sinh, cùng nhiều các giải pháp chuyên môn khác.

Giải pháp cốt lõi thứ hai đó là vai trò của giáo viên và cha mẹ học sinh trong dạy học trực tuyến. Giáo viên cần thiết kế và tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả; cha mẹ cần đồng hành, là bạn học, bạn chơi và là cầu nối để kết nối giáo viên - học sinh được liên tục, thông suốt.

Giải pháp tiếp theo đó là việc cải thiện hạ tầng công nghệ, kho học liệu số, thư viện bài giảng dành cho gia đình, phiếu bài tập tại nhà,… để mang bài học đến được với mọi học sinh dù ở nơi khó khăn nhất.

4 bước chuẩn bị để giờ học trực tuyến hiệu quả

Để có được một giờ học trực tuyến hiệu quả, TS Phạm Quang Tiệp quan điểm: "Chuẩn bị - Tiến hành - Đánh giá - Cải tiến". Cụ thể:

Chuẩn bị: Chuẩn bị thật tốt tâm thế -sự sẵn sàng, kiến thức chuyên môn và ứng dụng công nghệ, công cụ, phương tiện, học liệu.

Tiến hành: Tiến hành dạy - học - dạy tự tin để học sinh được truyền cảm hứng, để cha mẹ học sinh được vững tâm; học sinh tự tin để phát triển bản thân

Đánh giá: Đánh giá việc đã làm được, việc cần cải tiến để tổ chức dạy và học tốt hơn. Việc đánh giá này cần được tiến hành với cả giáo viên, cha mẹ và học sinh. Để mỗi người đều có kế hoạch và hành động cụ thể đảm bảo mỗi giờ học trực tuyến đều trở nên hiệu quả.

Cải tiến: Cải tiến cả về phương pháp, hình thức dạy - học trực tuyến, cải tiến về khả năng ứng dụng công nghệ dạy - học, cải tiến ngay cả từ trong tâm lý sẵn sàng của người dạy - người học là chìa khóa để việc dạy học trực tuyến ngày một tốt hơn, gần gũi và hiệu quả hơn.

TS Phạm Quang Tiệp cho rằng: "Dịch bệnh tạo ra khủng hoảng, khiến mỗi ngành nghề phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng đồng thời cũng mở ra những cách tiếp cận mới trong giải quyết vấn đề.

Đối với giáo dục, chính dịch bệnh tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển từ phương thức dạy học truyền thống sang phương thức dạy học có sự hỗ trợ của công nghệ, hay xa hơn là chuyển đổi số trong giáo dục.

Vì thế, chúng ta không nên xem dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh, mà hãy nhìn nó như một phần của quá trình hiện đại hóa trong giáo dục. Như vậy, tiếp cận trong giải quyết vấn đề của những người làm giáo dục sẽ cởi mở hơn, đồng thời cũng có một tầm nhìn xa hơn cho một nền giáo dục hiện đại".