1,5 triệu học sinh không có máy tính để học trực tuyến

Nhật Hồng

(Dân trí) - Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang triển khai học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1.500.000 (1,5 triệu học sinh).

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, tính đến thời điểm ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến).

Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 (7,35 triệu học sinh các cấp). 

Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1.500.000 (1,5 triệu học sinh).

1,5 triệu học sinh không có máy tính để học trực tuyến - 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, việc học trực tuyến không chỉ khó khăn ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành phố lớn.


Nhiều khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến

Sau một tuần học trực tuyến, theo khảo sát nhanh của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập như: TP. Hồ Chính Minh thống kê sơ bộ còn thiếu 77,000 máy tính để học trực tuyến; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 - 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng Internet; Ninh Thuận có trên 70% học sinh tiểu học, trên 30% học sinh THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến… sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận: "Khó khăn này không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành phố lớn. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này, do đó có một số tỉnh lùi thời gian học đối với cấp tiểu học.

Nhiều giáo viên thiết kế bài giảng trực tuyến theo cách làm cũ, thời gian tiết học dài làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự tập trung học tập của học sinh, chưa theo đúng hướng dẫn của Bộ là tinh gọn, chỉ đưa vào bài giảng những kiến thức cốt lõi cho học sinh".

Trước tình hình khó khăn chung của ngành Giáo dục, nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh, giáo viên như: Hà Nội huy động được hơn 2000 máy tính, thiết bị dạy học để tặng cho học sinh; Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức quyên góp, huy động ủng hộ máy tính, điện thoại để tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Thừa Thiên Huế trích ngân sách hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh; Hà Tĩnh huy động doanh nghiệp ủng hộ phương tiện học tập cho học sinh; Nghệ An cử cán bộ biên phòng đến các bản làng để hỗ trợ điện thoại và giúp đỡ học sinh học trực tuyến…

Các cơ sở giáo dục, giáo viên có nhiều sáng tạo để khắc phục khó khăn như dạy học và hướng dẫn việc học qua hình thức tin nhắn học đường, qua nhóm trên các mạng xã hội (zalo, facebook…); dạy học và hướng dẫn việc học qua tài liệu do giáo viên chuẩn bị và photo gửi đến gia đình học sinh…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm