So sánh trình độ học sinh Việt Nam và học sinh Mỹ qua bài kiểm tra năng lực

Nhật Hồng

(Dân trí) - Đây là bài kiểm tra được xây dựng bởi NXB giáo dục Houghton Mifflin Harcourt dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, được học sinh Mỹ sử dụng như một bài thi đánh giá năng lực định kỳ hàng năm.

So sánh trình độ học sinh Việt Nam và học sinh Mỹ qua bài kiểm tra năng lực - 1

Các bài thi SMI và SRI cho phép học sinh Việt Nam so sánh mình với học sinh Mỹ.

Ngày 25/6/2021, Trường phổ thông Mỹ trực tuyến Ivy Global School công bố về việc tổ chức bài kiểm tra chuẩn hóa năng lực SRI (Scholastic Reading Inventory) và SMI (Scholastic Math Inventory) nhằm giúp phụ huynh có cơ sở đánh giá kiến thức học sinh Việt Nam so với học sinh tại Mỹ.

Ở Mỹ, bài thi SRI (Scholastic Reading Inventory - bài thi Ngữ văn tiếng Anh) và SMI (Scholastic Math Inventory - Toán) là bài kiểm tra đánh giá được thực hiện 3-4 lần trong một năm học nhằm phản ánh năng lực của học sinh Mỹ so với mặt bằng chung. Bài kiểm tra thực hiện trên hệ thống thi của Houghton Mifflin Harcourt, được chấm điểm và phân tích kết quả bởi hệ thống và chuyên gia của Tổ chức giáo dục Houghton Mifflin Harcourt (Mỹ).

Hệ thống giáo dục Hoa Kỷ đi đầu thế giới về việc đánh giá năng lực người học qua các bài thi chuẩn hóa. Rất nhiều các bài kiểm tra học thuật đã rất quen thuộc với học sinh, sinh viên Việt Nam như TOEFL, SAT, ACT, AP…

Các bài thi SMI và SRI cho phép học sinh Việt Nam so sánh mình với học sinh Mỹ và là một bước đầu khám phá thú vị nếu các em định hướng đi du học sau này hoặc khám phá bản thân.

Bài thi kéo dài 60 phút/ môn, được xây dựng dưới dạng đề thi linh hoạt thích ứng. Căn cứ vào khả năng làm bài của thí sinh, các câu hỏi sẽ được thay đổi liên tục. Khi trả lời chính xác, mức độ khó của câu hỏi sẽ tăng lên và ngược lại.

Sau khi thực hiện bài kiểm tra, học sinh sẽ nhận được thông báo về điểm thi, xếp loại trình độ học sinh so với trung bình học sinh cùng khối ở Mỹ, khoảng điểm cần đạt được của học sinh tương ứng với khối lớp, hướng dẫn cải thiện các kiến thức và kĩ năng.

Với môn Ngữ văn (Language Art), học sinh sẽ được kiểm tra về năng lực đọc hiểu trên thang Lexile. Đây là thang đo kĩ năng đọc được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Thang đo Lexile cho kĩ năng đọc được dùng để đo lường sự phù hợp giữa khả năng của người đọc với độ khó của văn bản, qua đó cho phép theo dõi tiến trình của từng cá nhân.

Kết quả trả về sẽ bao gồm điểm Lexile, mục tiêu khi kết thúc năm học, phương án học tập, câu trả lời của học sinh và đáp án đúng của câu hỏi, xếp loại trình độ đọc hiểu của học sinh, điểm bài thi nền tảng và xếp loại trình độ.

Với môn Toán (Mathematics), học sinh sẽ được đánh giá năng lực toán học dựa trên 5 tiêu chuẩn nội dung của NCTM (Hội đồng Giáo viên Toán học Quốc gia, Hoa Kỳ) về Số học; Hình học; Đại số; Phân tích dữ liệu, xác suất; thang đo Quantile.

Thang Quantile đo lường bởi gần 500 kỹ năng và khái niệm toán học. Mỗi kỹ năng và khái niệm lại cần một thước đo riêng biệt. Thang được sử dụng để tham khảo trình tự kiến thức, kỹ năng và phân tích xem năng lực của học sinh đang ở đâu trên thang đo so với học sinh cùng độ tuổi.  Ngoài ra, khung Quantile cho phép đo độ khó của các kỹ năng và những khái niệm toán học nào mà học sinh sẵn sàng học theo. 

Mặc dù được tổ chức hoàn toàn trực tuyến nhưng toàn bộ quy trình kiểm tra đánh giá được tổ chức nghiêm túc như một kỳ thi thực sự tại Mỹ.

 Học sinh sau khi đăng ký kiểm tra sẽ được tạo số báo danh, gửi ảnh xác nhận. Trong suốt quá trình kiểm tra học sinh được yêu cầu bật camera để xác nhận danh tính, ghi màn hình để đảm bảo làm bài kiểm tra nghiêm túc, không sử dụng công cụ hỗ trợ. Học sinh được chia vào các phòng thi trực tuyến với sĩ số không quá 30 thí sinh và có đội ngũ giáo viên coi thi, hỗ trợ kỹ thuật.

 Sau khi nhận được kết quả thi được gửi trả từ Mỹ, đội ngũ chuyên gia, giáo viên của phổ thông Mỹ trực tuyến Ivy Global School sẽ hỗ trợ giải đáp, phân tích kết quả cho từng học sinh.