"Qua ống kính trẻ thơ": 15 năm ghi lại góc nhìn trẻ thơ về cuộc sống

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hơn 15 năm qua, chương trình "Qua ống kính trẻ thơ" do Panasonic khởi xưởng đã mang tới cơ hội học làm phim chuyên nghiệp cho hàng nghìn học sinh từ 10 đến 18 tuổi.

Ở đó, các bạn có cơ hội được học với các diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng, được phát triển kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, và được bày tỏ góc nhìn rất hồn nhiên và chân thật của mình về cuộc sống và những vấn đề của xã hội. Tới nay, hàng nghìn học sinh và gần 150 thước phim đã ghi lại những góc nhìn trong trẻo ấy.

Các câu chuyện với đa dạng góc nhìn trẻ thơ về cuộc sống

Năm 2021, "Qua ống kính trẻ thơ" (Kid Witness News - KWN) được tái khởi động mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra rất căng thẳng. Ban tổ chức vẫn thực hiện chương trình bằng cách mở các lớp học làm phim và các hoạt động khác dưới hình thức trực tuyến để phù hợp với tình hình giãn cách. Năm 2022, chương trình trở lại với nhiều hoạt động học tập trực tiếp, mang lại trải nghiệm phong phú hơn.

Qua ống kính trẻ thơ: 15 năm ghi lại góc nhìn trẻ thơ về cuộc sống - 1
Buổi thực hành quay phim ngoại cảnh và dã ngoại, team building của các nhóm làm phim (Ảnh: Panasonic Việt Nam).

Như một phần của chương trình "Panasonic vì trường học bền vững", lần đầu tiên chương trình KWN mở rộng phạm vi đến các trường học địa phương tại huyện Đông Anh, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các bạn nhỏ có niềm đam mê làm phim tại đây được thử sức sáng tạo trong lĩnh vực này.

Trong hai năm qua, các bạn học sinh tham gia đã sản xuất nhiều tác phẩm chạm đến cảm xúc người xem. Năm nay, chương trình làm phim xoay quanh các chủ đề là những mối quan tâm chung của xã hội như môi trường, phát triển bền vững hay các chủ đề về thể thao, giao tiếp như các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè… Theo ban tổ chức, các sản phẩm đã cho thấy các bạn nhỏ đã có cách tiếp cận mới mẻ, sáng tạo nhưng cũng rất hồn nhiên, trong sáng về các vấn đề này.

Qua ống kính trẻ thơ: 15 năm ghi lại góc nhìn trẻ thơ về cuộc sống - 2
Giảng viên Đặng Ngọc Dũng hướng dẫn các bạn nhỏ cách sử dụng máy quay (Ảnh: Panasonic Việt Nam).

Những tác phẩm đạt giải được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đồng thời là thành viên Ban Giám khảo đánh giá cao. Đó là câu chuyện "Dắt cua về đồng", thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các em đến vấn đề môi trường, được xây dựng với câu từ mạch lạc, dễ hiểu. Bộ phim "Hành trình của một viên pin" - một sự thể hiện rất độc đáo, kết hợp có tính ước lệ giữa ngôn ngữ hoạt hình và tài liệu.

Với phim "Dejavu" - tác phẩm đạt giải nhất cho lứa tuổi 13 - 18, các em đã có ý thức trong việc dựng phim kết hợp với âm thanh một cách khá nhuần nhuyễn, tạo ra một bộ phim hài hòa giữa nội dung và hình thức thể hiện.

Trưởng thành hơn sau chương trình

Cô giáo Nguyễn Thị Linh Chi, giáo viên hướng dẫn nhóm Zalpha - tác giả của phim đạt giải nhì của năm 2022 "Con không muốn bị so sánh" đến từ trường Archimedes Academy - quan sát thấy khi tham gia chương trình, các học sinh trong nhóm đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội, từ việc trình bày ý tưởng, xây dựng kế hoạch làm việc, phân công làm việc nhóm đến hỗ trợ nhau trong công việc... các con đều làm tương đối tốt.

"Trong thời gian hoàn thiện sản phẩm, có những lúc nhóm gặp khó khăn tuy nhiên các bạn cũng đã tự tìm cách giải quyết vấn đề. Đó là một trong những điều mà tôi đánh giá cao ở các con sau chương trình này", cô Chi cho biết.

Qua ống kính trẻ thơ: 15 năm ghi lại góc nhìn trẻ thơ về cuộc sống - 3
Các nhóm làm phim thực hành với máy quay chuyên nghiệp (Ảnh: Panasonic Việt Nam).

Xung phong nhận chân "cameraman" của nhóm làm phim "Tre Việt", bạn nhỏ Nguyễn Danh Khải, trường THCS Dịch Vọng Hậu, cho biết lần đầu tiên được tiếp xúc với máy quay phim chuyên dụng, nên những động tác lia máy sao cho bắt kịp hình ảnh vào đúng khung hình khiến Khải vô cùng thích thú.

Để có những khung hình về cảnh ho dữ dội của bố Bảo nhằm truyền tải thông tin tác hại của thuốc lá, Khải "mồ hôi chảy ròng ròng, nhiều lúc như nín thở vì sợ máy rung làm hỏng cả shot quay, phải quay lại thì thương chú ấy quá." - chia sẻ của cậu "cameraman" khi nhớ lại thời điểm ghi hình căng thẳng trong quá trình làm phim.

Qua ống kính trẻ thơ: 15 năm ghi lại góc nhìn trẻ thơ về cuộc sống - 4
Nguyễn Danh Khải (nhóm Tre Việt - Trường THCS Dịch Vọng Hậu) chia sẻ tại buổi lễ trao giải (Ảnh: Panasonic Việt Nam).

Sự trưởng thành của các em sau chương trình cũng được các bậc phụ huynh ghi nhận. "Các bạn đã có trách nhiệm với công việc của một ekip làm phim thực sự. Từ việc chuyển thể kịch bản thành những lời thoại, chia phân đoạn quay, đến phân công phân vai và chuẩn bị đạo cụ, các bạn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Kiên trì quay được những shot ưng ý và tập trung cao độ để dựng phim", chị Nguyễn Thị Thu Hằng - phụ huynh của một thành viên nhóm Tre Việt chia sẻ.

Theo đơn vị tổ chức, "Qua ống kính trẻ thơ" không chỉ là sân chơi cho các em học sinh, mà còn trao quyền cho các em cơ hội được lên tiếng, trở thành "nhân chứng" về các vấn đề xã hội, và truyền cảm hứng để các em giải quyết những vấn đề này, khởi xướng các sáng kiến cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Qua ống kính trẻ thơ: 15 năm ghi lại góc nhìn trẻ thơ về cuộc sống - 5
Tổng giám đốc Công ty TNHH Panasonic Việt Nam - ông Marukawa Yoichi - trao cúp cho các đội đạt giải nhất KWN 2021 & 2022 (Ảnh: Panasonic Việt Nam).

Ông Marukawa Yoichi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Panasonic Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình 'Qua ống kính trẻ thơ' như một phần trong cam kết của Panasonic nhằm hiện thực hóa tầm nhìn đóng góp cho sức khỏe của người Việt Nam và sự thịnh vượng và phát triển bền vững của xã hội thông qua những đóng góp lâu dài cho giáo dục và môi trường".