PGS.TS Bùi Anh Tuấn: "Giáo dục đại học Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với chuẩn mực quốc tế"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Vừa qua, Phí Lan Anh - sinh viên trường ĐH Ngoại thương đã xuất sắc giành được điểm số cao nhất toàn cầu ở môn Báo cáo Tài chính. Đây là thành tích đáng tự hào cho thấy giáo dục đại học ở Việt Nam đang có bước tiến mới, theo sát chuẩn mực thế giới.

Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương (FTU) xoay quanh vấn đề quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay.

Xin chào thầy! Chúc mừng thầy và nhà trường vì lần đầu tiên Việt Nam có một sinh viên được vinh danh ở vị trí đứng đầu trong kỳ thi của ACCA toàn cầu nói chung và tại môn Báo cáo Tài chính nói riêng. Thầy có thể chia sẻ cảm xúc lúc này được không ạ?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Báo cáo Tài chính là môn học cung cấp cho học viên kiến thức chuẩn mực về lập báo cáo tài chính quốc tế. Để vượt qua, học viên không chỉ cần nắm rõ lý thuyết mà còn phải áp dụng vào tình huống thực tế. Theo thống kê của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA), tỷ lệ đỗ hàng kỳ của môn học trên toàn cầu chỉ xấp xỉ ở mức 50%.

Vì vậy thành tích của em Phí Lan Anh với điểm số đạt 97/100, xếp vị trí cao nhất thế giới không chỉ là niềm tự hào với cá nhân sinh viên, gia đình, mà còn là hạnh phúc của đội ngũ các thầy cô khoa Kế toán - Kiểm toán và trường ĐH Ngoại thương nói chung. Mới đây, chúng tôi đã kết hợp với ACCA Việt Nam tổ chức một buổi lễ trực tuyến trang trọng để tôn vinh thành tích đáng tự hào của Lan Anh.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Giáo dục đại học Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với chuẩn mực quốc tế - 1

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: "Giáo dục đại học Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với chuẩn mực quốc tế".

Tiên phong đổi mới giáo dục, cách đây 6 năm, trường ĐH Ngoại thương đã bắt đầu đưa các môn của ACCA vào giảng dạy. Xin thầy có thể chia sẻ rõ hơn về định hướng đào tạo theo chuẩn nghề nghiệp quốc tế hiện đang được triển khai tại nhà trường?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Để xây dựng một chương trình đào tạo theo sát thực tiễn chuẩn mực nghề nghiệp quốc tế, cách nhanh nhất chính là tích hợp với các chương trình đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đầu năm 2015, ngay sau khi nhận trọng trách hiệu trưởng của trường ĐH Ngoại thương, tôi đã có buổi làm việc với ACCA Việt Nam và đến tháng 9/2015, tại Vương Quốc Anh, trường ĐH Ngoại thương cùng ACCA đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

Theo đó, FTU là ĐH đầu tiên tại Việt Nam tích hợp toàn bộ 9 môn cấp độ nền tảng của ACCA vào giảng dạy. Qua 6 năm, chương trình Kế toán - Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA của trường đã tuyển sinh được gần 500 sinh viên, trong đó gần 250 sinh viên đã trải qua các kỳ thi của ACCA toàn cầu. Từ khi triển khai, số lượng sinh viên trường ĐH Ngoại thương có thành tích điểm thi cao nhất Việt Nam tăng mạnh mẽ, có tới 30 lượt Prize Winner - học viên ACCA có điểm thi cao nhất môn tính theo kỳ thi. Các em không chỉ có thành tích điểm cao nhất Việt Nam mà còn đứng thứ hạng rất cao trên thế giới, trong đó nhiều em thuộc Top10 thế giới.

Đặc biệt, rất nhiều sinh viên sau tốt nghiệp đã được tuyển vào các doanh nghiệp hàng đầu, trong đó có hơn 60 sinh viên làm việc cho các công ty thuộc nhóm "Big 4" về lĩnh vực kiểm toán. Từ thành công của chương trình ACCA, chúng tôi đã tự tin nhân rộng mô hình hợp tác, phát triển các chương trình đào tạo theo chuẩn nghề nghiệp quốc tế đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng trên toàn cầu, thầy có thể chia sẻ thêm về những định hướng đào tạo để bồi dưỡng, hình thành một thế hệ sinh viên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn "công dân toàn cầu" của tương lai?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Quốc tế hóa giáo dục được coi là thế mạnh và trọng tâm phát triển tại trường ĐH Ngoại thương. Các chương trình đào tạo mới xây dựng đều có tính quốc tế hóa cao, định hướng nghề nghiệp rõ ràng nhằm giúp sinh viên tiếp cận với tiêu chuẩn của tổ chức nghề nghiệp quốc tế, đặc biệt nhà trường đang tích cực chuẩn bị vận dụng một cách linh hoạt chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy và học tập; tạo môi trường mở cho sinh viên; kích thích khả năng sáng tạo và đổi mới tư duy để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Bên cạnh mô hình giáo dục truyền thống, chúng tôi còn hợp tác với các đối tác nước ngoài xây dựng mô hình đại học "ảo" tận dụng những thành tựu từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Điển hình hiện nay chúng tôi đang xây dựng mô hình PAMS có sự tham gia của năm trường ĐH của 5 nước gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trường ĐH Ngoại thương là thành viên sáng lập của liên minh này. Mô hình này hướng tới xây dựng trường đại học "ảo" dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại nhất thế giới. Hiện học phần đầu tiên đã được đưa vào giảng dạy là "Trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh" với sự tham gia giảng dạy của những giáo sư hàng đầu thế giới. Chúng tôi kỳ vọng từ sự chuẩn bị chủ động này, nguồn nhân lực Việt Nam không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước mà còn cả thị trường quốc tế.

Nhân lúc đang nói về "Tinh thần giáo dục", theo thầy, giáo dục Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ giáo dục thế giới?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Tôi cho rằng, mỗi nền giáo dục đều có một triết lý và quy chuẩn riêng phù hợp, song hành với văn hóa bản địa. Xếp hạng quốc tế cũng là cách giúp chúng ta biết mình đang ở đâu nhưng quan trọng hơn cả là phải hướng đến mục tiêu đào tạo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của xã hội.

Tại trường ĐH Ngoại thương, chúng tôi coi giáo dục hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn, nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo là nền tảng cho triết lý. Tôi tin khi được đầu tư nghiêm túc thì chất lượng giáo dục của chúng ta không hề thua kém bất cứ quốc gia nào. Thành tích của em Lan Anh là một ví dụ! Với xu hướng quốc tế hóa giáo dục đồng thời vẫn đảm bảo cải tiến, phát triển để phù hợp với thực tế đất nước, giáo dục Việt Nam có thể tự tin sánh vai cùng thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn thầy!

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Giáo dục đại học Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với chuẩn mực quốc tế - 2

Ông Pulkit Abrol - Giám đốc khu vực ASEAN ANZ, ACCA: "Mối quan hệ hợp tác giữa trường ĐH Ngoại thương và ACCA có ý nghĩa quan trọng giúp chúng tôi thực hiện sứ mệnh của mình trong việc hỗ trợ nhân sự ngành Kế toán - Kiểm toán nâng cao chất lượng chuyên môn đồng thời đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Chúng tôi rất vinh dự khi được duy trì và mở rộng quan hệ chiến lược với trường. Với chất lượng đào tạo và giá trị văn bằng đã được chứng minh và công nhận trên toàn cầu, ACCA sẽ giúp sinh viên của trường chuẩn bị hành trang vững chãi cho sự nghiệp tương lai."