Nữ sinh ĐH Y Hà Nội gác bút nghiên, hai lần tình nguyện vào tâm dịch

M. Hà

(Dân trí) - Thảo Linh, cô sinh viên lớp Y 5 của ĐH Y Hà Nội tình nguyện gác bút nghiên vào vùng tâm dịch TPHCM. Chuyến đi của cô và đồng đội chưa hẹn ngày trở lại.

Hai lần tình nguyện vào tâm dịch

Hà Thảo Linh (lớp Y 5, Ngành Y học dự phòng) sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Ngày 25/8, sau lời kêu gọi cả nước trợ giúp các tỉnh miền Nam, nữ sinh gác bút nghiên xung phong cùng 140 thành viên nữa vào tâm dịch TPHCM.

Chuyến bay của Linh đáp xuống TPHCM vào khoảng 4h chiều. Khác với TPHCM trong những chuyến du lịch trước đây, trước mắt em là một Sài thành hoàn toàn khác lạ: vắng tanh, các chốt kiểm soát được lập ở mọi ngõ ngách.

Được biết đây là lần thứ 2, Linh xung phong vào vùng tâm dịch. Trước đó, sau lời kêu gọi cả nước trợ giúp Bắc Giang, Bắc Ninh của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, khoảng giữa tháng 5/2021, Linh cùng các bạn đã đến tâm dịch Bắc Ninh.

Nữ sinh ĐH Y Hà Nội gác bút nghiên, hai lần tình nguyện vào tâm dịch - 1

Hà Thảo Linh, sinh viên năm thứ 5, Trường ĐH Y Hà Nội. 

"Những ngày ở Bắc Ninh đúng đợt nắng nóng đỉnh điểm nên chúng em làm việc rất vất vả. Nhiều hôm phải ăn tối lúc 4h chiều và chuyển lịch lấy mẫu xét nghiệm sang ban đêm", Linh cho hay.

Kết thúc đợt đi Bắc Ninh, hoàn thành 21 ngày cách ly thì Linh tiếp tục nhận được lời kêu gọi tinh thần tình nguyện vào TPHCM của Đoàn trường ĐH Y Hà Nội.

"Do sinh viên đang giai đoạn nghỉ hè, sau đó học online ở nhà, nhiều bạn đã về quê nên trước mắt nhà trường kêu gọi những ai đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và hiện đang ở Hà Nội.

Không kịp nghĩ gì nhiều, em chỉ biết nơi đó đang cần mình và mình đáp ứng đủ yêu cầu nên đăng kí luôn.

Cả hai lần đi, mẹ em đều lo lắm. Và rồi em đã thuyết phục được mẹ để lên đường.

Nữ sinh ĐH Y Hà Nội gác bút nghiên, hai lần tình nguyện vào tâm dịch - 2

Tình nguyện viên của ĐH Y Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm tại TPHCM. 

Chuyến "du lịch" chưa hẹn ngày về

"Vài ngày đầu tiên vào TPHCM, do chưa kết nối được với các đầu mối nên chúng em khá vất vả. Ngay sau đó, nhờ sự kết nối của Đoàn trường và với các đầu mối là người quen của một số thầy cô trong đoàn, chúng em được chăm lo rất chu đáo", nữ sinh nhớ lại.

Được biết đoàn của Linh chia thành nhiều nhóm, tỏa đi làm việc tại các quận huyện. Riêng nhóm của Linh có 12 người, làm việc tại Trạm Y tế phường 7, quận 8.

"May mắn thời tiết ở đây không quá khắc nghiệt như đợt ở Bắc Ninh nhưng có những hôm phải lấy mẫu test hàng nghìn người mỗi ngày nên chúng em khá mệt.

Mặc dù vậy, thật may vì tình hình ở đây đang dần ổn định hơn nên nhiều gia đình cũng bớt phần lo lắng", Linh nói.

Chia sẻ về lý do hai lần đều xung phong vào tâm dịch, Linh cho hay, khi có thông tin dịch căng thẳng ở các địa phương trên, em không nghĩ gì nhiều, đơn giản thấy góp được chút sức lực nhỏ bé của mình cho những người dân ở những nơi đó quả thật là tốt. Nghĩ vậy thôi rồi em xin phép gia đình và lên đường.

Sau khi bắt tay vào công việc, cô nữ sinh này cũng nhận ra, đây cũng là cơ hội để em có thêm kinh nghiệm cho công việc của mình sau này. Đó là những điều đáng quý mà khi ngồi trên giảng đường các em không dễ gì có được.

Linh cũng cho biết thêm, năm ngoái mình từng đi du lịch ở TPHCM. Lúc đó, ấn tượng của em về vùng đất, con người và cả những món ăn ở đây đều khiến em rất yêu thích.

Ngay sau chuyến du lịch, em đã "săn" vé cả năm trời để hẹn tiếp tục quay trở lại thành phố này vào đợt nghỉ lễ 2/9 năm 2021. 

Thế nhưng dịch Covid bất ngờ bùng trở lại, kế hoạch du lịch lễ 2/9 bị hủy nhưng em lại có chuyến "du lịch" bất đắc dĩ ở TPHCM và chưa hẹn ngày trở lại.

Nữ sinh ĐH Y Hà Nội gác bút nghiên, hai lần tình nguyện vào tâm dịch - 3

Tình nguyện viên ĐH Y Hà Nội trên đường đến địa điểm làm việc ở TPHCM. 

Từng khốn khổ vì tin giả

Trao đổi với PV Dân trí ngày 3/9, TS. BS Tạ Đăng Quang, Trưởng đoàn tình nguyện vào TPHCM cho hay, đoàn có tổng 141 người, trong đó 15 bác sĩ, giảng viên, còn lại là sinh viên.

Các thành viên đều đi vào vùng tâm dịch theo tinh thần xung phong, không phải ép buộc. Có nhiều em chỉ ở nhà được thời gian ngắn sau khi đi Bắc Ninh và tiếp tục tình nguyện vào TPHCM.

Những ngày đầu mới chân ướt chân ráo vào đây, đoàn khá vất vả. Sau vài ngày, đoàn đã kết nối được với các đầu mối, ổn định nơi ăn chốn ở để mọi người bắt tay ngay vào công việc.

"Chúng tôi làm việc theo "luồng", từ công tác hậu cần đến đưa đón nhằm đảm bảo sức khỏe cho các thành viên.

Chẳng hạn các em từ phòng nghỉ xuống sảnh đã có đội ngũ hậu cần lo mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị sẵn đồ ăn, sữa, trái cây cho các em…

Như vậy, các thành viên chỉ chuyên tâm làm việc, không phải quá căng thẳng vì những chi tiết nhỏ", ông Quang cho biết.

Cũng theo TS. BS Tạ Đăng Quang, khi mới vào TPHCM, một số người tung tin giả, cho rằng, nhiều người bị trong đoàn bị phơi nhiễm khiến gia đình học sinh hoang mang, liên tục gọi điện liên lạc.

Sau khi được giải thích rõ đấy là thông tin không đúng, gia đình nhiều thành viên trong đoàn mới yên tâm.

"Chuyến đi này chúng tôi chưa biết bao giờ trở lại. Hiện sinh viên các lớp đã vào học trực tuyến nên sau khi trở về, nhà trường sẽ có kế hoạch dạy/học bù cho các em, đảm bảo đúng quy định", TS. BS Tạ Đăng Quang nói.